Thứ Hai, 25/07/2022, 10:04 (GMT+7)
.

Chuẩn bị gì để việc giảng dạy môn Lịch sử đạt hiệu quả?

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có điều chỉnh chương trình môn Lịch sử ở bậc THPT từ 70 tiết xuống còn 52 tiết/năm học và dạy bắt buộc cho 100% học sinh từ năm học 2022 - 2023.

Thông tin trên được xem là tín hiệu vui cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Lịch sử nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Tuy nhiên, trước những thay đổi trong giảng dạy môn Lịch sử đang đòi hỏi các trường THPT cần có sự điều chỉnh lại các tổ hợp môn học đã xây dựng trước đó.

CHƯƠNG TRÌNH SẼ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO?

Theo Sở GD-ĐT Tiền Giang, tỉnh đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2022 - 2023. Trước khi có thông tin chuyển môn Lịch sử từ lựa chọn thành bắt buộc, các trường đều đã xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn cho học sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện ở lớp 10. Như vậy, với sự thay đổi trên, đòi hỏi các cơ sở giáo dục phổ thông cần có kế hoạch, phương án xây dựng lại các tổ hợp mới. Tuy nhiên, các trường dù đã có các phương án sẵn sàng, nhưng chỉ là dự kiến vì còn phải chờ hướng dẫn cụ thể từ Sở GD-ĐT.

Dạy học tích hợp liên môn góp phần nâng chất lượng dạy và học môn Lịch sử. Ảnh chụp giờ học của học sinh  Trường THPT Chợ Gạo.
Dạy học tích hợp liên môn góp phần nâng chất lượng dạy và học môn Lịch sử. Ảnh chụp giờ học của học sinh Trường THPT Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Theo phân tích của Hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, việc điều chỉnh các tổ hợp môn sẽ đơn giản, không phức tạp. Cụ thể, tổ hợp đã xây dựng có môn Lịch sử có thể giữ nguyên, với thời lượng chương trình 52 tiết học bắt buộc. Còn với những tổ hợp môn học lựa chọn mà các trường đã xây dựng trước đó không có môn Lịch sử thì chỉ cần bỏ bớt 1 môn bất kỳ trong số 5 môn học, phù hợp với điều kiện đáp ứng của mỗi trường.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Tiền Giang, trong tổng số 2.080 giáo viên bậc THPT, có 103 giáo viên môn Lịch sử, trong đó 12 giáo viên có trình độ thạc sĩ và 91 giáo viên có trình độ đại học. Hiện tại, ngành Giáo dục của tỉnh đang nỗ lực xây dựng kế hoạch điều chỉnh chương trình môn Lịch sử dựa trên hướng dẫn từ Bộ GD-ĐT để sớm có hướng dẫn cụ thể đến các trường.

Việc điều chỉnh chương trình môn Lịch sử được thực hiện gấp rút nhưng sẽ vẫn đảm bảo tiến độ và chất lượng. Trong thời gian tới, thông tin từ Bộ GD-ĐT là sẽ tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán môn Lịch sử để kịp thời nắm bắt, áp dụng chương trình mới một cách phù hợp, sáng tạo.

Cô Cao Châu Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Đoàn Trần Nghiệp (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) cho biết, điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10 của trường là 14 điểm, với số lượng trúng tuyển 134 học sinh trong năm học 2022 - 2023.

“Hiện học sinh của trường vẫn chưa chọn phương án tổ hợp, nhà trường phải đợi hướng dẫn của Sở GD-ĐT mới xây dựng phương án mới, đồng thời sẽ thông báo kịp thời đến phụ huynh, học sinh nhằm chuẩn bị tốt cho năm học 2022 - 2023. Việc điều chỉnh môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc không gây ảnh hưởng hay xáo trộn cho năm học tới đây, bởi nhà trường đã chủ động chuẩn bị các phương án cho năm học 2022 - 2023 ngay sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 kết thúc”, cô Cao Châu Thanh Thủy cho biêt thêm.

Cũng giống như Trường THCS - THPT Đoàn Trần Nghiệp, các trường THPT khác của tỉnh Tiền Giang hiện tại vẫn chưa đăng ký tổ hợp môn cho học sinh khối 10, tất cả đang chờ chỉ đạo từ Sở GD-ĐT và dự kiến trong tháng 8, sẽ tiến hành triển khai để phụ huynh và học sinh có thể chuẩn bị tốt cho năm học sắp tới.

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP

Thời gian qua, dư luận xã hội đã có nhiều tranh cãi về vị trí môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Và tất cả đã giải tỏa khi môn học này được quyết định thành môn học bắt buộc, nhận được nhiều sự đồng tình, hoan nghênh của các tầng lớp nhân dân. Có thể thấy, bên cạnh niềm vui, sự phấn khởi, đội ngũ giáo viên môn Lịch sử bậc THPT của tỉnh Tiền Giang đã không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, truyền thụ kiến thức sao cho sinh động, trực quan, tránh hiện tượng học sinh nhàm chán môn Lịch sử.

Có nhiều phương pháp giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử, trong đó có tăng cường đọc sách, báo, tư liệu. Ảnh chụp học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho trong giờ đọc sách.    Ảnh: PV
Có nhiều phương pháp giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử, trong đó có tăng cường đọc sách, báo, tư liệu. Ảnh chụp học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang trong giờ đọc sách. Ảnh: PV

Là một trong những giáo viên có bề dày kinh nghiệm giảng dạy môn Lịch sử bậc THPT, thầy Chung Phước Trực, giáo viên Trường THPT Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Việc Lịch sử được quyết định trở thành môn học bắt buộc ở bậc THPT làm cho bản thân tôi, cũng như đội ngũ giáo viên bộ môn Lịch sử rất phấn khởi. Tuy nhiên, đây là trọng trách lớn lao mà đội ngũ giáo viên môn Lịch sử cần phải cố gắng, nỗ lực thật nhiều trong thời gian tới. So với các môn học khác, môn Lịch sử có phần khô khan, liên quan đến các dữ kiện, con số là phần nhiều. Thời gian qua, đội ngũ giáo viên môn Lịch sử đã cố gắng rất nhiều, ứng dụng công nghệ thông tin để mềm hóa các bài giảng lịch sử sao cho sinh động, tránh việc đọc, chép và đã tạo hứng thú cho học sinh trong từng giờ lên lớp”.

Với quyết định Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 bậc THPT sẽ có 8 môn học bắt buộc, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục quốc phòng an ninh, Giáo dục địa phương, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và Lịch sử. Ngoài ra, mỗi học sinh sẽ được chọn học 4 môn thuộc nhóm môn học lựa chọn (giảm bớt 1 môn so với quy định trước đó), gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Làm sao để học sinh hứng thú với môn Lịch sử, không gây nhàm chán trong mỗi giờ học không chỉ là băn khoăn của riêng thầy Trực, mà là nỗi niềm chung của đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử của tỉnh nhà. Do đó, các thầy cô mong muốn, lãnh đạo ngành Giáo dục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để đội ngũ giáo viên môn Lịch sử được tham gia học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; tham gia các đợt sinh hoạt chuyên đề, bồi dưỡng, tập huấn để tiếp cận với các phương pháp giảng dạy mới có thể áp dụng thực tế tại đơn vị.

Lịch sử đã trở thành môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT từ năm học 2022 - 2023. Để môn học này trở nên hấp dẫn, cuốn hút học sinh, rất cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm từ rất nhiều phía mà trong đó quan trọng hơn hết là đội ngũ giảng dạy môn Lịch sử.

P. PHƯƠNG

.
.
.