.
HỘI GIẢNG NHÀ GIÁO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TỈNH TIỀN GIANG LẦN THỨ IX, NĂM 2023:

Nâng cao hiệu quả giáo dục tại các trường nghề

Cập nhật: 09:30, 17/07/2023 (GMT+7)

Được tổ chức 2 năm một lần, Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp lần thứ IX, năm 2023 được xem là sân chơi bổ ích cho tất cả các giáo viên dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Đây không chỉ là dịp để các giáo viên có cơ hội giao lưu, gặp gỡ, mà còn có thể trau dồi trình độ chuyên môn, nâng cao năng lực tự nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Tiền Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 620 giáo viên, chủ yếu giáo viên tập trung tại 6 trường có đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.

Hội giảng năm nay thu hút 9 cơ sở đăng ký với 59 giáo viên tham gia. Giáo viên tham gia hội giảng phải soạn 3 bài giảng cùng thể loại hoặc khác thể loại (tự chọn thể loại lý thuyết, thực hành hoặc tích hợp) gửi Ban Tổ chức và bốc thăm chọn 1 bài trình giảng từ 3 bài đã đăng ký trước ngày khai mạc. Nội dung bài giảng do giáo viên tự chọn trong chương trình được phân công giảng dạy.

Ban Tổ chức trao giải Nhất cho các thầy, cô giáo.
Ban Tổ chức trao giải Nhất cho các thầy, cô giáo.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các bài giảng tham gia hội giảng được lựa chọn từ các nghề tiêu biểu trong tỉnh, sát với thực tế và đáp ứng được công nghệ mới. Theo nhận xét từ Ban Giám khảo, chất lượng các bài giảng năm nay được đánh giá có sự đầu tư chu đáo, kỹ lưỡng; kỹ năng sử dụng phương pháp tốt, khai thác và sử dụng phương tiện dạy học một cách linh hoạt, hiệu quả và sáng tạo; xử lý tốt các tình huống sư phạm, thực hiện tốt các ý đồ sư phạm được thể hiện trong trình tự giáo án, làm chủ được tiết dạy của mình.  Một số bài giảng cuốn hút được sinh viên bởi có sự đầu tư từ các thiết bị tự làm sinh động, trực quan, kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin gây hứng thú cho học sinh...

 Ngày 15-7, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ bế mạc Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Tiền Giang lần thứ IX, năm 2023. Sau 6 ngày thi, Ban Tổ chức đã trao 59 giải cá nhân (gồm 5 giải Nhất, 9 giải Nhì và 14 giải Ba, 31 giải Khuyến khích) và 7 giải tập thể (gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 4 giải Khuyến khích) cho các nhà giáo và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh những ưu điểm, hội giảng năm nay cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Mặc dù hồ sơ bài giảng đã được chuẩn bị rất công phu, song vẫn còn không ít bài giảng còn thiếu một vài nội dung theo quy định của Ban Tổ chức, chưa chính xác về phiếu đánh giá người học.

Giáo án vẫn còn thiếu chính xác về mặt nội dung khi thiết kế hoạt động dạy học, đặc biệt là vấn đề phân bố về thời gian. Một vài bài giảng chưa đầu tư công phu, nội dung còn đơn giản, chưa tương xứng với trình độ đào tạo của bài giảng…

Cô Nguyễn Thị Thùy Linh, giảng viên Khoa cơ bản - Trường Cao đẳng Tiền Giang là 1 trong 5 thí sinh đoạt giải Nhất tại hội giảng năm nay, chia sẻ, đăng ký tham gia hội giảng ngoài mục đích để thử thách bản thân, còn muốn truyền cảm hứng và kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh.

Qua tham gia hội giảng, cá nhân cũng như các đồng nghiệp đã cập nhật thêm nhiều kinh nghiệm mới về phương pháp giảng dạy. Cũng theo cô Linh, kinh nghiệm quý báu mà cô đúc kết được là giáo viên không nên đưa bài giảng đi theo lối mòn cũ, gây nhàm chán, mà phải biết cách sáng tạo trong từng giờ dạy để học sinh có thể chủ động tiếp thu bài một cách nhanh hơn.

Theo thầy Nguyễn Quang Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang, để chuẩn bị cho hội giảng cấp tỉnh, trước đó nhà trường đã lần lượt tổ chức thi giảng cấp khoa rồi cấp trường. Hội giảng là nơi để các nhà giáo đang giảng dạy nhiều ngành nghề đào tạo, nhiều loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tụ hội, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau và tiếp thu thêm những kinh nghiệm, kiến thức mới từ những ý kiến đóng góp của Ban Giám khảo. Đặc biệt, qua hội giảng, nhiều giáo viên có dịp tự đánh giá lại năng lực và nhìn nhận những thiếu sót, nhất là kỹ năng sư phạm, để tiếp tục rèn luyện, khắc phục, nâng chất lượng giảng dạy.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lý Văn Cẩm đánh giá cao những nỗ lực của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, sự phối hợp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc chuẩn bị, tổ chức hội giảng. Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có biện pháp đổi mới chất lượng giảng dạy, các trường cần duy trì thường xuyên tổ chức hội giảng, tăng cường học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ mới.

Thông qua hội giảng lần này cho thấy, chất lượng đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển rõ nét, đây được xem là tín hiệu vui cho những bước cố gắng nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp. Một điều có thể nói rằng, giáo viên dạy nghề của tỉnh nhà đã có trình độ tay nghề ngày càng cao, ứng dụng linh hoạt công nghệ thông tin trong việc giảng dạy, sử dụng thành thạo và phối hợp nhịp nhàng nhiều phương pháp giảng dạy cũng như trang thiết bị giảng dạy.

V. PHƯƠNG - Q. ANH

.
.
.