.
Loay hoay giải bài toán thiếu giáo viên mầm non:

Bài cuối: Gỡ "nút thắt"

Cập nhật: 10:32, 11/01/2021 (GMT+7)

Bài 1: Nỗi niềm giáo viên mầm non

Bài 2 - Thiếu nguồn tuyển dụng

Trước yêu cầu bức bách giải bài toán thiếu giáo viên mầm non (GVMN), thời gian qua, nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có không ít giải pháp, cách làm hay từ linh hoạt áp dụng cơ chế chính sách đến đề ra các chủ trương phù hợp với thực tiễn địa phương.

ĐIỀU TIẾT BIÊN CHẾ

Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Tiền Giang, khóa IX, vấn đề thiếu GVMN tiếp tục được nhiều đại biểu đặt ra, chất vấn lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng về giải pháp đối với thực trạng này. Các đại biểu cho rằng, lãnh đạo tỉnh và ngành Giáo dục tỉnh vẫn chưa tháo gỡ được thực trạng thiếu GVMN. Cũng tại kỳ họp này, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh luôn quan tâm đến công tác tuyển dụng, bố trí nhân sự cho giáo dục mầm non (GDMN) tỉnh nhà, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.

Các bé tại Trường Mẫu giáo An Bình Tây, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Các bé tại Trường Mẫu giáo An Bình Tây, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Cụ thể, từ năm 2015, do biên chế GVMN chưa được Bộ Nội vụ giao đủ theo định mức quy định tại Thông tư liên tịch 06 ngày 16-3-2015 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở GDMN công lập (gọi tắt Thông tư 06) nên ngoài tổng biên chế sự nghiệp do Bộ Nội vụ giao, UBND tỉnh đã báo cáo HĐND tỉnh xem xét giao thêm hợp đồng giáo viên tại các trường mầm non trong tỉnh (từ nguồn ngân sách của tỉnh). Đến năm 2018, số hợp đồng GVMN giao cho các địa phương của tỉnh Tiền Giang là 1.822 giáo viên.

Cũng trong năm 2018, do một số bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang và Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy) thuộc Sở Y tế chuyển sang tự chủ chi thường xuyên nên đã giảm 1.320 biên chế sự nghiệp. Do đó, UBND tỉnhTiền Giang đã sử dụng số biên chế trên để giao bổ sung 1.000 biên chế cho các trường mầm non trong tỉnh, với mục đích chuyển 1.000 hợp đồng GVMN thành biên chế chính thức do Bộ Nội vụ giao; số hợp đồng GVMN còn lại giao cho các địa phương là 822 giáo viên.

Đến tháng 6-2019, khi Bộ Nội vụ giao bổ sung cho Tiền Giang 946 biên chế sự nghiệp cho bậc học mầm non, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh điều chỉnh tổng biên chế sự nghiệp năm 2019, trong đó điều chỉnh giao bổ sung 822 biên chế sự nghiệp cho cấp huyện, từ đó chấm dứt hoàn toàn việc giao hợp đồng GVMN.

Mặc dù được Bộ Nội vụ bổ sung cho tỉnh 946 biên chế sự nghiệp để giao cho bậc học mầm non nhưng so với định mức của Thông tư 06 thì biên chế GVMN vẫn chưa đảm bảo theo quy định. Do đó, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ bổ sung biên chế sự nghiệp cho tỉnh, với 1.395 biên chế, trong đó riêng bậc học mầm non là 829 biên chế. Bộ Nội vụ đã phản hồi, tạm thời chưa giao bổ sung cho tỉnh và Bộ đang tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Tại Hội nghị đánh giá thực trạng GDMN, phổ thông khu vực ĐBSCL, các địa phương trong khu vực đề xuất nhiều giải pháp mang tính dài hơi cho thực trạng thiếu GVMN như: Rà soát, sắp xếp các điểm trường cho phù hợp; có cơ chế chính sách đặc thù cho giáo dục bậc mầm non; kiên cố hóa trường lớp đi đối với phát triển nguồn nhân lực giáo dục…

Tại hội nghị này, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ tổng hợp ý kiến của các địa phương và làm việc với các bộ, ngành liên quan, chọn những đề xuất cấp bách, có tính đặc thù, khả thi dựa trên những luận cứ thuyết phục làm căn cứ để tham mưu cho Chính phủ. Về phía Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát chính sách, tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định sát với thực tế. Bộ cũng sẽ rà soát các thông tư liên tịch, thông tư trong thẩm quyền để bổ sung, hoàn thiện và ban hành mới, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giáo dục ĐBSCL.

