.
NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TIỀN GIANG NĂM 2020:

Đầy khó khăn và nghị lực vượt khó

Cập nhật: 17:24, 05/01/2021 (GMT+7)

 (ABO) Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ đến các hoạt động dạy học của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp, kết thúc năm 2020, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực ở các lĩnh vực, các cấp bậc học, góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Đảm bảo an toàn tại các trường học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành GD-ĐT. Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, TP. Mỹ Tho.
Đảm bảo an toàn tại các trường học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành GD-ĐT. Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, TP. Mỹ Tho.

Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xảy ra, các trường học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đóng cửa để cùng cả nước chống dịch. Bộ GD-ĐT đã tinh giản nội dung chương trình vừa phù hợp thực tế phòng, chống dịch vừa bảo đảm kiến thức, kỹ năng của chương trình dạy học. Tuy nhiên, việc nghỉ học dài ngày vẫn phải hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, kiểm tra, đánh giá, thi cử… là bài toán khó, tạo áp lực rất lớn đối với các trường. Vì vậy, toàn ngành đã triển khai mục tiêu kép vừa bảo đảm an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019 - 2020. Với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” của Bộ GD-ĐT, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang đã triển khai phương pháp dạy học trực tuyến cho học sinh THPT và tổ chức ôn thi tuyển sinh lớp 10 qua truyền hình cho học sinh lớp 9.

Kết quả, qua hơn 4 tháng triển khai, có gần 90% trường THPT tổ chức dạy học trực tuyến, có từ 95% đến 98% học sinh tham gia học trực tuyến. Vì vậy, kết thúc năm 2020, sau 2 đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, gần 21 ngàn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 338 ngàn học sinh, sinh viên đều an toàn trước dịch bệnh và vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục.

Không chỉ tác động việc dạy và học, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cũng chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19. Trước và trong những ngày diễn ra kỳ thi, lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo ngành Giáo dục đã trực tiếp đi kiểm tra và kịp thời chỉ đạo, các địa phương chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm thi.

Kết quả kỳ thi thật phấn khởi khi có 13.790/13.897 học sinh đỗ tốt nghiệp THPT (đạt tỷ lệ 99,23%). Điểm trung bình tất cả các bài thi của thí sinh tỉnh Tiền Giang là 6,463, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành. Công tác tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021 được tiến hành đảm bảo đúng tiến độ quy định và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Qua kỳ thi đã tuyển được 16.505/18.142 thí sinh trúng tuyển vào lớp 10, đạt tỷ lệ 90,98%.

Năm 2020, toàn ngành GD-ĐT đã tổ chức tốt hai kỳ thi là tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Năm 2020, toàn ngành GD-ĐT đã tổ chức tốt 2 kỳ thi là tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Ảnh chụp tại Trường THPT Chuyên Tiền Giang.

Năm 2020 là năm đầu tiên toàn ngành tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở khối lớp 1. Chương trình mới được xây dựng theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Để chuẩn bị cơ sở vật chất, số phòng học phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp tiểu học, toàn tỉnh hiện có 4.134 phòng học/4.097 lớp, bình quân tỷ lệ 1.01 phòng học/lớp, đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày theo quy định. Bên cạnh đó, ngành đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên: Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 6.500 cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học, đảm bảo số lượng giáo viên với tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp để tổ chức dạy học lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Có thể nói, năm 2020 khép lại - một năm có nhiều đổi mới và chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã vượt qua khó khăn đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2021, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và địa phương đề ra.

PHƯƠNG PHƯƠNG
 
 

 

.
.
.