.

Chuyện về hai nhà giáo tiêu biểu được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh

Cập nhật: 14:22, 19/11/2021 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2021), vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức “Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021”. Tỉnh Tiền Giang có hai nhà giáo được vinh danh là cô Cao Thị Tiếng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang và cô Huỳnh Hữu Hạnh Nguyên, Nhà giáo Ưu tú, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Chuyên Tiền Giang.

* CÔ CAO THỊ TIẾNG: Trăn trở với giáo dục hòa nhập

Cô Tiếng là một trong 60 nhà giáo tiêu biểu của cả nước được gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Trụ sở Chính phủ vừa qua. Cô Tiếng chia sẻ: “Cho tới bây giờ, bản thân mình vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc vinh dự và tự hào khi được lên bục phát biểu, chia sẻ những cảm xúc, trăn trở về nghề giáo, đặc biệt là công tác giáo dục hòa nhập với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cùng các thầy cô ở những tỉnh, thành khác”.

Trong bài phát biểu tại buổi gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ, cô Tiếng đã viết: “Những đứa trẻ khuyết tật dù ở mức độ nặng, nhẹ hay đặc biệt nặng thì các em cũng có thể học theo năng lực của mình nếu được các thầy cô giáo hướng dẫn, dạy dỗ phương pháp học phù hợp.

Mặc dù, công tác giáo dục hòa nhập vẫn còn không ít khó khăn, nhưng điều mà tôi mong muốn là trong lớp của giáo viên nào có đối tượng là trẻ khuyết tật, thì quý thầy cô hãy dang rộng vòng tay, đón nhận các em bằng tất cả tình yêu thương, để các em được học, được hòa nhập với các bạn…”.

Theo cô Tiếng, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang hiện đang nhận tiếp nhận dạy khoảng hơn 182 trẻ ở nhiều lứa tuổi bị các dạng khuyết tật, như: Tự kỷ, khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ… Trung bình mỗi năm, trung tâm tiếp nhận dạy gần 200 trẻ khuyết tật và có hơn 50 trẻ can thiệp sớm được hòa nhập tại các trường mầm non, tiểu học. Cô Tiếng ví von, người làm công tác giáo dục hòa nhập phải vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên, bên cạnh giỏi chuyên môn, nghiệp vụ thì thật sự có tâm mới gắn bó được với nghề.

Cô Tiếng có 26 năm gắn bó với nghề giáo, trong đó có 25 năm công tác tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang. Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, từ giáo viên hay cán bộ quản lý, thì điều làm cô Tiếng vui nhất là trẻ khuyết tật được can thiệp sớm, hòa nhập vào môi trường giáo dục cùng bạn bè. Với những cống hiến của mình, cô Tiếng vinh dự nhận được Bằng khen của Bộ GD-ĐT; nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang vì có nhiều thành tích đóng góp trong công tác giáo dục hòa nhập ở Tiền Giang.

* CÔ HUỲNH HỮU HẠNH NGUYÊN:
Làm nghề với cái tâm và hết lòng vì học trò

Cô Nguyên chia sẻ, năm 2021, có hai điều mà cô cảm thấy vinh dự là vừa nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú vào đầu năm, thì nhân dịp 20-11 lại tiếp tục được vinh danh tại Lễ tuyên dương do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, cô Nguyên về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang. Năm 1996, Trường THPT Chuyên Tiền Giang thành lập, cô về công tác tại đây cho đến nay.

26 năm gắn bó với nghề giáo, cô Nguyên luôn ý thức bản thân không ngừng cố gắng phấn đấu, trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. “Là một giáo viên đứng trên bục giảng, ngoài truyền thụ kiến thức, tôi luôn cố gắng gần gũi, thấu hiểu với học trò nhiều hơn. Mùa dịch Covid-19 thật sự là trải nghiệm của tôi và học trò, bởi có những em là F0, F1 phải đi cách ly điều trị hay cách ly tập trung, tôi thật sự thương các em. Bên cạnh hỗ trợ tinh thần, động viên an ủi, tôi luôn hết lòng giúp đỡ các em khi học trực tuyến”, cô Nguyên chia sẻ.

Cô Nguyên quan niệm, muốn dạy được trò giỏi, trước hết bản thân giáo viên phải không ngừng rèn luyện cả về chuyên môn và đạo đức. Năm 2003, cô Nguyên hoàn thành chương trình thạc sĩ. Năm 2011, cô được ngành Giáo dục cử đi học khóa học chuyên môn sâu về Tiếng Anh tại Singapore. Bên cạnh đó, cô Nguyên còn thực hiện nhiều đề tài sáng kiến kinh nghiệm trong dạy và học Tiếng Anh được áp dụng phổ biến, như: Kỹ thuật diễn giải và chiến lược làm bài thi môn đọc Tiếng Anh THPT; TOEFL và bài đọc hiểu Tiếng Anh của học sinh THPT…

Nhờ những cố gắng phấn đấu của mình trong giảng dạy, đội tuyển học sinh giỏi Tiếng Anh của Trường THPT Chuyên Tiền Giang năm nào cũng gặt hái được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi. Riêng cá nhân cô Nguyên vinh dự nhận được danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú; nhiều năm liền nhận được Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, của ngành Giáo dục vì có nhiều
thành tích trong giảng dạy.

ĐỖ PHI

 

.
.
.