.
Góc nhìn giáo dục

Mầm mống thành tích ảo

Cập nhật: 18:01, 06/06/2022 (GMT+7)

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường, trong đó có nội dung: “Nghiên cứu rà soát, sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định, các loại chuẩn, tiêu chuẩn có tính hình thức, cứng nhắc, không phát huy được tính sáng tạo, chủ động ở các cấp cơ sở giáo dục, không phù hợp với thực tiễn, dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục”.

Điều này thực sự cần thiết khi nhìn vào hoạt động của ngành giáo dục và đào tạo, áp lực thi đua xuất hiện khắp mọi nơi. Căn bệnh thành tích lan khắp “cơ thể” ngành giáo dục khi ngành đưa ra các chỉ tiêu về trường xuất sắc, phòng giáo dục và đào tạo xuất sắc, giáo viên xuất sắc... dựa trên thành tích về tỷ lệ học sinh giỏi, giải học sinh giỏi, điểm tuyển sinh đầu cấp, chỉ tiêu về số lượng chiến sĩ thi đua... Mỗi quận, huyện chỉ có 2-3 trường xuất sắc, mỗi trường chỉ có vài giáo viên xuất sắc, dẫn tới nhà nhà thi đua, tìm mọi cách để có nhiều học sinh giỏi, đạt được các tiêu chí đề ra.

Hiện tượng một lớp có quá nhiều học sinh giỏi cho thấy không đúng thực chất. Việc khen thưởng, điểm tổng kết quá cao là biểu hiện của bệnh thành tích trong ngành giáo dục tồn tại lâu năm rất nhức nhối. Căn bệnh đó khiến nhiều học sinh ngộ nhận về khả năng và sức học của bản thân, từ đó chủ quan, chểnh mảng, mất dần ý chí ham học, phấn đấu. Dù tại khoản 3, Điều 22 Luật Giáo dục 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục, trong đó có “gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh”.

Bên cạnh đó, Điều 14 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22-1-2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục (các hành vi vi phạm về thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập). Số tiền xử phạt từ 6 đến 8 triệu đồng đối với hành vi viết thêm, sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, liệu có đủ sức răn đe? Từ trước đến nay liệu có mấy thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục bị xử lý kỷ luật vì làm đẹp học bạ?

Giờ học của các em học sinh tiểu học. Ảnh: Chinhphu.vn
Giờ học của các em học sinh tiểu học. Ảnh: Chinhphu.vn

Có lẽ những mầm mống của căn bệnh thành tích ảo nên bắt đầu từ việc bỏ áp đặt chỉ tiêu thi đua, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện tham gia thi đua của tập thể, cá nhân theo quy định; bỏ việc tính khen thưởng một giáo viên, một cơ sở giáo dục, một địa phương bằng số lượng học sinh thi đỗ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; bỏ hình thức khen thưởng giáo viên có “chất lượng giảng dạy vượt trội”, “giáo viên dạy giỏi”, có nhiều học sinh khá, giỏi, không có học sinh yếu... Loại bỏ những điểm ảo, trả lại cho trường học chất lượng giảng dạy thực chất, lành mạnh, ở đó học sinh khá, giỏi phải thật sự xứng đáng; học sinh được đánh giá dựa trên sự tiến bộ của chính các em. Từ đó, việc đánh giá điểm số thực chất, năng lực học tập thực chất của học sinh không trở thành áp lực với những giáo viên, góp phần đưa giáo dục về đúng quỹ đạo ổn định, tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên chứ không phải để phục vụ lợi ích một cá nhân hay tập thể nào.

Một giáo viên giỏi, một trường học tốt được đánh giá dựa vào rất nhiều yếu tố chứ không phải chỉ dựa vào điểm số. Làm thế nào để một học sinh yếu trở thành học sinh trung bình, khá; một học sinh trung bình thành khá, giỏi mới là quan trọng. Đã đến lúc cần đánh giá năng lực học sinh dựa trên sự tiến bộ của học sinh đó. Đó mới là điều mà giáo dục cần hướng tới.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.