.
CUỘC THI KHOA HỌC KỸ THUẬT CẤP TỈNH DÀNH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC NĂM HỌC 2020 - 2021:

Ươm mầm đam mê nghiên cứu khoa học

Cập nhật: 21:07, 16/01/2021 (GMT+7)

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học lần thứ VIII, năm học 2020 - 2021 (gọi tắt là Cuộc thi) vừa bế mạc và trao thưởng cho các sản phẩm đoạt giải.

Cuộc thi do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Tiền Giang tổ chức nhằm khuyến khích học sinh (HS) tìm hiểu, nghiên cứu khoa học, vận dụng các kiến thức trên lớp vào thực tiễn cuộc sống; đồng thời, tạo sân chơi hữu ích cho HS có cơ hội trải nghiệm, sáng tạo, giao lưu, trao đổi các kiến thức về khoa học với bạn bè, thầy cô.

HIỆU QUẢ TỪ CUỘC THI

Tại Cuộc thi, việc chấm thi các sản phẩm sẽ được mỗi giám khảo thực hiện độc lập; đồng thời, trực tiếp trao đổi, phỏng vấn thí sinh, chú trọng việc đánh giá quá trình nghiên cứu của HS. Theo đánh giá của Ban Giám khảo, các sản phẩm dự thi năm nay mang tính thực tiễn và sáng tạo cao. Một số sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, sự đầu tư đáng kể cả về hình thức lẫn nội dung, poster trưng bày khoa học, đúng yêu cầu.

Kỹ năng trình bày báo cáo và trả lời câu hỏi của nhiều HS rõ ràng, tự tin, ngắn gọn, đúng trọng tâm. Năng lực giao tiếp của HS khá tốt, tự tin hơn nhiều so với các Cuộc thi trước đây. Đồng thời, các sản phẩm dự thi năm nay thể hiện sự chuẩn bị bài bản, công phu, có chiều sâu và phong phú về các lĩnh vực; chất lượng các sản phẩm được nâng lên, gần gũi thực tế, mang tính ứng dụng cao.

Một trong các sản phẩm tham dự Cuộc thi.
Một trong các sản phẩm tham dự Cuộc thi.

Trong đó, có nhiều sản phẩm đề cập đến những tiện ích trong việc sử dụng máy rửa tay tự động, sát khuẩn phòng, chống dịch bệnh Covid-19; các thiết bị khử nước mặn thành nước ngọt, giải pháp tạo nước ngọt phòng, chống hạn mặn; các giải pháp bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, còn có nhiều dự án quan tâm đến kỹ năng sống cho HS trong nhà trường, việc sử dụng mạng xã hội, thói quen duy trì học tập tốt, những vấn đề mới trong phát triển tâm sinh lý lứa tuổi HS hiện nay…

Với sản phẩm “Máy rửa tay tự động” của nhóm HS Trường THCS - THPT Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, đã vận dụng hiệu quả các kiến thức học trên lớp để tái chế đồ điện tử cũ thành máy rửa tay tự động không cần chạm, diệt khuẩn tốt phù hợp với việc phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.

Em Võ Hoàng Anh, một trong những HS trong nhóm HS Trường THCS - THPT Phú Thạnh tham gia nghiên cứu sáng chế sản phẩm “Máy rửa tay tự động” cho biết: “Tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp. Là HS, dưới sự hướng dẫn của thầy cô, chúng em phải biết cách tự bảo vệ bản thân và phòng bệnh cho người khác.

Và rửa tay sát khuẩn chính là biện pháp bảo vệ hữu hiệu nhất trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay. Do đó, chúng em quyết định thực hiện sản phẩm “Máy rửa tay tự động” với sự hướng dẫn của thầy cô và kết hợp lý thuyết các kiến thức Tin học, Vật lý, Sinh học và Hóa học. Sản phẩm rất tiện dụng và thân thiện với môi trường”.  

ĐỔI MỚI GIẢNG DẠY GẮN VỚI THỰC TIỄN

Có thể thấy, các sản phẩm dự thi có tính mới, sáng tạo mang tính ứng dụng nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và phục vụ đời sống xã hội. Cuộc thi là sân chơi trí tuệ, bổ ích, thúc đẩy việc đổi mới hình thức tổ chức dạy học cũng như hình thức, phương pháp đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực và phẩm chất của HS. Đặc biệt, từ thực tế Cuộc thi đã giúp giáo viên có nhận thức hơn trong việc tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn đánh giá, các sản phẩm tham dự Cuộc thi năm nay đều gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Nhiều sản phẩm, dự án được Ban Giám khảo đánh giá có ý tưởng khoa học hay, xuất phát từ thực tế đời sống và có khả năng ứng dụng hiệu quả.

“Để Cuộc thi thật sự là sân chơi bổ ích, có ý nghĩa khuyến khích, khơi gợi HS nghiên cứu khoa học, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành Giáo dục, trong thời gian tới, các trường THPT, các đơn vị Phòng GD&ĐT cần tiếp tục duy trì và phát triển các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong các cơ sở giáo dục trung học; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, kịp thời phát hiện các đề tài nghiên cứu. Giáo viên tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn lý thuyết với thực tiễn, tránh dạy kiến thức hàn lâm” - đồng chí Nguyễn Phương Toàn nhấn mạnh.

Cuộc thi năm nay có 89 sản phẩm của 130 thí sinh ở 25/38 trường THPT và 10/11 Phòng GD&ĐT của các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tham gia. Ban Tổ chức đã trao 4 giải Nhất, 9 giải Nhì, 13 giải Ba và 18 giải Khuyến khích cho các sản phẩm đoạt giải tại Cuộc thi.

Sản phẩm “Ứng dụng công nghệ Deep Learning trong thiết bị giám sát an toàn trên xe ô tô” của 2 em Nguyễn Thế Bằng và Lê Phạm Hoàng Trung (học sinh Trường THPT Chuyên Tiền Giang) và sản phẩm “Giày thông minh cho người khiếm thị” của em Phan Văn Hoàng Anh (học sinh Trường THPT Phạm Thành Trung, huyện Cái Bè) đều đoạt giải Nhất và được chọn dự thi Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm 2021.

ĐỖ PHI

.
.
.