Môn Ngoại ngữ sẽ được lồng ghép vào tất cả các chuẩn đầu ra của học sinh, sinh viên
Như tin đã đưa, chiều 29-11, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 sẽ tốt nghiệp THPT.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 |
Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Nội dung thi bám sát nội dung của Chương trình GDPT 2018.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thi trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD-ĐT. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp là kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.
Họp báo công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 |
Về lộ trình triển khai thực hiện, Bộ GD-ĐT nêu rõ phương án thi được thực hiện từ năm 2025. Giai đoạn 2025-2030, giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau 2030, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Tại họp báo ngày 29-11, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp THPT thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay.
Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế có thể điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước. Sau khi công bố phương án thi, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành kế hoạch chi tiết để triển khai phương án này đảm bảo yêu cầu và tiến độ đề ra.
Tại họp báo, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, học theo chương trình nào thì thi theo chương trình đó, nhưng những em thi trượt năm 2024 cũng không nên quá lo lắng nếu thi lại từ sau năm 2025, vì cấu trúc, định dạng đề thi có tính kế thừa.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT |
Nói thêm về quyền lợi với các thí sinh trượt tốt nghiệp THPT năm 2024 và dự thi tốt nghiệp vào năm 2025, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, (Bộ GD-ĐT) cũng cho biết, thí sinh thi lại năm sau vẫn có nhiều cơ hội, ngoài thi tốt nghiệp các em còn tham gia các kỳ thi đánh giá tư duy, năng lực do các trường tổ chức; tham gia xét tuyển bằng học bạ.
Quy chế tuyển sinh đại học đã được giữ ổn định trong 2 năm qua. Dù thi như thế nào các trường vẫn phải đảm bảo nguyên tắc xét tuyển công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Như vậy, các em dù thi kỳ thi như thế nào vẫn được xét tuyển một cách công bằng.
Về đề thi minh họa từ sau năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, cấu trúc, định dạng đề thi đã được nghiên cứu kỹ, bảo đảm phù hợp với chương trình và có tính kế thừa. Ngân hàng đề thi sẽ được chú trọng nghiên cứu. Ngay trong tháng 11, Bộ GD-ĐT tổ chức tập huấn cho đội ngũ sẽ tham gia làm ngân hàng đề thi, do Viện Khảo khí Hoa Kỳ hướng dẫn.
Trả lời câu hỏi thí sinh có được thi nhiều hơn 4 môn để tăng thêm cơ hội xét tuyển đại học hay không, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết nguyên tắc tổ chức thi hiện nay chưa cho phép thí sinh thi nhiều môn hơn, vì có tới 36 tổ hợp khác nhau được xây dựng trên số 4 môn thi, thí sinh có thể lựa chọn những tổ hợp các em thực sự có thế mạnh. Về mặt nguyên tắc, thí sinh cũng không nên học, lựa chọn quá nhiều, sẽ lãng phí, không hiệu quả.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT |
Về câu hỏi, thí sinh học THPT vẫn có sự thay đổi môn học tự chọn, vậy các em có được lựa chọn môn thi trong số các môn các em không học, ông Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh:, thí sinh chọn 2 môn tự chọn trong số các môn được học ở lớp 12. Thực tế, hiện nay thí sinh cũng chỉ được thay đổi môn học tự chọn ở lớp 10, 11.
Về việc Ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc thì có làm giảm chất lượng môn học này, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định, môn Ngoại ngữ trong Chương trình GDPT 2018 được chú trọng, cụ thể, ngay từ lớp 3 đã được học, đến bậc THCS và THPT đều là môn học bắt buộc và được kiểm tra, đánh giá.
Trong quá trình từ năm lớp 3 đến lớp 12, các em đều được học, lựa chọn môn Ngoại ngữ mà mình thích và định hướng. Đó chính là nền tảng quan trọng nhất cho các em bổ sung, nâng cao năng lực, phẩm chất về Ngoại ngữ. Môn Ngoại ngữ được Bộ GD-ĐT rất quan tâm và lồng ghép vào tất cả các chuẩn đầu ra của học sinh và sinh viên. Do vậy, không thể nói chỉ vì một kỳ thi này mà làm ảnh hưởng đến quá trình dạy và học.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, kỳ thi hướng tới thực học, thực thi, vì học sinh, không phải là sự may rủi trong thi cử. Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến rất đa chiều để “chốt” phương án thi từ năm 2025, bảo đảm tính đồng thuận cao. |
Theo sggp.org.vn