.
KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG HỒ BƠI TRONG TRƯỜNG HỌC

Khai thác hồ bơi chưa hiệu quả

Cập nhật: 16:17, 08/06/2022 (GMT+7)

Đuối nước ở trẻ em đang là bài toán nan giải. Hầu như năm nào tỉnh Tiền Giang cũng xảy ra các trường hợp trẻ em bị đuối nước thương tâm. Do đó, một trong những giải pháp cấp bách phòng, chống đuối nước ở trẻ em và học sinh được đưa ra là nhanh chóng xây dựng các hồ bơi trong trường học để đẩy mạnh công tác phổ cập bơi.

Hồ bơi tại Trường THPT Vĩnh Kim chỉ mới cho học sinh trong trường sử dụng mà chưa thực hiện xã hội hóa để khai thác hết công năng.
Hồ bơi tại Trường THPT Vĩnh Kim chỉ mới cho học sinh trong trường sử dụng mà chưa thực hiện xã hội hóa để khai thác hết công năng.

Mặc dù, nhiều hồ bơi trong trường học đã được xây dựng và đưa vào hoạt động nhưng việc khai thác sử dụng các hồ bơi hiện nay chưa hết công năng và hiệu quả.

HOẠT ĐỘNG CHƯA HẾT CÔNG NĂNG

Xây dựng hồ bơi để phổ cập bơi lội cho học sinh được xem là giải pháp căn cơ được các cấp lãnh đạo tỉnh Tiền Giang quan tâm thực hiện để phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), những năm qua, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, hoạt động của các hồ bơi trong trường học gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là vấn đề kinh phí.

Theo Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có 14 hồ bơi có quy mô lớn tại các trường THPT, với tổng kinh phí đầu tư trên 70 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 52 hồ bơi nhỏ, trong đó có 16 hồ bơi cố định trong các trường mầm non, tiểu học, THCS; 36 hồ bơi di động đáp ứng nhu cầu phổ cập bơi lội, phòng, chống đuối nước cho học sinh. Ngoài ra, hệ thống các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh cũng được đầu tư xây dựng 1 hồ bơi tại Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang.

Để giải quyết khó khăn trên, vừa qua, HĐND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết 09 ngày 17-9-2021 quy định mức thu dịch vụ sử dụng hồ bơi trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Nghị quyết 10 ngày 17-9-2021 quy định mức chi hỗ trợ kinh phí vận hành và khai thác hồ bơi trong các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí vận hành và khai thác hồ bơi không quá 138 triệu đồng/hồ bơi/năm. Đồng thời, quy định mức thu phổ cập bơi cho học sinh là 225.000 đồng/khóa học cho 20 tiết. Mức thu đối với học sinh, cá nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ hồ bơi thuộc địa bàn phường, thị trấn là 15.000 đồng/người/lần và địa bàn xã là 10.000 đồng/người/lần cho 90 phút.

Có thể thấy, việc ban hành Nghị quyết 09 và Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh Tiền Giang đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động hồ bơi trong các trường học. Tuy nhiên, có một nghịch lý là mặc dù đã có cơ chế chính sách nhưng các hồ bơi trong trường học vẫn chưa được khai thác, hoạt động hiệu quả.

Tại Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang, hồ bơi của trường có diện tích 624 m2 được tiếp nhận và đưa vào khai thác sử dụng từ cuối năm 2019 với 5 làn bơi và một số hạng mục khác, như: Cầu nối, nhà xe giáo viên, cổng hàng rào, sân đường… Tuy nhiên, cho đến nay, hồ bơi của trường vẫn chưa khai thác sử dụng, gây lãng phí.

Theo lý giải của Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang Lê Minh Đức, việc hồ bơi chưa khai thác đưa vào sử dụng được là do một số khó khăn, như: Vị trí hồ bơi nằm khuất phía trong, cổng lối đi tiếp giáp UBND phường 9, TP. Mỹ Tho chưa được đền bù, giải tỏa đất của người dân lân cận. Thêm vào đó, số lượng sinh viên ở ký túc xá của trường còn ít nên có nhiều nhà đầu tư đến xem để thuê dạy bơi cho học sinh, sinh viên nhưng vẫn chưa thuê.

Đối với hồ bơi tại một số trường học cũng không mấy khả quan. Qua khảo sát thực tế cho thấy, trong 14 hồ bơi của các trường THPT thì ngoài hồ bơi của Trường THPT Chuyên Tiền Giang, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, hầu hết các hồ bơi còn lại vẫn chưa xây dựng phương án khai thác và sử dụng hiệu quả.

