Tích hợp liên môn - "luồng gió mới" cho việc dạy và học lịch sử
Lịch sử là môn học đặc thù. Từ thực tế giảng dạy, nhiều giáo viên cho rằng, để giúp học sinh yêu thích, hứng thú với môn học Lịch sử, quan trọng là phương pháp truyền thụ của giáo viên. Và một trong các phương pháp được đánh giá hiệu quả là dạy học theo hướng tích hợp liên môn, đặc biệt là với các môn Khoa học xã hội.
TÍCH HỢP NHƯ THẾ NÀO?
Thời gian qua, dạy học tích hợp liên môn là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy ở các cơ sở giáo dục. Trong các môn thuộc khối Khoa học xã hội, Lịch sử là môn học có mối quan hệ tương quan, biện chứng với các môn học Ngữ văn, Địa lý và Giáo dục công dân. Từ lâu nay, Lịch sử được đánh giá là môn học khô khan, gây nhàm chán đối với học sinh. Chính vì vậy, thực hiện dạy và học tích hợp liên môn được xem là “luồng gió mới” trong việc đổi mới, nâng cao phương pháp dạy và học ở môn Lịch sử.
Theo phân tích của thầy Nguyễn Phúc Viễn, Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, không riêng gì môn Lịch sử, dạy học tích hợp liên môn đòi hỏi giáo viên phải có sự sáng tạo, chuẩn bị công phu. Ngoài kiến thức chuyên môn, giáo viên phải có trình độ nhất định về các môn khoa học cơ bản, gần gũi với môn Lịch sử như Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân,… để phân tích, luận giải, liên kết các vấn đề một cách mạch lạc, giúp học sinh hiểu hơn về các kiến thức lịch sử.
Tiết dạy thực nghiệm có kết hợp phương pháp tích hợp liên môn Ngữ Văn và Lịch sử về Cuộc khởi nghĩa Tứ Kiệt của Trường THPT Chợ Gạo. |
Theo phân tích của thầy Nguyễn Phúc Viễn, giữa môn Ngữ văn và Lịch sử có liên hệ chặt chẽ với nhau, kiến thức môn này sẽ hỗ trợ cho môn kia, trong đó môn Ngữ văn sẽ cung cấp những tư liệu quý về lịch sử. Đối với việc tích hợp kiến thức Ngữ văn vào dạy Lịch sử sẽ áp dụng được với tất cả chương trình Lịch sử ở các khối lớp của bậc trung học, bởi mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi sự kiện lịch sử đều liên quan đến văn học, đến sự nhận định của các danh nhân, nhân vật lịch sử trong nước. Ví dụ, khi dạy về nội dung lịch sử giai đoạn đầu Cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1858 đến 1873 trong chương trình Lịch sử 11, giáo viên có thể tham khảo trích dẫn các bài thơ của tác giả Nguyễn Đình Chiểu như bài “Chạy Tây”,... để học sinh có thể cảm nhận được nỗi cực khổ của nhân dân ta giai đoạn lịch sử đó.
Lịch sử và Địa lý là hai môn học đã được tích hợp thực hiện đối với Chương trình giáo dục phổ thông mới ở khối lớp 6 bắt đầu từ năm học 2021 - 2022 và sẽ được triển khai tiếp tục đối với khối lớp 7, 8 và 9 ở các năm học tiếp theo. Theo đó, mức độ tích hợp của hai phân môn này sẽ có ba cấp độ, đó là: Tích hợp nội dung lịch sử trong những phần phù hợp của bài Địa lý; tích hợp nội dung Địa lý trong những phần phù hợp của bài Lịch sử và tích hợp theo các chủ đề chung.
Theo thầy Lê Duy Khanh, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Lê Ngọc Hân (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), Lịch sử và Địa lý có mối tương quan, tác động qua lại với nhau, bởi với từng sự kiện lịch sử cụ thể đều được diễn ra trong bối cảnh nhất định, và bị tác động bởi các yếu tố điều kiện địa lý, con người, kinh tế, xã hội, môi trường tự nhiên,…
"Chúng ta có thể lấy ví dụ khi dạy về “Các nước Đông Nam Á cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỉ XX”. Bên cạnh kiến thức sách giáo khoa, giáo viên có thể kết hợp lược đồ, các đoạn phim ngắn để phân tích làm rõ cho học sinh hiểu về tầm quan trọng của vị trí địa lí và đặc điểm tự nhiên của khu vực Đông Nam Á. Đây là khu vực nằm giữa hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có một vị trí quan trọng trên đường giao lưu quốc tế…”, thầy Khanh nói thêm.
CÓ DỄ TÍCH HỢP KHÔNG?
Việc tích hợp kiến thức liên môn để dạy học môn Lịch sử trong nhà trường thời gian qua đã góp phần tạo hứng thú, giúp học sinh dễ dàng nắm bắt, hiểu sâu kiến thức, xóa bỏ cảm giác khô khan, nhàm chán trong các giờ học Lịch sử. Với phương pháp dạy và học mới này, đã phát huy vai trò chủ động của học sinh trong việc tiếp nhận kiến thức, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, gợi mở vấn đề.
Tuy nhiên, không riêng gì môn Lịch sử, việc đổi mới phương pháp dạy và học tích hợp liên môn đã gặp không ít khó khăn. Theo nhiều giáo viên, để có một bài giảng tốt theo hướng tích hợp đòi hỏi nhiều yếu tố từ ứng dụng nhuần nhuyễn công nghệ thông tin, các kênh hình, kênh chữ, đặc biệt là đối với các giáo viên lớn tuổi chắc chắn sẽ chịu rất nhiều áp lực.
Thêm vấn đề nữa là việc áp dụng dạy và học tích hợp môn Lịch sử và Địa lý ở bậc THCS theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đã bộc lộ hai trở ngại chính là thiếu nguồn giáo viên và thiếu nguồn học liệu, sách tham khảo, tất cả giáo viên đều phải tự thân vận động. Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận nhỏ giáo viên chậm đổi mới, dạy theo phương pháp cũ đọc - chép…
Có thể thấy, phương pháp dạy tích hợp liên môn ở môn Lịch sử được xem là giải pháp hiệu quả, kích thích sự đam mê, yêu thích môn Lịch sử từ học sinh. Đây thật sự là phương pháp mới, đòi hỏi giáo viên không ngừng nỗ lực, nâng cao trình độ chuyên môn.
Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Lịch sử của tỉnh Tiền Giang cho rằng, tích hợp liên môn là giải pháp hiệu quả trong giảng dạy Lịch sử, tuy nhiên giáo viên cần phải xác định đúng đắn việc thực hiện tích hợp liên môn trong bài học lịch sử phải đúng lúc, đúng chỗ, không được gò ép.
Giáo viên phải cô đọng, lựa chọn kiến thức tích hợp phù hợp, đảm bảo chính xác, vì giảng dạy lịch sử yếu tố chính xác được đặt lên hàng đầu. Việc thực hiện tích hợp liên môn trong dạy học lịch sử cần linh hoạt, sáng tạo với nhiều hình thức khác nhau trong giảng dạy cũng như kiểm tra, đánh giá…
V. PHƯƠNG