Thay đổi phương pháp dạy và học để thích ứng
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, thí sinh sẽ chỉ còn thi 4 môn với 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn, thay vì thi 6 môn như trước đây. Với nhiều đổi mới trong phương án thi đã làm các trường phải thay đổi phương pháp dạy và học, đáp ứng đúng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 đề ra.
Bộ GD-ĐT vừa công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ còn thi 4 môn với 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn (trong ảnh thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Trường THPT Chuyên Tiền Giang). |
Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình GDPT năm 2018 chỉ còn 4 môn. Trong đó, 2 môn Toán và Ngữ văn bắt buộc và 2 môn lựa chọn trong các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Nội dung thi bám sát Chương trình GDPT năm 2018. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Về hình thức, kỳ thi sẽ tổ chức trên toàn quốc theo hình thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD-ĐT. Mục đích của kỳ thi được xác định để đánh giá kết quả học tập của học sinh theo chuẩn cần đạt của Chương trình GDPT năm 2018, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, kết quả thi cũng là một cơ sở để đánh giá chất lượng dạy và học, cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Bên cạnh đó, một thay đổi lớn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới là để phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của thí sinh chứ không chỉ là đánh giá kiến thức, kỹ năng như trước đây. Một điểm chú ý trong phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là môn ngoại ngữ không phải là môn bắt buộc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Tiền Giang. |
Theo phân tích của Hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình GDPT năm 2018 là phát triển học sinh theo phẩm chất và năng lực. Ở giai đoạn GDPT chia làm 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và THCS) và định hướng nghề nghiệp (cấp THPT).
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn, với phương án thi tốt nghiệp THPT mới từ năm 2025, Sở GD-ĐT sẽ triển khai đến các trường THPT. Các trường THPT cần nỗ lực, thực hiện tốt Chương trình GDPT năm 2018 với khối lớp 10 và 11. Riêng khối lớp 12 cần thực hiện đúng phân phối chương trình đề ra, đổi mới phương pháp đánh giá học sinh, chú trọng quan tâm bồi dưỡng học sinh có học lực yếu, kém. |
Ở cấp THPT, học sinh sẽ được phân hóa rõ rệt trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp bằng cách lựa chọn tổ hợp môn. Thay vì học nhiều môn như trước đây thì hiện tại ngoài 8 môn/hoạt động giáo dục bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp), học sinh được chọn thêm 4 môn trong số các môn (Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Mỹ thuật, Âm nhạc).
Như vậy, chính quá trình phân hóa này, đặc biệt là trước khi bước vào bậc THPT, đòi hỏi học sinh phải biết rõ sở trường, năng lực bản thân, sở thích nghề nghiệp để có thể chọn các môn học cũng như các môn thi tốt nghiệp một cách phù hợp nhất. Điều này hoàn toàn phù hợp với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD-ĐT đưa ra.
Tại các trường THPT, học sinh khối 11, lứa đầu tiên học theo Chương trình GDPT năm 2018 đều rất nhất trí với phương án thi mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra. Tuy nhiên với phương án này, đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn trong thời gian tới sẽ có nhiều hệ lụy, trong đó tình trạng quá chú trọng môn này mà xem nhẹ môn khác là khó tránh khỏi, đòi hỏi các nhà trường phải có giải pháp tổng thể trong cách giáo dục, định hướng cho học sinh.
Theo phân tích của thầy Võ Hoài Nhân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), trong Chương trình GDPT năm 2018, cần phải thấy rằng, vai trò của các môn học là ngang nhau. Phương án thi tốt nghiệp THPT mới đưa ra đòi hỏi các nhà trường phải dạy và học đều ở các môn học, tránh trường hợp coi trọng môn này, nhẹ môn kia.
Đặc biệt là trong công tác giáo dục cần xem trọng công tác phát triển kỹ năng, năng khiếu cho học sinh. Từ thực tế cũng đã chứng minh, nhiều học sinh khi đi học các em không giỏi các môn tự nhiên hay xã hội, thế nhưng sau này khi ra xã hội các em thành công trong cuộc sống ở một số lĩnh vực khác.
Như vậy, với phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn từ năm 2025 mà Bộ GD-ĐT vừa chốt đã được dư luận hoan nghênh về cách đổi mới, giảm nhẹ áp lực trong thi cử. Tuy nhiên vẫn còn những băn khoăn trong thời gian tới và vấn đề đặt ra trong quyền hạn của mình, các trường THPT cần đổi mới hơn nữa phương pháp giáo dục trong Chương trình GDPT năm 2018 để có thể đáp ứng phù hợp yêu cầu mới mà thi cử đề ra.
Đ.PHI