Sẵn sàng đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ tết
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài, khi trở lại trường, học sinh dễ bị sức ì tâm lý, đây là điều không thể tránh khỏi. Bắt nhịp lại “guồng máy” học tập sau tết sao cho thật hiệu quả, tránh gây áp lực tâm lý là một trong những công việc quan trọng được nhiều thầy cô, học sinh và phụ huynh quan tâm.
TRÁNH GÂY ÁP LỰC
Là người có nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng Trang, Phó Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học - Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang cho rằng, trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cảm xúc đối với việc học của học sinh hoàn toàn đối lập. Nếu như người lớn có thể chủ động trở lại công việc bình thường thì với học sinh việc khởi động lại “guồng máy” học tập có phần chậm hơn do ý thức, tuổi tác và kinh nghiệm sống. Đây là hiện tượng hết sức bình thường, do đó giáo viên hãy thật sự nhẹ nhàng “xốc” lại tinh thần học tập cho học sinh.
Đoàn công tác Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang kiểm tra công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường sau tết của Trường Mầm non Sao Sáng, TP. Mỹ Tho. |
Bấy lâu nay, tại các trường học, một trong những giải pháp được giáo viên thực hiện để lấy lại đà học tập cho học sinh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là tăng cường các bài kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút cho học sinh. Với phương pháp này, giáo viên vô tình “đóng khung” lớp học, tạo áp lực, căng thẳng không đáng có cho học sinh.
Thầy Nguyễn Phúc Viễn, Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho biết, nhiều năm nay cứ sau mỗi kỳ nghỉ tết, giáo viên đã có những cách làm mới, kích thích tinh thần học tập của học sinh đầu năm mới hơn là gây áp lực. Chẳng hạn như một số thầy cô giáo trong tiết học đầu năm đã tổ chức lì xì may mắn cho học sinh hay tặng các món quà lưu niệm như viết, móc khóa…
Ngày 16-2 (nhằm mùng 7 tết), Đoàn công tác do Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ tết tại các trường: Mầm non Sao Sáng, THCS Phú Thạnh (TP. Mỹ Tho); Tiểu học Vĩnh Kim và THPT Vĩnh Kim (huyện Châu Thành). Qua buổi kiểm tra, Tiến sĩ Lê Quang Trí đánh giá cao công tác chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại sau tết; đồng thời, lưu ý các trường tiếp tục rà soát, chỉnh trang cơ sở vật chất, đặc biệt là về điện, nước, an toàn phòng học. Riêng với bậc học mầm non, các trường cần có biện pháp vệ sinh sạch sẽ đồ dùng, đồ chơi, vật dụng cho trẻ thật sạch sẽ, đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ mầm non. Ngay sau khi đón học sinh quay lại trường, các trường cần có giải pháp ổn định nền nếp, “xốc” lại tinh thần học tập để tiếp tục chương trình học kỳ II, năm học 2023 - 2024. |
“Sau những màn khởi động, các lớp bắt đầu vào những tiết học của từng bộ môn. Ở từng môn cụ thể, giáo viên đã linh hoạt lì xì điểm cộng cho học sinh qua câu hỏi ôn tập, câu hỏi trong bài mới, và tạo điều kiện để học trò nào cũng được lì xì vài điểm cho bài kiểm tra sắp tới, tạo không khí học tập đầu năm mới vui vẻ, hào hứng”, thầy Viễn cho biết thêm.
Còn thầy Lê Mạnh Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Ngọc Hân (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho rằng, xây dựng trường học hạnh phúc không đâu xa mà bắt đầu từ những việc nhỏ nhất là quan tâm, yêu thương học trò. Những ngày đầu năm, khi trở lại trường, học sinh cần chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế một cách tốt nhất, trong đó chú ý giữ gìn sức khỏe, ngủ đủ giấc, ăn uống hợp lý… Chương trình học đã bước sang học kỳ II rất quan trọng, chính vì vậy, học sinh hãy thiết lập lịch trình thời gian biểu hợp lý cho việc học cũng như tham gia các hoạt động sinh hoạt ở trường. Đặc biệt là tạo không gian học tập cởi mở trong những ngày đầu năm mới với việc tạo điều kiện để học sinh kể cho nhau nghe những kỷ niệm đẹp mà các em đã trải nghiệm vào những ngày tết.
KHỞI ĐỘNG LẠI “GUỒNG MÁY” HỌC TẬP
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trên 330 ngàn học sinh ở 510 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT của tỉnh sẽ chính thức quay lại trường học tiếp tục chương trình học kỳ II, năm học 2023 - 2024. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà toàn ngành Giáo dục tỉnh đặt ra là đổi mới căn bản, toàn diện chất lượng giáo dục ở các bậc học, mục tiêu quan trọng là hoàn thành nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đề ra. Trong đó, học sinh mầm non, tiểu học tiếp tục thực hiện các phần còn lại của chương trình đề ra, chú trọng phát triển các kiến thức, kỹ năng, hình thành nhân cách sống, giáo dục tinh thần yêu nước cho học sinh.
Đoàn công tác Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang kiểm tra tại Trường THPT Vĩnh Kim, huyện Châu Thành. |
Đối với học sinh bậc THCS và THPT được xem là những bậc học mang tính chất nền tảng, quan trọng, liên quan đến chất lượng học tập nên đã đề ra những chiến lược trong dạy và học, trong đó chú trọng phát triển các kiến thức nền tảng, nâng cao kiến thức chuyên sâu. Riêng với lớp 9 và 12, bên cạnh những giờ học chính khóa trên lớp, các trường sẽ lên kế hoạch ôn tập để có thể thực hiện tốt 2 kỳ thi là tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT năm 2024.
Bên cạnh nâng cao chất lượng các bậc học, toàn ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục tập trung thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở 3 khối lớp cuối cùng là khối lớp 5, 9 và 12 theo lộ trình của Bộ GD-ĐT; trong đó, công việc trọng tâm quan trọng sau tết là nghiên cứu, đánh giá và chọn lựa sách giáo khoa.
Đoàn công tác Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang trao đổi với lãnh đạo Phòng GD- ĐT TP. Mỹ Tho và Trường THCS Phú Thạnh về công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường sau tết. |
Theo cô Nguyễn Phúc Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Kim (huyện Châu Thành), nhà trường sẽ đề ra các giải pháp giáo dục để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra trong năm học 2023 - 2024. Bên cạnh nỗ lực thực hiện chương trình ở các bậc học, nhà trường chú trọng quan tâm, bồi dưỡng cho học sinh khối lớp 12 có đủ kiến thức, kỹ năng tham gia tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đề nghị các trường cần nhanh chóng đi vào “guồng máy” hoạt động, giảng dạy, ổn định công việc sau tết. Năm 2024, nhiệm vụ của ngành Giáo dục rất quan trọng, trong đó đổi mới chương trình giáo dục mầm non, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất trường học, giáo dục kỹ năng, lối sống cho học sinh... là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Để thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra rất cần tinh thần cộng đồng trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo trong toàn ngành Giáo dục tỉnh nhà.
ĐỖ PHI