Chuẩn cơ sở giáo dục đại học mới: Tối thiểu phải có 70% người học hài lòng
Theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các cơ sở phải đáp ứng 6 tiêu chuẩn với 20 tiêu chí, trong đó phải có 70% người học hài lòng.
Sinh viên Trường Đại học FPT. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học với 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí. Các tiêu chuẩn, tiêu chí là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện đảm bảo chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.
Tiêu chuẩn 1 về tổ chức và quản trị quy định cơ sở giáo dục đại học có tổ chức bộ máy ổn định, hệ thống quản trị hiệu quả, minh bạch. Tiêu chuẩn này gồm 4 tiêu chí, trong đó đáng chú ý như thời gian khuyết đồng thời các vị trí chủ chốt không quá 6 tháng; chiến lược, kế hoạch phát triển của cơ sở giáo dục đại học được ban hành, triển khai và giám sát hiệu quả qua bộ chỉ số hoạt động chính, bảo đảm hằng năm có ít nhất 50% các chỉ số hoạt động chính được cải thiện…
Tiêu chuẩn 2 quy định về vấn đề giảng viên, yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ và quỹ thời gian để bảo đảm chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.
Tiêu chuẩn này gồm 3 tiêu chí: tỷ lệ người học quy đổi theo trình độ, lĩnh vực và hình thức đào tạo trên giảng viên toàn thời gian không lớn hơn 40; tỷ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động trên giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 70%.
Tiêu chí về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sỹ với các chỉ số theo từng giai đoạn và từng loại hình trường. Cụ thể, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sỹ không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sỹ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sỹ. Tỷ lệ này không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sỹ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sỹ.
Giờ học của giảng viên, sinh viên Trường Đại học Việt Pháp. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Tiêu chuẩn 3 quy định về cơ sở vật chất, đảm bảo các cơ sở giáo dục đại học có khuôn viên, cơ sở vật chất, hệ thống thông tin và học liệu đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu.
Tiêu chuẩn này gồm 3 tiêu chí với các yêu cầu như từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m²; diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 2,8 m²; ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt.
Thư viện, trung tâm học liệu phải có đủ giáo trình, sách chuyên khảo và học liệu khác theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Số học phần sẵn sàng giảng dạy trực tuyến chiếm ít nhất 10% tổng số học phần giảng dạy trong năm; dung lượng đường truyền Internet trên một nghìn người học không thấp hơn trung bình tốc độ mạng băng rộng cố định của Việt Nam.
Tiêu chuẩn 4 quy định về tài chính với hai tiêu chí, yêu cầu cơ sở giáo dục đại học duy trì được cân đối tài chính, hiệu quả hoạt động và khả năng phát triển bền vững.
Trong đó, biên độ hoạt động, được xác định bằng chênh lệch thu chi trên tổng thu, tính trung bình 3 năm gần nhất nằm trong phạm vi từ 0% đến 30%. Chỉ số tăng trưởng bền vững, được xác định bằng trung bình cộng tốc độ tăng tổng thu và tốc độ tăng phần thu ngoài học phí, ngoài ngân sách Nhà nước/nhà đầu tư hỗ trợ chi thường xuyên trong 3 năm gần nhất, không âm.
Tiêu chuẩn 5 về tuyển sinh và đào tạo, quy định cơ sở giáo dục đại học duy trì được chất lượng và hiệu quả về tuyển sinh, đào tạo và hỗ trợ người học.
Tiêu chuẩn này gồm 5 tiêu chí, trong đó quy định tỷ lệ nhập học trên số chỉ tiêu công bố trong kế hoạch tuyển sinh hằng năm, tính trung bình 3 năm gần nhất không thấp hơn 50%; quy mô đào tạo không sụt giảm quá 30% so với 3 năm trước, trừ trường hợp việc giảm quy mô nằm trong định hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học.
Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, kết quả thi được sử dụng để xét tuyển vào nhiều trường đại học. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Tỷ lệ thôi học, được xác định bằng tỷ lệ người học chưa tốt nghiệp mà không tiếp tục theo học hằng năm, không cao hơn 10% và riêng đối với người học năm đầu không cao hơn 15%.
Tỷ lệ tốt nghiệp, được xác định bằng tỷ lệ người học tốt nghiệp trong thời gian không chậm quá 2 năm so với kế hoạch học tập chuẩn, không thấp hơn 60%; tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn không thấp hơn 40%.
Tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%; tỷ lệ người tốt nghiệp hài lòng tổng thể về quá trình học tập và trải nghiệm không thấp hơn 70%.
Tỷ lệ người tốt nghiệp đại học có việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo, tự tạo việc làm hoặc học tiếp trình độ cao hơn trong thời gian 12 tháng sau khi tốt nghiệp, không thấp hơn 70%.
Tiêu chuẩn 6 quy định về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, thể hiện qua nguồn thu từ các hoạt động này và kết quả công bố khoa học.
Tiêu chuẩn này gồm hai tiêu chí, quy định tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sỹ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%.
Số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm. Riêng đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sỹ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học cung cấp, cập nhật dữ liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học. Bộ sẽ công bố kết quả trước ngày 30/6 hằng năm, bắt đầu từ năm 2025 cho năm báo cáo trước liền kề.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22-3-2024 và bãi bỏ Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT ngày 23-9-2015 về quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học./.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/chuan-co-so-giao-duc-dai-hoc-moi-toi-thieu-phai-co-70-nguoi-hoc-hai-long-post927656.vnp)