Tuyển sinh đại học năm 2023: Hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm giảm mạnh
Một số trường đại học (ĐH) vừa kết thúc các phương thức xét tuyển sớm (xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng…) với kết quả: hồ sơ, nguyện vọng đăng ký giảm từ 50%-65% so với năm ngoái. Theo các chuyên gia, đây là thông tin khá bất ngờ trong tuyển sinh ĐH năm nay.
Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2023 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. |
Xét học bạ THPT giảm 65%
Kết thúc xét tuyển sớm, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho biết: Số nguyện vọng xét tuyển bằng học bạ THPT được 5.021, xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) được 4.013.
Theo ThS Phạm Thái Sơn, trường đã kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển sớm nhưng khá bất ngờ vì số lượng hồ sơ ít hơn năm ngoái nhiều. Hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng học bạ THPT chỉ bằng gần 35% so với năm ngoái, còn ĐGNL chỉ bằng 50%. Thực tế, có ngày trường nhận từ 300-400 cuộc điện thoại từ thí sinh tìm hiểu nhiều vấn đề, nhưng lại chỉ nhận được vài bộ hồ sơ đăng ký.
Với phương thức xét điểm thi ĐGNL, do lượng thí sinh đăng ký xét tuyển quá ít (hạn cuối ngày 28-4) mới chỉ bằng 15%-25% chỉ tiêu nên ĐH Quốc gia TPHCM kéo dài thời hạn đăng ký đến hết ngày 10-6.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), cổng trực tuyến của ĐH Quốc gia TPHCM năm nay tiếp nhận thí sinh đăng ký xét tuyển cho 66 trường ĐH, CĐ trong và ngoài hệ thống. Trong số hơn 100.000 thí sinh dự thi năm 2023, hơn 40.000 thí sinh đã đăng ký với trên 190.000 nguyện vọng. Trong đó, hơn 30.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các đơn vị, trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM với gần 96.000 nguyện vọng. Nếu so với năm 2022, tổng số thí sinh đăng ký trên hệ thống này giảm khoảng 20.000 thí sinh, số nguyện vọng giảm khoảng 200.000 (năm 2022 có khoảng 60.000 thí sinh đăng ký với gần 390.000 nguyện vọng).
Đơn cử tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), có khoảng 13.500 thí sinh đăng ký xét tuyển với xấp xỉ 27.000 nguyện vọng (giảm 50% so với năm trước). Trong khi đó, tại nhiều trường ĐH khác như Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Công nghệ TPHCM… lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm so với cùng kỳ năm 2022 cũng đạt khoảng 40%-60%.
Thí sinh thận trọng
Lý giải nguyên nhân về sự sụt giảm hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL, TS Nguyễn Quốc Chính cho biết: Có nhiều nhuyên nhân khiến số lượng thí sinh và nguyện vọng đăng ký giảm. Trước tiên là do thí sinh đã cân nhắc kỹ giữa nguyện vọng và năng lực bản thân nên có sự tính toán. Điển hình là số nguyện vọng trung bình mỗi thí sinh đăng ký năm nay giảm hơn so với năm 2022. Cụ thể, năm 2022, trung bình mỗi thí sinh đăng ký trên 6 nguyện vọng thì năm nay chỉ khoảng 4,75 nguyện vọng.
Bên cạnh đó, kết quả phân tích dữ liệu sơ bộ cho thấy, hầu hết thí sinh đạt điểm cao kỳ thi này đã thực hiện đăng ký xét tuyển. Trong khi đó, nhóm thí sinh không tham gia đăng ký trên hệ thống chủ yếu ở nhóm từ 600-700 điểm. Như vậy, có thể nhóm thí sinh này sau khi phân tích, không thấy có cơ hội trúng tuyển ở nhóm ngành “hot” nên quyết định lựa chọn phương thức xét tuyển khác. Ngoài ra, một bộ phận thí sinh có thể vẫn cho rằng chỉ cần đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT mà không cần đăng ký phương thức sớm tại các trường.
Theo ThS Phạm Thái Sơn, nguyên nhân chính vì năm ngoái các thí sinh đăng ký và có kết quả trúng tuyển trước thì vẫn phải đợi đến khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mới được quyền nhập học chung. Tương tự, năm nay tất cả các phương thức xét tuyển (phương thức xét tuyển sớm, xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT) đều chung một đợt. Tất cả thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm đều phải đăng ký lại trên hệ thống xét tuyển chung của bộ. Chính vì quy định xét tuyển này của bộ nên thí sinh có tâm lý chờ đợi, nhất là thí sinh có kết quả học bạ THPT và điểm thi ĐGNL không cao.
Kết quả xét tuyển vừa công bố ở một số trường như Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành... dù hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm giảm, nhưng điểm chuẩn (điểm trúng tuyển) một số ngành lại cao hơn năm 2022. Trong khi đó, nhiều chuyên gia tuyển sinh của các trường cho biết: Đúng là năm nay lượng hồ sơ, nguyện vọng đăng ký xét tuyển sớm giảm mạnh. Tuy nhiên, thống kê về điểm chuẩn lại không hề giảm so với năm 2023. Vấn đề là thí sinh đã có sự cân nhắc, thận trọng từ quy định của Bộ GD-ĐT. Dù đã đạt điểm chuẩn bằng các phương thức xét tuyển sớm, nhưng thí sinh vẫn phải nhớ xác nhận và đăng ký lại trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. Nếu không đăng ký trên hệ thống xét tuyển chung, thí sinh sẽ mất cơ hội.
Ngày 20-6, Trường ĐH Kinh tế TPHCM công bố kết quả các phương thức xét tuyển sớm hệ ĐH chính quy năm 2023. Theo đó, mặt bằng điểm chuẩn nhìn chung tăng đều so với năm 2022. Năm nay điểm chuẩn của 51 chương trình đào tạo của trường tại cơ sở TPHCM dao động từ 47-77 điểm đối với phương thức xét học sinh giỏi và phương thức tổ hợp môn, từ 800-985 điểm đối với phương thức xét điểm thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức. Tại Phân hiệu Vĩnh Long, điểm chuẩn các phương thức lần lượt từ 40-48 và từ 550-600. Nhìn chung, mặt bằng điểm chuẩn tăng đều so với năm 2022. Cùng với đó, trường cũng công bố tuyển sinh theo phương thức điểm tốt nghiệp THPT 2023 cho 3 ngành mới là Máy tính, Công nghệ thông tin và An toàn thông tin theo hướng ứng dụng. |
(Theo sggp.org.vn)