.

Tiền Giang quyết tâm chọn sách giáo khoa đúng tiến độ, chất lượng

Cập nhật: 09:36, 27/02/2023 (GMT+7)

Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ tiếp tục triển khai dạy học theo chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới đối với các lớp 4, 8 và 11. Tiếp nối kinh nghiệm từ các lần chọn SGK của những năm trước, công tác chọn SGK đang được các địa phương, nhà trường tổ chức bài bản nhằm đảm bảo tiến độ, cũng như chất lượng.

KHỞI ĐỘNG CHỌN SGK

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 4 ngành GD-ĐT triển khai thực hiện “Một chương trình, nhiều sách SGK”. Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 được áp dụng với học sinh lớp 1 từ năm học 2020 - 2021; lớp 2 và 6 từ năm học 2021 - 2022; lớp 3, 7 và 10 năm học 2022 - 2023; năm học 2023 - 2024, có thêm học sinh lớp 4, 8 và 11.

Qua gần 3 năm học triển khai giảng dạy SGK mới, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Tiếp tục thực hiện lộ trình cuốn chiếu trong việc triển khai Chương trình GDPT mới, Bộ GD-ĐT đã ban hành các quyết định phê duyệt danh mục các đầu SGK các lớp 4, 8 và 11 theo Chương trình GDPT năm 2018. Cụ thể, có gần 140 đầu sách ở 3 khối lớp vừa được Bộ GD-ĐT công bố, cụ thể lớp 4 có 44 đầu SGK; lớp 8 có 42 đầu SGK và lớp 11 có 50 đầu SGK.

Học sinh lớp 10, Trường THPT Chuyên Tiền Giang trong giờ học.
Học sinh lớp 10, Trường THPT Chuyên Tiền Giang trong giờ học.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, một trong những lợi thế lớn của việc chọn SGK năm nay là tất cả các trường ở 3 cấp học đều đã có kinh nghiệm, làm việc có trách nhiệm trong việc lựa chọn SGK.

Qua những lần chọn SGK vừa qua, các thành viên trong hội đồng các khối, lớp đã nghiên cứu rất kỹ bộ SGK, so sánh, phân tích theo tiêu chí lựa chọn được hướng dẫn, tích cực tham mưu cho hội đồng. Các thành viên có liên hệ thực tiễn, khai thác các hình thức, phương pháp dạy học từ phân hóa, dạy học tích hợp đến tổ chức các hoạt động của học sinh.

Hiện tại, trong tháng 2-2023, các nhà xuất bản đang tổ chức giới thiệu SGK đến với các bậc học trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá ban đầu, các bản mẫu SGK năm nay cơ bản đáp ứng cấu trúc chương trình ở các môn học; các nội dung thể hiện trong sách thể hiện tốt phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh được quy định trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, các bản mẫu SGK năm nay cũng còn một số hạn chế nhất định như một số nội dung, thuật ngữ chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học, một số bản mẫu còn bị lỗi về mặt từ ngữ, hình ảnh…

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SGK

UBND tỉnh Tiền Giang có Hướng dẫn 999 về việc quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, có 2 tiêu chí quan trọng được đề cập: Thứ nhất, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Ở tiêu chí này yêu cầu nội dung SGK có tính kế thừa và phát triển, ngôn ngữ sử dụng quen thuộc, đảm bảo tính cơ bản, khoa học, thiết thực, tạo độ mở để học sinh có thể vận dụng các từ gần gũi với tình huống tại địa phương; các hình ảnh phong phú, đa dạng, phù hợp với vùng miền, phù hợp nét văn hóa nhiều vùng trên địa bàn tỉnh.

Nội dung đảm bảo tính khả thi, phù hợp với năng lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay; triển khai tốt với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại địa phương. Hình thức của sách được thiết kế kèm theo hướng dẫn, gợi mở tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh hỗ trợ con em học tập tại nhà…

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT yêu cầu, thành viên trong Hội đồng SGK của tỉnh cần nghiên cứu thật kỹ quy trình chọn sách, nội dung của sách để lựa chọn được bộ sách phù hợp. Mặc dù đã có kinh nghiệm, nhưng không được chủ quan mà cần nghiên cứu để thực hiện đúng, đảm bảo các quy định. Việc chọn SGK phải được thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch, tinh thần tất cả là vì học sinh và vì sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.

Thứ hai, phải phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, nội dung sách đáp ứng được mục tiêu chương trình tổng thể và chương trình các môn học, giúp nhà trường và giáo viên tự chủ, sáng tạo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục.

