Thứ Hai, 20/11/2023, 14:01 (GMT+7)
.

Điều kỳ diệu mang tên cô hiệu trưởng: "Cô đã cho con tôi một cuộc đời mới"

“Gia đình chúng tôi vô cùng cảm động và biết ơn cô B. Tôi đã sinh ra con nhưng chính cô mới là người cho con một cuộc đời bình thường như các bạn”, phụ huynh của một trẻ mắc chứng tự kỷ nói về nữ hiệu trưởng.

LỜI TÒA SOẠN

Tháng 11, tháng khiến trái tim của mỗi chúng ta khẽ rộn ràng khi nghĩ về mái trường cũ, về người thầy xưa. Ở dưới mái trường đó, có những câu chuyện vui cũng không ít câu chuyện khiến ta ngậm ngùi khi nhớ về. Chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả tuyến bài Trái tim người thầy - nơi chia sẻ những câu chuyện nhỏ, bình dị nhưng chứa đầy tính nhân văn, tình người của những năm tháng học trò. Hy vọng mỗi câu chuyện nhỏ là một mảnh ghép tạo nên trái tim, tri ân những người đã dành cả cuộc đời mình để gắn bó với nghiệp "phấn trắng, bảng đen".

Điều kỳ diệu mang tên cô hiệu trưởng

Chị Nguyễn Diệu H. (39 tuổi, TP Hà Tĩnh) chia sẻ, khoảnh khắc con trai 10 tuổi chạy đến ôm, cất tiếng gọi "Mẹ!" sau giờ tan học khiến chị vỡ òa hạnh phúc.

Đối với nhiều người đó là điều bình thường nhưng với gia đình chị H. đó là một điều kỳ diệu. Tuyệt vời hơn với gia đình là con trai chị nay hoạt bát trong giao tiếp, bộc lộ nhiều cung bậc cảm xúc và biết đề ra những kế hoạch, dự định cho tương lai.

Từ bé, con trai chị H. có nhiều dấu hiệu của trẻ tự kỷ. Gia đình đưa em đến các cơ sở y tế để can thiệp nhưng biểu hiện của con không mấy khả quan. 10 tuổi, con chị H. vẫn ở lại học lớp 3.

Năm học 2016-2017, gia đình nhận thấy con đi học về ánh mắt linh hoạt hơn, không còn từ chối đến trường và trong cặp sách con luôn có một thỏi chocolate. Qua giáo viên chủ nhiệm, cô B. hiệu trưởng trường, biết em không giao tiếp, hợp tác và gây nhiều khó khăn cho giáo viên khi truyền thụ kiến thức. Cô hiệu trưởng thường xuyên đến lớp ngồi cạnh, quan sát trò chuyện và biết em thích chocolate. Vì vậy cô đã áp dụng một “tuyệt chiêu”.

Mỗi ngày, cô B. đều có lý do để thưởng chocolate cho em và ra các điều kiện để được cô thưởng kẹo. Em bắt đầu giao tiếp với cô B. dù không nhiều. Em cũng đã biết nhìn trên bảng, chăm chú nghe cho cô giáo giảng bài.

Nhờ sự quan tâm đặc biệt của hiệu trưởng, em dần tương tác nhiều hơn, nghe theo lời cô. Tất cả bài kiểm tra, bài thi, em đều lên phòng hiệu trưởng mới chịu làm bài.

“Qua nhiều bài test của của cô, trí não cháu phát triển bình thường, chỉ có điều trước đây cháu không chịu giao tiếp, hợp tác. Cháu đã cố gắng và tiến bộ rất nhiều, đủ điều kiện để lên lớp 4”, lời nói của cô B. khiến mẹ của em rưng rưng hạnh phúc.

Chị H. kể thêm, sau khi con trai lên lớp 4, lớp 5 cô B. vẫn quan tâm, thường xuyên thưởng kẹo cho em. Khi con chị gặp khó khăn trong học tập, đều tìm đến cô như một vị "quân sư".

“Gia đình chúng tôi vô cùng cảm động và biết ơn cô B. Tôi đã sinh ra con nhưng chính cô mới là người cho con một cuộc đời bình thường như các bạn”, chị H. bày tỏ.

Bữa sáng 0 đồng của thầy chủ nhiệm

Nhắc về thầy giáo Nguyễn Kim Cát, giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), nhiều phụ huynh không khỏi nể phục một nhà giáo tận tâm với nghề, cưu mang nhiều học sinh khó khăn.

Nhiều năm làm nghề dạy học, chứng kiến không ít học sinh tiểu học do hoàn cảnh gia đình éo le phải nghỉ học, thầy không khỏi xót xa và trăn trở. “Sức có hạn nên tôi chỉ giúp đỡ các em bằng những việc làm, hành động nhỏ”, thầy Cát nói.

b

Thầy Nguyễn Kim Cát được nhiều học trò, phụ huynh biết đến là người thầy giáo tâm huyết với nghề, cưu mang nhiều học trò nghèo.

