Tránh 'trượt oan' khi trúng tuyển sớm
Hiện, một số trường đại học thông báo điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ THPT.
Thí sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024 tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TG |
Các chuyên gia lưu ý, kết quả này chưa bảo đảm điều kiện và đủ để thí sinh trở thành sinh viên đại học, vì đây mới là trúng tuyển có điều kiện. Do đó, thí sinh cẩn trọng để tránh bị “trượt oan”.
Trúng tuyển có điều kiện
Theo ghi nhận, hiện có khoảng 10 cơ sở giáo dục đại học thông báo điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ THPT. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh) thông báo điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ THPT đợt 1, năm 2024 dành cho 41 chương trình đào tạo đại học hệ chính quy. Mức điểm chuẩn trúng tuyển dao động từ 18 - 24 điểm. Trong đó, các ngành khối sức khỏe có điểm trúng tuyển cao nhất là 24 điểm. Nhà trường tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 2 đến hết ngày 2-5.
Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) công bố điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm hệ đại học chính quy năm 2024 đối với phương thức xét học bạ THPT. Theo đó, điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm cho 49 ngành/chuyên ngành là 16,5 điểm.
21- 23 điểm là điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT và chứng chỉ quốc tế năm 2024 của Trường ĐH CMC (Hà Nội). Đây là mức điểm của đợt 1 (từ 1-1 đến 29-2) và đợt 2 (từ 1-3 đến 31-3) hệ đại học chính quy năm 2024.
Để được công nhận trúng tuyển chính thức vào Trường ĐH CMC, thí sinh cần đăng ký và ưu tiên vị trí nguyện vọng 1 trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống). Nếu thí sinh không đăng ký nguyện vọng đã được xét đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) trên Hệ thống, đồng nghĩa việc thí sinh từ bỏ quyền trúng tuyển này.
Lưu ý trên cũng là khuyến nghị của TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Truyền thông (Trường ĐH Gia Định). Theo quy định, tất cả thí sinh đã đăng ký xét tuyển sớm và đủ điều kiện trúng tuyển đợt 1 tại trường cần tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống. Đồng thời, thí sinh cần đảm bảo điều kiện tốt nghiệp THPT và bổ sung hồ sơ cần thiết để được công nhận trúng tuyển chính thức theo quy định. Khi đó, các trường mới có cơ sở dữ liệu để xét tuyển.
Sinh viên Trường ĐH CMC. Ảnh: NTCC |
Phải đăng ký trên Hệ thống
Viện dẫn một số sai sót của thí sinh ở mùa tuyển sinh trước, TS Mai Đức Toàn cho hay, nhiều em đăng ký xét tuyển sớm và đủ điều kiện trúng tuyển nhưng không đăng ký Hệ thống dẫn đến mất cơ hội trúng tuyển đợt 1 và phải xét tuyển bổ sung vào đợt sau. Ngoài ra, sau khi trúng tuyển đợt 1, thí sinh lưu ý cần phải làm thêm thủ tục xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Nếu không thực hiện bước này xem như từ chối trúng tuyển.
Theo TS Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), việc các trường đại học công bố điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm (trong đó có phương thức xét học bạ THPT) không có gì bất thường nếu cơ sở đào tạo có đề án tuyển sinh riêng. “Tuy nhiên, đây chỉ là trúng tuyển có điều kiện”, TS Nguyễn Thanh Hiền lưu ý và nhấn mạnh: Điều kiện quan trọng nhất là thí sinh phải tốt nghiệp THPT.
Ngoài việc bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng trúng tuyển sớm trên Hệ thống, TS Nguyễn Thanh Hiền khuyến cáo, thí sinh cần lưu tâm đến các tiêu chí phụ (nếu có). Ở mùa tuyển sinh trước, nhiều em chủ quan khi biết mình trúng tuyển sớm. Đây là sai lầm cần tránh vì nếu lơ là trong học tập có thể kết quả thi tốt nghiệp THPT không cao, thậm chí trượt tốt nghiệp; trong khi một trong những điều kiện tiên quyết để chính thức trúng tuyển đại học là phải tốt nghiệp THPT.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh phải đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên Hệ thống và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số nguyện vọng đã đăng ký mới hợp lệ. Hệ thống này chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) lưu ý, thí sinh cần cập nhật lên Hệ thống tất cả dữ liệu có thể để phục vụ cho việc xét tuyển như: Điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực, các chứng nhận để cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy chế Bộ GD&ĐT ban hành.
Bộ GD&ĐT lưu ý, các cơ sở đào tạo phải xây dựng kế hoạch tuyển sinh, trong đó đảm bảo thống nhất với kế hoạch của Bộ. Các thông tin phải được công khai, minh bạch, để xã hội, cơ quan quản lý giám sát; đảm bảo công bằng đối với tất cả thí sinh tham gia dự tuyển.
Ngoài ra, thí sinh phải được cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, nhất quán, đúng thời gian để có quyết định lựa chọn theo nhu cầu. Các thông tin phải chuẩn xác, hạn chế trường hợp mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, cần ban hành quy chế tuyển sinh để cụ thể hóa những quy định của quy chế tuyển sinh cho các hình thức đào tạo, công khai trên trang thông tin điện tử. Mặt khác, xây dựng kế hoạch tuyển sinh theo đề án đã công bố, tuân thủ các quy định của Quy chế tuyển sinh và quy định pháp luật hiện hành. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm giải trình với Bộ GD&ĐT, cơ quan có thẩm quyền và xã hội về công tác tuyển sinh.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2023 tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng giáo dục mầm non là hơn 663 nghìn sinh viên. Số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm là 214/322 trường. Kết quả tuyển sinh ở các phương thức như sau: Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy: 2,57%; Xét kết quả học tập bậc THPT: 30,24%; Kết quả thi tốt nghiệp THPT: 49,45%; Xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo: 2,32%; Các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) là: 12,1%.
(Theo giaoducthoidai.vn)