Nội dung SGK trình bày hấp dẫn, cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, có tính thẩm mỹ cao, gây hứng thú với học sinh, cấu trúc bài học hợp lý theo hướng dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nội dung bài học có hệ thống bài tập gắn với thực tiễn của địa phương, giúp học sinh ôn tập, củng cố và phát triển năng lực, phẩm chất...

QUY TRÌNH LỰA CHỌN SGK 

Các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chính thức bắt tay vào công tác chọn SGK ngay từ tuần đầu của tháng 2-2023. Theo đó, một trong những công việc đầu tiên là Hiệu trưởng các trường triển khai Thông tư 25/2020 cho Hội đồng Sư phạm và Ban Đại diện cha mẹ học sinh của trường. Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập các hội đồng lựa chọn SGK lớp 4, 8 và 11 sử dụng từ năm học 2023 - 2024.

Dự kiến giữa tháng 3-2023, công bố kết quả thi học sinh giỏi Quốc gia

Ngày 24 và 25-2, tại Trường THPT Chuyên Tiền Giang đã diễn ra Kỳ thi Chọn học sinh giỏi (HSG) Quốc gia THPT năm học 2022 - 2023.

Kỳ thi chọn HSG Quốc gia THPT năm học 2022 - 2023, Tiền Giang có 54 học sinh dự thi ở 9 môn thi gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Tiếng Anh, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, mỗi môn 6 học sinh, trong đó có 49 học sinh của Trường THPT Chuyên Tiền Giang; 5 học sinh còn lại thuộc các trường THPT gồm: Chợ Gạo (2 học sinh), Nguyễn Đình Chiểu, Vĩnh Kim và Trương Định, mỗi trường 1 học sinh. Các thí sinh ở các bộ môn thi cho biết, đa phần đều làm được bài, đề thi năm nay phù hợp với tính chất Kỳ thi HSG Quốc gia, các câu hỏi phân hóa sâu sắc.

Những học sinh đoạt giải cao sẽ có cơ hội được các trường đại học tuyển thẳng trong năm học 2023 - 2024 sắp tới. Theo kế hoạch, dự kiến, giữa tháng 3-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố kết quả thi.

ĐỖ PHI

Theo Sở GD-ĐT, trong tháng 3-2023, khối lượng công việc chọn SGK sẽ tương đối lớn. Do đó, sau khi thực hiện quy trình giới thiệu SGK từ các nhà xuất bản, Hiệu trưởng các trường học sẽ chỉ đạo và tổ chức cho các tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận, đánh giá, nhận xét và lựa chọn SGK theo đúng quy định.

Các tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận, đánh giá, nhận xét SGK của môn học các lớp 4, 8 và 11 đúng chuyên môn và theo tiêu chí lựa chọn SGK của tỉnh; tiến hành bỏ phiếu kín, lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học và báo cáo cho Hiệu trưởng danh mục SGK do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn có chữ ký của Tổ trưởng chuyên môn và các giáo viên tham gia lựa chọn.

Tiếp đó, Hiệu trưởng các trường tổ chức cuộc họp, với thành phần dự họp gồm: Hiệu trưởng, các Phó hiệu trưởng, các Tổ trưởng chuyên môn và đại diện Ban Đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá, nhận xét SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất và lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học.

Các trường sẽ tiến hành báo cáo kết quả lựa chọn SGK về Phòng GD-ĐT đối với lớp 4, 8 theo danh mục từ cao đến thấp; còn với lớp 11 báo cáo về Sở GD-ĐT. Sở GD-ĐT tổng hợp và chuyển giao cho Hội đồng Lựa chọn SGK danh mục SGK đã được các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn.

Sau đó, thành viên Hội đồng Lựa chọn SGK nghiên cứu, nhận xét, đánh giá SGK theo các tiêu chí lựa chọn và tiến hành họp Hội đồng thảo luận, đánh giá, nhận xét SGK trên cơ sở danh mục đã được các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất; bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học, tổng hợp kết quả lựa chọn SGK và chuyển giao kết quả về Sở GD-ĐT.

Sở GD-ĐT tổng hợp kết quả lựa chọn SGK của các môn học trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt danh mục SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục, công bố rộng rãi cho công chúng.

Theo kế hoạch, tháng 5-2023, Sở GD-ĐT sẽ thông tin kết quả lựa chọn SGK đến các nhà xuất bản, phối hợp xây dựng kế hoạch tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy khối 4, 8 và 11. Sau đó, trong tháng 6-2023, Sở GD&ĐT phối hợp nhà xuất bản tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy lớp 4, 8 và 11 sử dụng SGK theo từng môn học.

TẤN MINH

.
.
.