.
HỌC TẬP THEO BÁC, LÀM CHO DÂN LUÔN ẤM NO, HẠNH PHÚC:

Bài cuối: Đảng gần dân, Đảng sống trong dân

Cập nhật: 16:34, 30/10/2024 (GMT+7)
 
 
(ABO) Phải khẳng định, việc gần dân, sâu sát nhân dân là quy luật tồn tại, phát triển, là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh của Đảng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Sức mạnh của Đảng nằm trong mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và giữa nhân dân với Đảng. Nhân dân là người thầy nghiêm khắc và nhân ái, luôn luôn đòi hỏi cao ở cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng sẵn lòng giúp đỡ cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, trở nên tiến bộ”. 
 
Qua thực tế tại nhiều cơ sở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho thấy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, đa số cán bộ, đảng viên đã nghiêm túc thực hiện việc gần dân, sâu sát dân, bám nắm cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Khi Đảng được lòng dân, sống trong dân, rất nhiều những chủ trương lớn được nhân dân đồng thuận, chung tay lo liệu, đạt được kết quả đáng phấn khởi.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh uỷ  trao thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang trao thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII.
 
HIỂU ĐIỀU DÂN MUỐN, LÀM ĐIỀU DÂN TIN
 
Để tăng sự hài lòng của người dân, các địa phương trong tỉnh Tiền Giang đã tuyên truyền, triển khai các hình thức thích hợp (công khai số điện thoại, hộp thư điện tử của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thường xuyên tổ chức các cuộc gặp, tiếp xúc với người dân...) để nhân dân nói lên nguyện vọng, phản ánh kiến nghị, tham gia đóng góp ý kiến vào các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cơ chế, chính sách của Trung ương cũng như của địa phương.
 
Song song đó, hoạt động của chính quyền cơ sở luôn chú trọng đi vào thực chất, gắn với việc phục vụ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Theo đó, người dân có quyền được biết, được bàn, được tham gia thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đặc biệt là các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân như các khoản đóng góp tự nguyện, xây mới, sửa chữa công trình công cộng; hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân hoặc Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng về giám sát công trình công cộng nơi sinh sống.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh đối thoại với cán bộ, hội viên phụ nữ.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đối thoại với cán bộ, hội viên phụ nữ.
 
Vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Phạm Hùng Vinh và lãnh đạo các ngành đã có buổi gặp gỡ với cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện. Cán bộ, hội viên nông dân đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến các nội dung như: Hiện nay, giá cả hàng nông sản không ổn định, cần có giải pháp để hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ cho người dân do thiên tai, lốc xoáy; giải pháp nâng chất lượng hoạt động của hợp tác xã; biện pháp xử lý tình trạng buôn bán vật tư nông nghiệp kém chất lượng gây thiệt hại cho nông dân; vấn đề phát triển thêm diện tích dừa; hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất.
 
Ngoài ra, nông dân xã Bình Ninh có ý kiến về việc tiếp tục dẫn đường ống nước BOO phục vụ nước sinh hoạt cho nông dân; giải pháp phòng, chống sâu đầu đen hại dừa để bảo vệ diện tích vườn dừa lấy dầu tại các xã Xuân Đông, Hòa Định, Bình Ninh; quyền lợi và nghĩa vụ của nông dân khi thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đầu ra của các sản phẩm tiêu chuẩn này…
 
Lãnh đạo địa phương thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với nhân dân để lắng nghe, kịp thời giải quyết những kiến nghị của dân.
Lãnh đạo huyện Chợ Gạo thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với nhân dân để lắng nghe, kịp thời giải quyết những kiến nghị của người dân.
 
Trên cơ sở các ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân, đại diện ngành Nông nghiệp huyện, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Chợ Gạo, lãnh đạo UBND huyện đã đối thoại trên tinh thần chia sẻ, trách nhiệm, giải thích cho cán bộ, hội viên nông dân nắm bắt, hiểu rõ hơn các nội dung mình quan tâm.
 
Thực tế cho thấy, đối thoại, gặp gỡ là để lãnh đạo vừa lắng nghe, nhưng đồng thời trả lời, giải đáp và giải quyết những ý kiến, kiến nghị chính đáng của người dân nhằm tháo gỡ vướng mắc, giải quyết ngay từ cơ sở, tạo đồng thuận trong nhân dân. Mục tiêu là làm tốt công tác nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tập trung giải quyết những vấn đề được xã hội quan tâm, nhất là những vấn đề bức xúc chưa được giải quyết. 
 
