.

Tiền Giang sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Cập nhật: 11:53, 26/06/2023 (GMT+7)

Ngày 28-6, trên 15 ngàn học sinh lớp 12 của Tiền Giang sẽ chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Mặc dù đã sát “giờ G”, tuy nhiên, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực ôn tập cho học sinh khối 12. Song song đó, cuối tuần qua, các trường THPT cũng đã bàn giao cơ sở vật chất cho các điểm thi.

NỖ LỰC TRƯỚC “GIỜ G”

Thay vì việc ôn tập cho học sinh khối 12 sẽ kết thúc một tuần trước kỳ thi, thế nhưng nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã bám sát ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh đến giờ cuối. Không khí ôn tập ở các trường vẫn diễn ra nghiêm túc, thời lượng ôn tập được đẩy lên tối đa để đảm bảo cho các em được trang bị kiến thức cơ bản cũng như nâng cao, kỹ năng làm bài đầy đủ.

Học sinh Trường THPT Tứ Kiệt ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Học sinh Trường THPT Tứ Kiệt ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Tại Trường THPT Lưu Tấn Phát, huyện Cai Lậy, việc ôn tập cho học sinh đã kết thúc vào cuối thứ bảy tuần qua. Đa phần học sinh khối 12 của trường đều bám sát ôn tập cho đến những ngày cuối cùng. Cô Trần Thị Mỹ Linh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: ‘Những ngày ôn tập sát giờ thi, giáo viên chủ yếu hướng dẫn ôn tập, cách làm bài cho các em. Các em được hệ thống lại kiến thức, chủ yếu kiến thức lớp 12, thực hành các cách làm bài trắc nghiệm, giải đáp thắc mắc cũng như dặn dò học sinh những quy định cần thiết khi đi thi để các em không bị lúng túng”.

Còn tại Trường THPT Tứ Kiệt, TX. Cai Lậy cũng đã nỗ lực cho học sinh khối 12 ôn tập vào tận sát những ngày cuối cùng. Theo nhà trường, ngoài việc ôn tập nhằm đảm bảo đủ kiến thức cơ bản cho các em, giáo viên bộ môn còn dành thời gian các buổi để tập trung hỗ trợ, bồi dưỡng cho học sinh có học lực yếu, trung bình, học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp THPT để các em không bị hổng kiến thức, có kết quả thi tốt nhất. Để tránh căng thẳng, giáo viên đã động viên tinh thần, giải đáp thắc mắc trong những bài tập ôn, hệ thống kiến thức từng môn học để học sinh thoải mái hơn.

Sáng ngày 25-5, tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Trưởng điểm thi, Phó trưởng điểm thi phụ trách chuyên môn, Tổ trưởng thư ký điểm thi, Thanh tra thi. Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã được quán triệt Quy chế thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt là đồ dùng thí sinh không được đưa vào phòng thi; các mốc thời gian quan trọng kỳ thi; những lưu ý trong quá trình tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023; nghiệp vụ thanh tra thi...

Em Nguyễn Hữu Duy, học sinh lớp 12, Trường THPT Tứ Kiệt, TX. Cai Lậy cho biết: “Những ngày gần thi này, mặc dù không đến trường, nhưng em vẫn dành thời gian cho việc tự học. Những ngày này, em sắp xếp thời gian ôn tập, nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý. Nói chung là đến thời điểm này, em đã có thể tự tin bước vào kỳ thi”.

Còn em Nguyễn Khánh An, học sinh Trường THPT Dưỡng Điềm chia sẻ: “Kỳ thi năm nay, em lo nhất là 2 môn Toán và Tiếng Anh. Còn vài ngày nữa tới kỳ thi, em đã tập trung xem lại một số công thức, một vài kiến thức của chương trình học kỳ I của lớp 12; đồng thời làm lại một số bài tập trắc nghiệm cho nhuần nhuyễn”.

Theo nhiều giáo viên, trong những ngày cận kề ngày thi như hiện nay, các em không nên dồn sức ôn tập quá mức, mà hãy giữ cho mình một tinh thần thoải mái, ưu tiên sử dụng các phương pháp hệ thống kiến thức để hiểu nội dung thay vì học thuộc lòng một cách dồn nén không hiệu quả.

CÁC ĐIỂM THI ĐÃ SẴN SÀNG

Cho đến thời điểm này, 30 điểm thi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chuẩn bị xong mọi điều kiện để kỳ thi diễn ra thuận lợi. Tại hầu hết các điểm thi, tất cả các phòng thi và hành lang đều được vệ sinh sạch sẽ, các thông báo, băng rôn cũng đã dán cẩn thận. Bên cạnh đó, tại các điểm thi cũng đã dán sơ đồ phòng thi, lịch thi… để thí sinh tiện theo dõi trong suốt những ngày thi.

