.

Chung tay tổ chức các kỳ thi lớn năm 2021

Cập nhật: 09:09, 27/05/2021 (GMT+7)
(ABO) Năm học 2020 - 2021, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2021 sẽ diễn ra vào các ngày 6 - 8-7-2021 và Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của tỉnh sẽ diễn ra vào các ngày 4 - 6-6-2021. 
 
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 16-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021, để triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của tỉnh (gọi chung là Kỳ thi) diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, trung thực, khách quan, chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
 
1. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tỉnh có liên quan:
 
- Chỉ đạo và kiểm tra việc hoàn thành kế hoạch dạy học, đánh giá xếp loại học sinh ở các trường phổ thông. 
 
- Khẩn trương có kế hoạch, phương án tổ chức các Kỳ thi trên địa bàn tỉnh bao gồm: Tổ chức đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; phối hợp chuẩn bị các điều kiện đảm bảo về giao thông, bố trí nơi ăn nghỉ của thí sinh và gia đình thí sinh, hỗ trợ các thí sinh là con em hộ nghèo, vùng khó khăn, thí sinh khuyết tật, thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai; phối hợp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế, an ninh trật tự... nhằm phục vụ tốt nhất cho Kỳ thi và đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với phụ huynh học sinh có biện pháp đưa học sinh đi thi an toàn. Không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.
 
- Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện hoàn thành kế hoạch thời gian năm học, đánh giá xếp loại học sinh ở các trường THPT; chỉ đạo các trường THPT tổ chức tốt việc ôn tập cho học sinh, kiểm tra hồ sơ dự thi của thí sinh và chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho Kỳ thi; tổ chức học tập, phổ biến quy chế thi và nghiệp vụ liên quan cho cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi.
 
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh học tập quy chế thi và các hướng dẫn khác có liên quan. Quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia Kỳ thi.
 
- Chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính, đảm bảo tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả; bố trí các nguồn lực thực hiện các khâu của Kỳ thi theo đúng Quy chế và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 
- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác nghiệp vụ phục vụ Kỳ thi như: Tổ chức cho học sinh đăng ký dự thi; lựa chọn, giới thiệu cán bộ, giáo viên đủ tiêu chuẩn, có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm cao tham gia tổ chức Kỳ thi; xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng... theo đúng Quy chế và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra theo quy định ở các khâu của Kỳ thi để đảm bảo công tác tổ chức thi tuyệt đối an toàn, trung thực, khách quan, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế. Tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm quy chế thi; khuyến khích thí sinh, thành viên của các Hội đồng thi và mọi công dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm quy chế thi. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy chế thi và an ninh trật tự Kỳ thi.
 
- Thực hiện báo cáo theo tiến độ lịch công tác của Kỳ thi và những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thi.
 
- Phối hợp với các cơ quan báo, đài trên địa bàn tỉnh tuyên truyền rộng rãi quy chế thi; mục đích, ý nghĩa, tính chất và yêu cầu của Kỳ thi.
 
2. Công an tỉnh phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo lập phương án bảo vệ tốt Kỳ thi. Chủ động phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn trong Kỳ thi. Chỉ đạo lực lượng phòng cháy, chữa cháy có kế hoạch kiểm tra an toàn cháy nổ tại các Điểm thi; bố trí lực lượng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để bảo vệ, giám sát công tác vận chuyển đề thi từ địa điểm nhận đề thi về địa điểm in sao và từ địa điểm in sao đến các Điểm thi; bảo vệ, giám sát công tác vận chuyển bài thi từ các Điểm thi về Ban Chấm thi. Tăng cường lực lượng tại các khu vực coi thi, chấm thi; có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực làm ảnh hưởng đến Kỳ thi. 
 
3. Sở Tài chính phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án tài chính đảm bảo kinh phí tổ chức Kỳ thi hiệu quả, tiết kiệm; cấp phát, thanh toán kinh phí kịp thời, đảm bảo điều kiện thuận lợi để tổ chức Kỳ thi; không để xảy ra tình trạng thiếu kinh phí, chậm kinh phí tổ chức Kỳ thi.
 
4. Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về mục đích, ý nghĩa và những nội dung cơ bản liên quan đến Kỳ thi, nhất là những vấn đề mới trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn xã hội. Kịp thời ngăn chặn, phản bác những thông tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận; phối hợp xử lý (nếu có) các thông tin liên quan đến Kỳ thi trên không gian mạng, ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh trong quá trình diễn ra Kỳ thi. Đề nghị các doanh nghiệp viễn thông phối hợp cung cấp số điện thoại mới phục vụ cho các Ban của Hội đồng thi; đảm bảo đường truyền phục vụ báo cáo nhanh, thông tin trong công tác thi, tuyển sinh.
 
5. Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và các cơ sở giáo dục xây dựng phương án đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; có phương án ứng phó trong phòng, chống dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh trên địa bàn; đảm bảo điều kiện y tế, chăm sóc sức khỏe phục vụ cán bộ, giáo viên tham gia coi thi và các thí sinh dự thi; tổ chức kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng, chống dịch tại các khu vực diễn ra Kỳ thi; kịp thời xử lý các tình huống khi có dịch bệnh, ốm đau, tai nạn bất thường hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các địa điểm tổ chức thi. 
 
6. Điện lực Tiền Giang xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các phương án dự phòng, bố trí lực lượng trực trong các ngày Kỳ thi diễn ra, đảm bảo ưu tiên cấp điện ổn định, liên tục cho các Điểm thi, Hội đồng thi trong các ngày diễn ra Kỳ thi, nhất là tại Ban in sao đề thi (có phương án dự phòng máy phát điện, trường hợp xảy ra sự cố có thể phát điện kịp thời phục vụ công tác in sao đề thi), coi thi, làm phách và chấm thi. 
 
7. Sở Giao thông Vận tải xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, không để xảy ra ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tới việc tổ chức Kỳ thi. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố bố trí phương tiện, nhân lực sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn, ứng phó kịp thời khi có sự cố và các tình huống bất thường xảy ra, nhất là trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. 
 
8. Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát giá cả dịch vụ trong Kỳ thi. 
 
9. Sở Xây dựng có kế hoạch ứng phó với các trường hợp khẩn cấp để đảm bảo các điều kiện an toàn trong mùa mưa, chú ý các hiện tượng: cây xanh ngã đổ, ngập nước gây tắc đường ở đô thị… 
 
10. Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang, đề nghị Báo Ấp Bắc phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin về mục đích, ý nghĩa, các quy định, quy chế, hướng dẫn và các vấn đề có liên quan đến Kỳ thi, nhất là những điểm mới, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn xã hội. 
 
11. Các cơ quan, đoàn thể tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham gia tổ chức tốt Kỳ thi. Đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh chủ động phối hợp cùng các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch “Tiếp sức mùa thi” để hỗ trợ thí sinh. 
 
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp, đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch, an toàn, đúng Quy chế; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh có liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Kỳ thi; đặc biệt là việc bố trí các Điểm thi trên địa bàn (kể cả các Điểm thi dự phòng), chuẩn bị các điều kiện thuận lợi phục vụ Kỳ thi như: Giao thông đi lại, phương tiện giao thông dự phòng trong trường hợp mưa bão, bố trí phà riêng vận chuyển đề thi, bài thi, nơi ăn nghỉ, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về phòng, chống dịch, trực cấp cứu, thông tin liên lạc, cung cấp điện và các điều kiện khác phục vụ kịp thời, tốt nhất tại nơi đặt Điểm thi, quản lý chặt chẽ các dịch vụ photocopy, in ấn trên địa bàn...; tổ chức kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng, chống dịch tại các địa điểm tổ chức thi. Tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở các Điểm thi; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thí sinh là con em gia đình chính sách, học sinh khuyết tật, hộ nghèo, vùng khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng thiên tai tham dự Kỳ thi. 
 
PV
 
 
.
.
.