Năm học 2016-2017, thầy nhận chủ nhiệm lớp 2, trong danh sách có tên em Đức nhưng em này không đến lớp. Hoàn cảnh của Đức rất đáng thương khi bố mẹ ly hôn, em sống cùng với ông bà nội già yếu.

‘’Lý do Đức không đi học là do nhà ông bà ở gần núi, xa điểm trường nên không ai đón đưa em tới trường. Ông bà quyết định cho em nghỉ học”, thầy Cát kể.

Biết được lý do, thầy đến tận nhà động viên ông bà cho Đức được đến trường. Nhiệm vụ đưa đón sẽ do thầy Cát đảm nhiệm. Biết trò buổi sáng thường nhịn đói tới trường, hàng ngày chở em đi học, thầy mua đồ ăn sáng cho em.

Việc thầy đưa đón, nhường đồ ăn sáng cho trò diễn ra đều đặn trong suốt 4 năm. Khi Đức chuẩn bị lên lớp 6, thầy kết nối với nhà hảo tâm xin một chiếc xe đạp để em có phương tiện tới trường.

Năm học này, thầy Cát nhận chủ nhiệm lớp 5, trong đó, có em Trâm hoàn cảnh cũng rất đặc biệt khi mẹ bỏ đi biệt xứ, bố bệnh tật. Trước thềm khai giảng, bố của Trâm gặp thầy xin cho con nghỉ học.

b

Những lá thư cũ của học trò dành cho thầy Nguyễn Kim Cát.

Biết hoàn cảnh của em, thầy mua sách vở, đồng phục mới tới tận nhà, xin bố Trâm cho em được đi học. Thầy động viên em Trâm tới trường, còn tất cả học phí, thầy sẽ lo cho em. Biết học trò chưa từng biết đến bữa ăn sáng, thầy Cát đã đóng tiền ăn sáng cho Trâm cả năm học.

Thầy Cát nói: “Hiện nay, bố Trâm đã mất. Em trở thành đứa trẻ mồ côi. Con đường đến trường của em nhiều gian nan. Tôi cùng công đoàn nhà trường đã đứng ra kêu gọi, hỗ trợ thêm cho em trang trải các chi phí cuộc sống".

b

Thầy Cát và các học trò

Thầy Cát nói thêm, với học trò của mình, thầy tâm niệm bằng giá nào cũng không để cho trò nghèo bỏ học. Nếu mình không giúp được thì nhờ nhà trường, xã hội giúp các em đến trường để thực hiện những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ.

Bước ngoặt thay đổi cuộc đời cô học trò nghèo dệt chiếu cói

Với chị Nguyễn Thị Duân (SN 1985, làm việc ở một tập đoàn nước ngoài), cô Hồ Thị Loan (giáo viên Trường Tiểu học Thạch Hà, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) là người thay đổi cuộc đời chị.

“Nhờ cô giáo, tôi không còn là cô bé đen nhẻm, nghèo đói, tự ti mà giờ đây trở thành người tự tin, tự chủ cuộc sống. Quan trọng hơn, tôi đã học được từ cô sự khoan dung và tình yêu cuộc sống”, chị Duân cho hay.

b

Cô Loan và các học trò cũ

Chị Duân kể, năm 1997, vì hoàn cảnh gia đình chị quá nghèo đói, lại đông anh em thay vì vào học lớp 5 như các bạn, chị bỏ học để ở nhà kiếm tiền từ việc làm dệt chiếu cói, nhường cơ hội cho các em được tới trường.

Khi biết học trò bỏ học, cô Loan đã đến tận nhà nhiều lần, động viên, khuyên bảo cha mẹ và em đến trường học.

“Duân là học trò thông minh đừng vì hoàn cảnh mà buộc cháu phải nghỉ học. Cháu nghỉ học chỉ giải quyết  được vấn đề tạm thời, còn cuộc đời của cháu về sau như thế nào, khi thất học? Bằng mọi giá hãy để Duân được đi học”, lời nói cô Loan in sâu vào tâm trí chị.

Những ngày đến nhà cô, được cô nấu cơm cho ăn, được cô kèm học, dạy về những điều hay lẽ phải đã trở thành một phần hồi ức khó quên với chị Duân.

b

Cô Loan bên chị Duân ngày quay trở lại mái trường xưa

Chị nói thêm, ngày đó vì nhà nghèo nguồn điện thắp sáng của gia đình chị dùng hạn chế, buổi tối chị không dám thắp điện học bài. Biết được tâm tư của trò, cô Loan đã xin lãnh đạo trường cho chị được ở lại lớp muộn hoặc đến trường sớm để tận dụng điện thắp sáng ở trường để ôn bài, bồi đắp kiến thức. “Việc làm bình dị lúc đó cô dành cho tôi, đủ biết cô quan tâm, thương trò biết nhường nào”.

Sự quan tâm, yêu thương của cô Loan trở thành động lực cho cô học trò nghèo vượt khó học giỏi. Từ cô học trò nghèo có ý từ bỏ việc học để ở nhà làm nghề dệt chiếu cói năm nào, nay đã trở thành người có học vấn cao, có vị thế xã hội, luôn cầu tiến trong mọi việc.

Theo VietNamNet 

.
.
.