Thứ Tư, 15/05/2013, 09:09 (GMT+7)
.
Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV Lê Thị Ngọc Thắm:

Học tập tốt, rèn luyện đạo đức tốt là làm theo lời Bác

Quê chị ở xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè. Lớn lên trong một gia đình nông dân quen với cuộc sống cực khổ, khó khăn nên Lê Thị Ngọc Thắm (sinh năm 1965) biết tự rèn luyện cho mình một lối sống: Siêng năng lao động, cố gắng học và tu dưỡng đạo đức tốt để trở thành người hữu ích.

Khi còn là sinh viên đại học, Thắm là một vận động viên bóng chuyền của đội tuyển nữ, sau này chị chơi thêm môn cầu lông, quần vợt, bóng bàn, bơi lội… là một tuyển thủ khá “chắc tay” ở các môn thể thao này trong tỉnh và cả khu vực. Chị có cả một bộ sưu tập huy chương vàng, bạc, đồng đánh đơn, đôi của nhiều mùa thi. Chỉ trong lĩnh vực thể thao, chị đã thực hiện tốt lời kêu gọi của Bác “Toàn dân rèn luyện thân thể”, có sức khỏe tốt mới làm việc tốt.

Công tác ở Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) từ năm 1987 và chung thủy với nơi này suốt từ đó đến nay bằng chính lối sống giản dị, hòa đồng, chị Ngọc Thắm đã tạo được tình cảm bạn bè, đồng nghiệp.

Khi mới chập chững vào nghề, chị luôn gần gũi các chị lớn tuổi và học được ở các chị nhiều điều tốt trong chuyên môn, trong lối sống và cách ứng xử. Ai nhờ gì chị cũng sẵn lòng hỗ trợ, làm mà không hề nghĩ đến sự trả ơn, đền bù trở lại.

Chính vì vậy khi được đề bạt làm lãnh đạo, chị được sự tín nhiệm cao của bạn bè, đồng nghiệp. Bảy năm làm cán bộ tín dụng rồi đến Phó phòng Kế toán và 7 năm làm Trưởng phòng Kế toán rồi trở thành nữ Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tiền Giang (trẻ nhất khu vực ĐBSCL lúc bấy giờ), chị Lê Thị Ngọc Thắm luôn giữ gìn đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị; chống quan liêu, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực, nhất là chống nạn “cò” tín dụng trong ngân hàng.

Chị chủ động đề xuất các giải pháp về chính sách lãi suất, chính sách khách hàng, chính sách tín dụng, huy động vốn có hiệu quả tại chi nhánh; tham mưu tốt việc sắp xếp nhân sự, xử lý kịp thời những vướng mắc của khách hàng. Chị giám sát cán bộ thuộc khối phân công, không để xảy ra các vụ việc sai phạm…

Vui vẻ, chân tình, bình dị, chị luôn tạo sự gắn kết với người lao động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công nhân, viên chức ở chi nhánh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng  cho người lao động, tạo niềm tin cho anh em trong nội bộ. Chị luôn gương mẫu và kêu gọi mọi người có ý thức tiết kiệm trong việc sử dụng của công như: Điện thoại, để máy điều hòa ở chế độ cần thiết, tắt các thiết bị sử dụng điện như máy tính, máy in, đèn thắp sáng… khi không cần thiết.

Chị kể về những chuyến đi vùng sâu, vùng xa ở tận Vĩnh Long, Trà Vinh… có khi phải đội nắng, dầm mưa đến những khu đầm tôm không một bóng cây; lúc thì chòng chành trên xuồng giữa mênh mông sông nước để xác minh dự án nuôi cá bè của các đối tượng vay vốn. Đôi lúc phải đau đầu cùng đồng nghiệp giải quyết những rủi ro trong thu hồi vốn mà làm sao cho “thấu tình, đạt lý”, tránh hậu quả không tốt cho doanh nghiệp…

Chị chia sẻ: “Với tôi, cố gắng học tập tốt, rèn luyện đạo đức cho bản thân, rèn luyện sức khỏe tốt, hoàn thành tốt công tác và giúp đỡ mọi người là làm theo lời Bác dạy. Chính vì lẽ đó mà tôi không ngừng học tập để nâng cao trình độ, nghiên cứu văn bản, học hỏi từ thực tiễn công việc để tự hoàn thiện mình. Tránh tô hồng, đánh bóng mình và phô trương hình thức, đã nói được thì phải làm được. Khuyến khích đồng nghiệp học tốt, làm tốt, tạo động lực để cá nhân thi đua với nhau nhằm nâng cao hiệu quả công việc, góp phần cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Công việc bộn bề, nhất là áp lực về rủi ro cho vay tín chấp, về những khó khăn như chỉ tiêu và thu nhập cho anh em… khi những đối tác doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, kinh tế họ khó khăn sẽ kéo theo khó khăn cho ngân hàng… đó là nỗi trăn trở của người quản lý. Dù lo cho việc chung, nhiều khi hơn 20 giờ chị chưa có mặt ở nhà, thế nhưng chị luôn tranh thủ thời gian để có bữa cơm gia đình, tạo sự gặp gỡ, gắn bó tình cảm gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan cho nên gia đình chị luôn đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Bản thân chị luôn là người gương mẫu trong phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chị nói: “Không phải đến lúc có phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tôi mới làm theo, mà tôi đã tự mình rèn luyện và làm theo gương tốt của anh chị em đi trước. Riêng phong trào này, góp phần thúc đẩy tôi tự hoàn thiện mình và kêu gọi mọi người cùng học tập, rèn luyện mình để góp phần đưa tập thể đi lên vững mạnh”.

NGỌC LỆ

.
.
.