(ABO) Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, với vai trò, chức năng của mình, đội ngũ giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Trung tâm) tọa lạc gần cầu Đỏ trên Quốc lộ 60 thuộc phường 5, TP. Mỹ Tho, đã làm tốt công tác giáo dục hòa nhập, giúp nhiều trẻ vượt qua mặc cảm về khuyết tật của bản thân, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Hiện Trung tâm đang dạy 182 trẻ bị khiếm khuyết nhiều dạng khác nhau như: Khiếm thính, tự kỷ, bại não, rối loạn ngôn ngữ…, với các lớp can thiệp sớm, phục hồi chức năng, tâm vận động, âm ngữ trị liệu, kỹ năng sống, hướng nghiệp dạy nghề.
|
Tại Trung tâm, mỗi lớp học có khoảng từ 10 đến 13 trẻ, mỗi cô sẽ dạy một trẻ trong 1 giờ và lần lượt đến các trẻ khác, mỗi tuần một trẻ học 2 giờ. |
|
Suốt bao năm qua, các cô giáo của Trung tâm vẫn hằng ngày cần mẫn nuôi dạy đàn con chịu nhiều bất hạnh như những bà mẹ nhân hậu trong ca khúc “Cô và mẹ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên có câu “Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền...”. |
|
Với tình yêu nghề, hơn 20 năm gắn bó với Trung tâm, cô giáo Bùi Thị Diện xác định việc dạy học sinh chuyên biệt là niềm hạnh phúc của bản thân, thôi thúc cô luôn tận tâm với công việc mà mình đã chọn. |
|
Trong mỗi ánh mắt học trò của mình, các cô giáo của Trung tâm đều thấu hiểu những gì các em đang suy nghĩ và mong muốn để có phương pháp giảng dạy phù hợp. |
|
Bên cạnh việc giảng dạy cho các em, phụ huynh còn được giáo viên Trung tâm hướng dẫn cách nuôi dạy con trẻ. |
|
Đây là lớp dành cho trẻ bị tăng động tại Trung tâm, thông qua vận động cơ thể giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, tập luyện tính kiên trì, học cách tổ chức và ứng xử với bạn trong khi chơi đùa. |
|
Bên cạnh đó, tại Trung tâm còn có lớp dạy kỹ năng sống, giúp trẻ khuyết tật phát triển những kỹ năng cần thiết hằng ngày. |
|
Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giúp các em học sinh khuyết tật có điều kiện giao lưu, học hỏi, nhằm xóa bỏ mặc cảm để các em thêm tự tin, hòa nhập tốt hơn trong cuộc sống. |
LÊ PHƯƠNG