Còn tại tỉnh Bến Tre, để giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực cho bậc học mầm non, tỉnh đã có nhiều giải pháp linh hoạt trong điều hành, chỉ đạo giải quyết khó khăn chung về biên chế, trong đó chú trọng điều tiết biên chế dư so với định mức từ cấp tiểu học, THCS, THPT sang cho cấp học mầm non để ưu tiên tuyển dụng GVMN.

Kết quả, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã điều tiết được 70 biên chế; trong đó, có 42 biên chế từ khối tiểu học và 28 biên chế từ khối THCS sang mầm non. Đồng thời, điều tiết biên chế từ các đơn vị sự nghiệp khác, nhất là đơn vị sự nghiệp y tế có khả năng tự chủ cao, với 580 biên chế từ Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu được điều tiết sang sự nghiệp giáo dục vào năm 2018 để bổ sung cho cấp mầm non.

Cùng với đó, UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo Sở GD&ĐT thực hiện sắp xếp các trường, giảm đầu mối, giảm biên chế trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, tỉnh đã  giảm 5 trường và 29 biên chế; hợp nhất 4 trường tiểu học thành 2 trường tiểu học, 2 trường THCS thành 1 trường THCS, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS thành trường TH - THCS, giải thể 1 trường THCS; sắp xếp giảm 41 điểm trường lẻ để có thể cân đối biên chế điều tiết cho bậc học mầm non.

Ngoài ra, trong kế hoạch biên chế hằng năm, Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Nội vụ xem xét, phê duyệt biên chế sự nghiệp GD&ĐT theo định mức, trong đó đặc biệt đề xuất bổ sung biên chế cho khối mầm non. Kết quả, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Bến Tre được Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung 110 biên chế. Bên cạnh đó, tỉnh còn tăng cường xã hội hóa giáo dục mầm non, thu hút đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước, với số trường mầm non ngoài công lập ngày càng tăng. Do thực hiện đồng bộ các giải pháp nên hằng năm biên chế bậc học mầm non của tỉnh Bến Tre từng bước được bổ sung tăng lên (năm 2020 tăng 371 biên chế so với năm 2015).

TẬP TRUNG TẠO NGUỒN

Bên cạnh giải pháp về biên chế, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng tích cực nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tuyển dụng, thu hút GVMN. Cụ thể, tỉnh thống nhất chủ trương cho Trường Đại học Tiền Giang liên kết với Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đào tạo bậc đại học hệ vừa làm vừa học  ngành Sư phạm mầm non từ năm 2018 theo nhu cầu của tỉnh. Dự kiến mỗi năm, bậc học mầm non của tỉnh cần tuyển mới hơn 250 giáo viên. Năm 2020, tỉnh có 152 sinh viên sư phạm mầm non ra trường; dự kiến năm 2021 sẽ có 156 sinh viên và năm 2022 là 182 sinh viên sư phạm mầm non ra trường đủ điều kiện tuyển dụng, bố trí vào các cơ sở giáo dục mầm non.

Đồng thời, vào tháng 2-2020, UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì hội nghị để bàn về chính sách hỗ trợ, thu hút GVMN trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với việc thu hút GVMN về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển của tỉnh. Tại hội nghị này, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với GVMN dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp thứ 14.

Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thì ngày 8-9-2020, Chính phủ ban hành Nghị định 105/2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó có nhiều quy định mới so với trước đây. Vì vậy, các ngành chức năng tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với GVMN theo đúng quy định.

Còn tại tỉnh Bến Tre, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Luyến cho biết, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Trường Cao đẳng Bến Tre đào tạo GVMN tạo nguồn bổ sung, từ 100 đến 150 giáo viên được đào tạo mỗi năm. Đồng thời, tỉnh cho chủ trương Trường Cao đẳng Bến Tre liên kết với Trường Đại học Đồng Tháp mở các lớp đào tạo GVMN trình độ cao đẳng, đại học với số lượng 100 giáo viên, tạo kiện cho GVMN liên thông trình độ đại học và đại học văn bằng 2.

Có thể nói, không chỉ tỉnh Tiền Giang, tỉnh Bến Tre mà nhiều tỉnh khác của khu vực ĐBSCL cũng đã linh hoạt giải quyết khó khăn của tình trạng thiếu GVMN theo điều kiện thực tế của địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành GD&ĐT của nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL thì đây chỉ là giải pháp tạm thời về lâu dài cần có giải pháp căn cơ.

THU HOÀI - ĐỖ PHI

 

.
.
.