.

Đại học Tiền Giang và giải nghiên cứu khoa học Euréka

Cập nhật: 10:32, 11/01/2021 (GMT+7)

Dù chỉ là trường tỉnh lẻ nhưng bằng sự nỗ lực, sinh viên Trường Đại học Tiền Giang (ĐHTG) đã mang về các giải cao tại Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) Euréka năm 2020. Đây là giải thưởng uy tín dành cho sinh viên đam mê NCKH trên toàn quốc do Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sáng lập từ năm 1999.

TỪ GẠO SẠCH

Với Đề tài “Chọn tạo dòng lúa than thơm bằng phương pháp hồi giao kết hợp chỉ thị phân tử” của nhóm sinh viên Nguyễn Minh Thông, Lớp Đại học Khoa học cây trồng 16 và Trần Phan Ngọc Tú, Lớp Đại học Công nghệ sinh học 16 đã xuất sắc vượt qua hàng trăm đề tài đến từ các trường đại học, cao đẳng, học viện trong cả nước để giành giải Nhất - Giải thưởng Sinh viên NCKH Euréka năm 2020 trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

Nhóm tác giả Đề tài “Chọn tạo dòng lúa than thơm bằng phương pháp hồi giao kết hợp chỉ thị phân tử” nhận giải Nhất - Giải thưởng Sinh viên NCKH Euréka năm 2020.
Nhóm tác giả Đề tài “Chọn tạo dòng lúa than thơm bằng phương pháp hồi giao kết hợp chỉ thị phân tử” nhận giải Nhất - Giải thưởng Sinh viên NCKH Euréka năm 2020.

Theo nhóm tác giả của đề tài, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội thì nhu cầu của người tiêu dùng đối với gạo đã thay đổi. Theo đó, gạo phải có giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe và có tác dụng dược liệu. Đặc biệt trong lớp vỏ cám của gạo đen là hợp chất có nhiều hoạt tính sinh học quý như: Khả năng chống oxy hóa cao nên được sử dụng để chống lão hóa hoặc chống oxy hóa các sản phẩm thực phẩm, hạn chế sự suy giảm sức đề kháng, có tác dụng làm bền thành mạch, chống viêm, hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư, chống các tia phóng xạ… Với những ưu điểm vượt trội đó nên nhóm tác giả đã chọn tạo dòng lúa than để thực hiện đề tài nghiên cứu.  

ĐẾN NÂNG CẤP LOẠI RAU DÂN DÃ

Đề tài “Quy trình chế biến trà thảo mộc tía tô” của nhóm tác giả Nguyễn Duy Khánh, sinh viên Lớp Đại học Công nghệ thực phẩm 16 và Nguyễn Thị Ngọc Thắm, sinh viên Lớp Đại học Công nghệ thực phẩm 17 đã xuất sắc vượt qua 48 đề tài về lĩnh vực công nghệ thực phẩm của các trường đại học lớn trong cả nước để đoạt giải Nhì - Giải thưởng Sinh viên NCKH Euréka năm 2020 trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm.

Theo nhóm tác giả nghiên cứu đề tài, qua tìm hiểu thông tin về lá tía tô trong y học cổ truyền và trong y học hiện đại thì lá tía tô có nhiều hoạt chất sinh học, có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Với những đặc tính tốt về dược lý và nhằm nâng cao giá trị cho cây tía tô ở địa phương, 2 sinh viên Duy Khánh và Ngọc Thắm - những người con của vùng rau xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã nghiên cứu chế biến trà thảo mộc tía tô, góp phần nâng cao giá trị loại rau đặc trưng này.

Theo nhóm tác giả, lá và cây tía tô sau khi thu hoạch được rửa sạch, tách riêng thân và lá, phân tích các hoạt chất sinh học; rồi đem các mẫu tía tô sấy ở nhiệt độ khác nhau để giữ lại hàm lượng hợp chất polyphenol có giá trị sinh học cao trong lá tía tô. Sau đó, kết hợp với các loại thảo dược khác như: Trà xanh, cỏ ngọt và gừng để chế biến trà thảo mộc tía tô túi lọc chứa nhiều hợp chất sinh học tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Sinh viên Ngọc Thắm, một trong 2 tác giả của Đề tài “Quy trình chế biến trà thảo mộc tía tô” cho biết, trong chương trình đào tạo của Trường ĐHTG, bên cạnh việc tiếp cận lý thuyết, sinh viên còn được tiếp cận với thực tiễn thông qua nhiều cách thức. Trong đó, thực hiện NCKH được đánh giá là phương thức hiệu quả để sinh viên mở rộng vốn kiến thức cũng như kỹ năng mềm của bản thân, đây còn là cơ hội để sinh viên áp dụng những kiến thức lý thuyết đã học vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Các giải Nhất, Nhì - Giải thưởng Sinh viên NCKH Euréka năm 2020 mà các sinh viên Trường ĐHTG mang về cho trường là dấu ấn, tiền đề và động lực để các thế hệ sinh viên, giảng viên nhà trường có thêm niềm đam mê, khuyến khích năng lực, tìm ra giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.

PHƯƠNG PHƯƠNG

.
.
.