Bên cạnh đó, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Tiền Giang còn thực hiện tốt Quy định 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư về giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
 
Cụ thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cái bè, các tổ chức thành viên và nhân dân đã giám sát 974 cán bộ, đảng viên về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. Qua giám sát cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tính tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, thực hiện nghiêm quy chế làm việc của Đảng ủy; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Qua giám sát đã phát hiện 2 trường hợp (1 người đứng đầu và 1 cán bộ) vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ cấp phát quà tết và chế độ chính sách đối với người có công; xử lý 1 cán bộ chuyển công tác và 1 cán bộ cho thôi việc.
 
Người dân được quyền nói lên tiếng nói, phản ánh, kiến nghị và sẳn sàng đóng góp ý kiến xây dựng quê hương
Người dân phản ánh, kiến nghị và sẳn sàng đóng góp ý kiến xây dựng quê hương.

Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên còn phải biết “nói cho dân nghe, làm cho dân tin”, gương mẫu từ lời nói đến việc làm, nghiêm túc và thẳng thắn tiếp thu góp ý của nhân dân để khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Qua đó, góp phần quan trọng để xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào cán bộ, đảng viên…

CHUNG TAY PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 

Đến với huyện Tân Phước hôm nay, ai cũng đều cảm nhận được mảnh đất khó khăn trước đây đã "thay da đổi thịt". Cơ cấu kinh tế của huyện Tân Phước chuyển dịch đúng hướng và tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - thương mại và dịch vụ. Qua 30 năm khai phá đến nay, đất đai Tân Phước được khai hoang, kinh mương được mở rộng, giúp người dân nhân rộng mô hình sản xuất được hơn 16.000 ha khóm, 6.000 ha lúa và hàng ngàn ha cây ăn trái khác.
 
Người dân cần cù lao động phát triển kinh tế.
Người dân cần cù lao động phát triển kinh tế.
 
Phấn đấu có thu nhập cao, đời sống nhân dân trở nên khá giàu là mong muốn của cán bộ và nhân dân Tân Phước bao đời nay. Bởi vậy, việc khơi dậy sức dân trong giảm nghèo, vươn lên làm giàu luôn được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã chú trọng. Huyện đã lồng nghép nhiều chương trình, dự án vay vốn, hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện để người dân nắm bắt cơ hội làm giàu. Thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ sử dụng điện, nước hợp vệ sinh đều đạt 100%. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 1,59%, không còn hộ có nhà tạm, dột nát. Đặc biệt, Tân Phước đã xây dựng 1 khu công nghiệp và đang kêu gọi đầu tư nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
 
Từ một hộ nghèo do chưa nắm bắt được các phương pháp làm kinh tế, gia đình chú Mai Văn Bảy, ngụ ấp Tân Vinh, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển kinh tế. Nhờ chăm chỉ, cần cù lao động, chú Bảy đã thoát nghèo nhờ trồng khóm. Chú Bảy còn mua thêm bò để nuôi và tận dụng đất xung xanh nhà trồng thêm dừa, mít để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
 
Chú Bảy cho biết: “Vừa qua, nhờ khóm đạt năng suất cao và bán có giá nên nguồn thu nhập của gia đình cũng khấm khá. Từ nguồn thu nhập này, gia đình đã xây được căn nhà khang trang. Trong thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo đất trồng khóm để đạt năng suất cao hơn. Đồng thời, tích cực tham gia các lớp tập huấn của xã, huyện; chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.
 
Tiền Giang hiện có trên 6.000 doanh nghiệp.
Tiền Giang hiện có trên 6.000 doanh nghiệp.
 
Năm 2023 và 8 tháng năm 2024, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức song Tiền Giang vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; dự kiến cả năm 2024 GRDP tăng 6,15%. Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh thu hút được 43 dự án đầu tư (có 17 dự án vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13,5 ngàn tỷ đồng. Các chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt. Năm 2024 là năm gần cuối nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Tiền Giang đã và đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để tăng tốc, bứt phá, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ 2020 - 2025.
 
Những con đường, công trình mang đậm dấu ấn tập thể - đó là kết quả của “Ý Đảng, lòng dân” được phát huy, đem lại niềm vui và tiện ích cho người dân, trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Một minh chứng nữa là sự đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, 100% xã đạt chuẩn NTM, 51 xã NTM nâng cao, 4 xã NTM kiểu mẫu; 7/8 huyện đạt chuẩn huyện NTM và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. “Quả ngọt” này là minh chứng cho sự nỗ lực, trách nhiệm, quyết tâm của hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân Tiền Giang.
 
Những con đường của ý Đảng lòng dân.
Những con đường của "Ý Đảng, lòng dân".
 
Trên tinh thần “việc nhỏ, việc to, dân lo xong hết”, “đường mở đến đâu dân giàu đến đó” và tất cả đều khẳng định một chân lý khi "Ý Đảng, lòng dân" là một thì dù có khó khăn, nhưng khơi dậy sức dân chung tay, đồng lòng đều đi đến thành công; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
 
SỚM MAI
 

 

.
.
.