Tại điểm thi Trường THPT Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất cho kỳ thi. Điểm thi này có 652 thí sinh ở 28 phòng thi, bố trí 2 phòng thi dự phòng và 1 phòng thi dành cho thí sinh có ca bệnh nghi ngờ. Các văn bản về kỳ thi cũng đã được dán tại cửa phòng thi theo đúng quy định; chuẩn bị đầy đủ vật liệu, văn phòng phẩm… Ngoài các điều kiện trên, điểm thi cũng đã bố trí chỗ để vật dụng cho thí sinh đảm bảo cách phòng thi 25m.

Điểm thi Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cũng đã sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng tới đây. Toàn điểm thi có 682 thí sinh ở 29 phòng thi. Những ngày qua, ở điểm thi này đã tiến hành rà soát cơ sở vật chất như: Hệ thống điện, đèn chiếu sáng, khu vực bố trí để đồ cho thí sinh…

Ngoài các phòng thi thì các phòng chức năng như: Phòng Hội đồng, Phòng trưởng điểm thi… đều trang bị đầy đủ cơ sở vật chất như: Bàn ghế làm việc, máy photo, điện thoại có loa ngoài. Riêng Phòng Bảo quản đề thi có camera giám sát, tủ bảo mật; phòng Y tế tại điểm thi bố trí thoáng mát, đầy đủ vật tư y tế, trang thiết bị, các vật dụng sơ cứu ban đầu.

Theo đánh giá từ Ban Chỉ đạo kỳ thi, đến thời điểm này, các điểm thi đã chính thức bước vào hoạt động cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Các kỹ năng làm bài để đạt điểm thi cao

Với nhiều năm kinh nghiệm luyện thi tốt nghiệp THPT, các giáo viên trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đã chia sẻ bí quyết giúp thí sinh có thể làm tốt bài thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay ở các môn: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh.

* CÔ NGUYỄN THỊ NGỌC VÂN, GIÁO VIÊN NGỮ VĂN: Tránh bôi xóa khi làm bài

Đề thi môn Ngữ Văn có 2 phần cơ bản gồm phần đọc hiểu và phần làm văn. Làm bài thi Ngữ văn, thí sinh cần phân chia thời gian hợp lý, trong đó dành nhiều thời gian cho phần làm văn. Ở phần đọc hiểu, đề thi hỏi gì, trả lời thẳng vào vấn đề, tránh dài dòng.

Bên cạnh đó, thí sinh cũng không nên trả lời quá chung chung, hay diễn đạt lủng củng, lan man… Với phần làm văn, đối với câu nghị luận xã hội, thí sinh cần nắm chắc các kiểu bài nghị luận xã hội đã được học để áp dụng cho phù hợp.

Thí sinh cũng cần lưu ý cần liên hệ, dẫn chứng cho phù hợp, đặc sắc để bài làm phong phú, tạo ấn tượng cho người chấm thi. Với môn Ngữ văn, khi làm bài thi, thí sinh cần tránh bôi xóa, tránh bỏ dòng, nên viết chữ đẹp, rõ ràng khi làm bài.

*CÔ NGUYỄN THỊ CẨM HẰNG, GIÁO VIÊN TOÁN: Tận dụng máy tính là lợi thế

Trong quá trình làm bài, thí sinh cần làm trước những câu hỏi dễ, câu khó làm sau, tránh trường hợp dồn quá nhiều thời gian cho một câu hỏi. Khi làm bài, thí sinh nên tận dụng, nắm chắc cách sử dụng máy tính cầm tay, đây được xem là lợi thế nhằm giải quyết một số các dạng toán một cách nhanh nhất có thể như: Các biểu thức logarit, số phức, tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của hàm số, tìm nguyên hàm, tích phân…

Trong quá trình tính toán cần cẩn thận, không lơ là với những câu hỏi dễ.  Với những câu mang tính chất vận dụng cao ở những câu hỏi cuối đề thi để phân loại thí sinh, thì cần linh hoạt áp dụng tổng thể các kiến thức toán học, các biện pháp suy luận loại suy để tìm ra phương án tốt nhất cho bài làm. Sau khi thực hiện, thí sinh cần dò lại các đáp án đã tô, khi làm bài thi trắc nghiệm, thí sinh không nên bỏ bất cứ câu hỏi nào.

*CÔ TRẦN THỊ THỦY TIÊN, GIÁO VIÊN TIẾNG ANH:  Câu dễ làm trước, câu khó làm sau

Đề Tiếng Anh thuộc dạng trắc nghiệm, nguyên tắc làm bài là thí sinh cần làm là đọc lướt qua đề thi một lần từ đầu đến cuối, câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau, không nên mất quá nhiều thời gian cho việc dịch nghĩa từ ngữ và nội dung.

Khi làm bài, các em chú ý cần phải gạch vào những chữ “mấu chốt” trong câu hỏi để làm chính xác. Với dạng bài đọc hiểu, thí sinh cần đọc lướt qua một lần và phân tích từng chỗ trống, vận dụng cách làm bài từ vựng và ngữ pháp để chọn đáp án đúng.

Đ.PHI

.
.
.