.
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 TẠI TIỀN GIANG:

Đảm bảo số lượng và chất lượng giáo viên để thích ứng

Cập nhật: 09:37, 04/11/2022 (GMT+7)

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên là một trong những nhân tố quyết định trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Do đó, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Theo đó, hai giải pháp chính được tập trung triển khai là khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học và thực hiện rà soát, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành.

TUYỂN THÊM GIÁO VIÊN

Thiếu giáo viên ở các bậc học không là thực trạng riêng của tỉnh Tiền Giang, mà là thực trạng chung của rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Việc thiếu giáo viên đã ảnh hưởng không nhỏ đến nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện Chương trình GDPT mới như hiện nay. Do đó, giải pháp cấp bách hiện nay là đẩy nhanh tiến độ tuyển dụng đủ nguồn giáo viên.

Với nguyên tắc “nơi nào có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các tỉnh, thành nhanh chóng triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông, với 27.850 biên chế giáo viên sẽ được tuyển dụng cho năm học 2022 - 2023.

Hội nghị triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm học bậc trung học 2022 - 2023 cho các trường THCS và THPT.
Hội nghị triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm học bậc trung học 2022 - 2023 cho các trường THCS và THPT.

Riêng tỉnh Tiền Giang, qua thống kê, tình hình thiếu giáo viên ở các bậc học cụ thể như sau: Mầm non 537 giáo viên; tiểu học 343 giáo viên; THCS 302 giáo viên và THPT 110 giáo viên. Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Sở GD-ĐT Nguyễn Hoàng Tấn cho biết, ngành Giáo dục vừa có thông báo tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho các đơn vị trực thuộc; trong đó tuyển 102 chỉ tiêu giáo viên và 27 chỉ tiêu nhân viên cho 39 trường THPT và đơn vị trung tâm. Qua thống kê ở các trường, có nhiều bộ môn khó tuyển dụng, như: Ngữ văn (32 chỉ tiêu); Lịch sử (14 chỉ tiêu)…

Việc tuyển dụng biên chế giáo viên thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật và ưu tiên đối với các  địa phương, các trường khó tuyển dụng trong nhiều năm qua. Đây là năm thứ hai liên tiếp, ngành Giáo dục đổi mới quy trình xét tuyển là thí sinh sẽ thi thực hành, soạn giáo án và lên tiết dạy tại đơn vị đăng ký tuyển dụng.

“Thời gian tới, Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên giai đoạn 2020 - 2025.  Tổ chức rà soát, tổng hợp và xây dựng kế hoạch theo lộ trình về việc bồi dưỡng giáo viên tiểu học đạt chuẩn trình độ theo quy định; rà soát cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, hoạt động giáo dục.
Xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu giáo viên, nhân viên, đặc biệt là các môn học nghệ thuật, năng khiếu, Tiếng Anh nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018”.

TRƯỞNG PHÒNG TỔ CHỨC - HÀNH CHÍNH, SỞ GD-ĐT TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN HOÀNG TẤN

Còn với bậc học mầm non, toàn tỉnh Tiền Giang có 57 xã khó tuyển dụng giáo viên. Riêng tại các khu công nghiệp có 16 trường mầm non công lập được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết “Quy định chính sách khuyến khích và hỗ trợ đời sống cho giáo viên mầm non trong công lập tại các địa bàn khó tuyển dụng của tỉnh Tiền Giang”. Theo đó, bậc học này cần tuyển 172 chỉ tiêu trong thời gian 3 năm thì đến nay mới tuyển được hơn 40% giáo viên.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Châu Thành,  tỉnh Tiền Giang Võ Văn Dũng cho biết, huyện Châu Thành vừa tổ chức tuyển dụng giáo viên cho các bậc học. Trong ba bậc học thì bậc tiểu học của huyện thiếu nhiều giáo viên nhất, với chỉ tiêu cần tuyển là 55 giáo viên tiểu học.

Nguyên nhân chủ yếu là không có nguồn giáo viên để tuyển dụng, cụ thể qua danh sách thống kê toàn huyện chỉ có 14 thí sinh đăng ký dự tuyển, một số trường không có thí sinh dự tuyển hoặc nguồn dự tuyển ít, nên không đáp ứng chỉ tiêu. Để khắc phục tạm thời khó khăn này, một số trường tiểu học đã linh hoạt thỉnh giảng lại giáo viên về hưu để đứng lớp trong khi chờ nguồn tuyển dụng phân bổ về cho huyện.

NÂNG CHUẨN GIÁO VIÊN 

Nâng chuẩn giáo viên là một trong những yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay của toàn ngành Giáo dục. Qua thống kê, toàn ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang có 19.139 cán bộ, nhà giáo công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục, trong đó có 16.865 giáo viên và 2.274 nhân viên. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn ở bậc mầm non 81,25%, bậc tiểu học 70,72%, THCS 63,82% và THPT 99,99%. Toàn ngành Giáo dục có 5 tiến sĩ, 341 thạc sĩ, 9.565 nhà giáo đạt trình độ đại học.

Tính đến đầu năm học 2022 - 2023, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành bồi dưỡng các mô-đun ưu tiên, được trang bị kiến thức và kỹ năng để thực hiện Chương trình GDPT 2018, đổi mới cách thức tiếp cận trong giảng dạy và giáo dục học sinh. Theo đó, ngành Giáo dục đã hoàn thành các khóa bồi dưỡng đại trà cho 12.565 giáo viên bậc học phổ thông (5.906 giáo viên tiểu học, 4.579 giáo viên THCS, 2.080 giáo viên THPT) và 742 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, ngành cũng đã hoàn thành bồi dưỡng sáu mô-đun ưu tiên giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cốt cán ở các bậc học.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ.
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo đánh giá của ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, nguồn nhân lực của ngành Giáo dục tỉnh hiện nay cơ bản đáp ứng việc giảng dạy và học tập trong toàn ngành. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: Số biên chế phân bổ chưa đồng đều, còn thiếu các môn so với nhu cầu thực tế như ngoại ngữ, tin học, trải nghiệm, Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý; nhưng lại thừa giáo viên ở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, thiếu nhân viên y tế trong các trường học. Một số nhà giáo và cán bộ quản lý chưa được trang bị, cập nhật những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Năng lực đổi mới phương pháp dạy học của một bộ phận giáo viên chưa tốt; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều giữa vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi và vùng khó khăn…

ĐỖ PHI

.
.
.