.

Luật Nhà giáo khi ban hành phải tạo sự chào đón và phấn khởi của thầy cô giáo

Cập nhật: 14:58, 09/11/2024 (GMT+7)

Phát biểu tại họp tổ sáng 9/11, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Luật Nhà giáo khi ban hành phải tạo sự chào đón, phấn khởi của đội ngũ thầy, cô giáo.

b

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại họp tổ - sáng 9/11.

Luật Nhà giáo phải giải quyết mối quan hệ thầy – trò

Trước khi cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo tại buổi họp tổ (sáng 9/11), Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời chúc mừng đến các thầy cô, giáo nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024.

Cho ý kiến về một số chính sách có thể phát triển nhằm triển khai thực hiện trong Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến vị trí của giáo dục, đào tạo có ý nghĩa về chiến lược công tác cán bộ. Trong công tác cán bộ, đào tạo cán bộ là quan trọng, mà đã nói tới đào tạo là phải có thầy. Đây là đột phá quốc gia và là trọng tâm.

Theo Tổng Bí thư, trong đào tạo, người thầy rất quan trọng. Muốn giáo dục phát triển, đầu tiên phải có thầy, trường, lớp; phải quán triệt sâu sắc chiến lược, vị trí người thầy.

“Đã nói tới thầy thì phải có trò”, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đồng thời đặt vấn đề, Luật Nhà giáo giải quyết tương quan giữa thầy và trò như thế nào? Phải giải quyết mối quan hệ thật tốt giữa thầy và trò. Nếu không có trò, không có thầy. Luật Nhà giáo phải giải quyết được mối quan hệ rất quan trọng này.

Chẳng hạn, khi đề cập đến chính sách phổ cập giáo dục, tức là các cháu đến tuổi phải được đến trường. Tiến đến nữa là Nhà nước phải nuôi các cháu ăn học. Tiến bộ phải đến mức độ như vậy. Vì thế, không thể nói thiếu thầy; đã có trò thì phải có thầy - quy định rõ như thế.

Khi đã có thầy và trò, thì phải có trường học. Từ đây đặt ra vấn đề quy quy hoạch và quản lý thế nào? Không thể nói không có trường. Nghĩa là, mối quan hệ tương quan giữa thầy và trò phải được giải quyết.

b

Tổng Bí thư Tô Lâm.

Xác định người thầy là nhà khoa học

Tổng Bí thư cho rằng, rất nhiều chính sách phải được bao quát vào dự thảo Luật Nhà giáo. Phải xác định người thầy là nhà khoa học, vậy giữa mối quan hệ thầy giáo và nhà khoa học như thế nào? Chúng ta không thể có thêm một luật về nhà khoa học nữa.

Do vậy, mối quan hệ giữa nhà khoa học, giữa trung tâm nghiên cứu với doanh nghiệp, với nhà nước phải tường minh. Khoa học là không dừng lại, tri thức cũng không dừng lại, đòi hỏi người thầy phải có tâm thế của nhà khoa học, phải có chuyên môn rất sâu.

Đề cập đến vấn đề hội nhập, Tổng Bí thư gợi mở, giáo dục hội nhập thế nào, thầy, cô giáo hội nhập ra sao. Dự thảo Luật cần phải đề cập đến chính sách đối với vấn đề này, đặc biệt là yêu cầu về trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) của đội ngũ nhà giáo.

Bên cạnh đó, người nước ngoài giảng dạy thì có được quy định là nhà giáo không, có chấp hành theo những cái quy định của Luật Nhà giáo Việt Nam không? Muốn hội nhập được phải có con người, mà con người đào tạo được trước hết phải là người thầy. Do đó, cần có các chính sách rất cụ thể.

Theo Tổng Bí thư, nếu thầy không có tiếng Anh, làm sao có trò nói tiếng Anh. Thầy dạy Toán cũng phải có tiếng Anh, chứ không phải chỉ có thầy ngoại ngữ. “Tiếp cận hội nhập phải như thế” – Tổng Bí thư nói và nêu rõ, cần coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai để hội nhập. Muốn vậy, cần nghiên cứu, tính toán và các chính sách phải được thể hiện các yêu cầu cụ thể trong luật.

b

Toàn cảnh họp tổ.

Không thể quy định thô cứng tuổi nghỉ hưu

Ngoài ra, Tổng Bí thư lưu ý, chính sách học tập suốt đời cũng cần được quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo, không thể quy định thô cứng theo kiểu giáo sư đến tuổi nghỉ hưu không còn là nhà giáo, không tham gia giảng dạy nữa.

Như vậy sẽ không huy động được nguồn lực, mà cần khuyến khích xã hội hóa, huy động xã hội tham gia vào công tác giáo dục, công tác giảng dạy, nhất là tại một số môi trường rất đặc biệt như trong trại giam hay giáo viên công tác tại miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, tại khu vực miền núi cũng cần được coi là đặc biệt, bởi thầy không chỉ dạy học mà còn phải dỗ dành, động viên học sinh đến trường. Do đó cần có chính sách vừa cụ thể, vừa bao quát khuyến khích cho nhà giáo làm việc trong môi trường đặc biệt này. Bởi ở vùng khó khăn về kinh tế - xã hội, cũng là vùng trũng về giáo dục đào tạo, khó khăn về phát triển nguồn nhân lực.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhìn nhận, đội ngũ thầy, cô giáo đang chờ đợi rất nhiều, do đó khi xây dựng Luật Nhà giáo cần có các quy định tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy, chứ không phải sau khi luật được ban hành lại thấy khó khăn hơn trong việc chấp hành các quy định của luật.

Theo Báo điện tử Giáo dục và Thời đại

.
.
.