Riêng tại huyện Gò Công Tây, cuối năm 2017, ngành Giáo dục huyện đã đưa vào hoạt động hồ bơi tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trừ (xã Bình Tân). Hồ bơi này dùng để phục vụ phổ cập bơi cho hơn 1.000 học sinh của địa phương. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, hồ bơi mở rất ít lớp dạy bơi.

Trước đây, để duy trì các lớp bơi lội, nhà trường đã kêu gọi nguồn kinh phí xã hội hóa từ phụ huynh, tuy nhiên chỉ có ít phụ huynh đồng ý vì điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn. Để duy trì hoạt động hồ bơi, nhà trường đã đưa việc học bơi của học sinh vào giờ học chính khóa.

Bên cạnh khai thác chưa hiệu quả, hết công năng, một số hồ bơi trong các trường học xuất hiện tình trạng đóng rong rêu trên thành hồ, dưới mặt nước và bám vào gạch. Một số hồ bơi cùng các công trình phụ trợ đi kèm có dấu hiệu xuống cấp, sụp lún không đảm bảo an toàn cho người dạy và học bơi.

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN, BẤT CẬP

Theo phân tích của ngành GD-ĐT cũng như lãnh đạo một số trường học có hồ bơi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khai thác và sử dụng hồ bơi tại các trường học chưa hiệu quả. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do tác động của dịch Covid-19 trong thời gian dài làm cho hoạt động của các hồ bơi bị đình trệ và các hạng mục hồ bơi cũng dần xuống cấp.

Thời gian qua, hồ bơi tại Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang vẫn chưa được khai thác sử dụng hiệu quả.
Thời gian qua, hồ bơi tại Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang vẫn chưa được khai thác sử dụng hiệu quả.

Tuy nhiên, đó chỉ là nguyên nhân khách quan, vấn đề cốt lõi là nhiều đơn vị chưa thật sự quan tâm, xây dựng phương án khai thác sử dụng các hồ bơi. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Thông, thời gian qua, tỉnh đã dành nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư hồ bơi tại các trường học.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, nhiều đơn vị chỉ quan tâm làm thế nào để được tỉnh đầu tư công trình cho đơn vị mình mà chưa quan tâm đến việc khai thác hiệu quả sau đầu tư. Nhiều đơn vị không xây dựng quy chế khai thác sử dụng công trình sau khi hoàn thành dẫn đến chưa khai thác hết công năng của các công trình đầu tư công.

Bên cạnh đó, theo tính toán của một số trường học có hồ bơi, kinh phí bình quân để vận hành một hồ bơi khoảng 324 triệu đồng/năm; tuy nhiên phần ngân sách lại hỗ trợ mức kinh phí là 138 triệu đồng/hồ bơi/năm. Mức hỗ trợ này chỉ đáp ứng một phần kinh phí để vận hành, với các nội dung chi, gồm: Tiền hóa chất xử lý nước, tiền dụng cụ, tiền thuê nhân viên vệ sinh, trực hồ...

Các phần còn lại như tiền điện, nước, huấn luyện viên, cứu hộ… các trường phải chi từ nguồn kinh phí của trường và nguồn thu phí dạy bơi. Tuy nhiên, nguồn kinh phí và nguồn thu này tại các trường là rất hạn hẹp, đặc biệt là các trường ở vùng nông thôn.

Ngoài ra, theo tinh thần Thông tư 03 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, để dạy bơi cho một lớp với sĩ số trung bình 30 học sinh trong hồ hơi có diện tích trên 300 m2 thì cần 1 huấn luyện viên, 2 cứu hộ và 1 nhân viên vệ sinh vận hành lọc nước. Tuy nhiên, thực tế tại hầu hết các hồ bơi cho thấy, đội ngũ này hiện nay đang thiếu, trong khi nguồn giáo viên chủ yếu tận dụng từ các giáo viên dạy giáo dục thể chất cho đi tập huấn về nghiệp vụ bơi lội…

Có thể nói, những khó khăn, bất cập về hồ bơi trong các trường học đã từng bước được tháo gỡ, từ việc đầu tư xây dựng các công trình đến ban hành chủ trương, chính sách khai thác sử dụng hồ bơi. Tuy nhiên, để vận hành hiệu quả các hồ bơi trong trường học cần sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị thụ hưởng công trình.

Đ. PHI - THU HOÀI - TUẤN LÂM

 

 

.
.
.