Tiền Giang đẩy mạnh chuyển đổi số
Năm 2020, Tiền Giang xếp hạng 6 cả nước về mức độ chuyển đổi số (trong đó, xếp hạng Chính quyền số và Kinh tế số đứng thứ 11, Xã hội số đứng thứ 4). Về thúc đẩy cung cấp dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4, tỉnh Tiền Giang là 1 trong 23 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 100%.
Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả bước đầu đòi hỏi Tiền Giang cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số để góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững và để chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn, cần phải có quyết tâm cao hơn nữa, lộ trình cụ thể, rõ ràng.
KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU
Thời gian qua, người dân Tiền Giang ít nhiều đều đã có những cảm nhận về những thay đổi mà công nghệ số, quá trình chuyển đổi số, nền kinh tế số đã tạo ra trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đã thể hiện qua nhiều lợi ích mà người dân được thụ hưởng; trong đó, có việc tiếp cận một cách nhanh nhất, bình đẳng nhất với tất cả các dịch vụ của xã hội, tạo dựng một cuộc sống, môi trường sống hiện đại, văn minh và thông minh.
Hiệu quả từ chuyển đổi số đã giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp thông suốt khi thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19. |
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông, thiết bị số, công nghệ số…, cuộc cách mạng 4.0 đang từng bước tạo dấu ấn trong đời sống của người dân. Từ việc sử dụng các thiết bị cầm tay thông minh, đến giao dịch trực tuyến, mua sắm, kinh doanh trực tuyến... đã tạo nên sự nhận thức, thay đổi căn bản trong sinh hoạt, sản xuất và đời sống của từng người dân.
Trong lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC), việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến đã góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và tiền bạc của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp của tỉnh đã ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc ứng dụng các nền tảng số vào xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, tiếp cận đối tác, thị trường xuất khẩu có hiệu quả, đã giúp tiết kiệm chi phí, đặc biệt là hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ nông sản…
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, hầu như các hoạt động đời sống xã hội đều được thay thế bởi hoạt động trên môi trường số. Công nghệ số, các ứng dụng và nền tảng số đã gần như hiện diện trong tất cả các hoạt động phòng, chống dịch, chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, ngành Y tế đã áp dụng công nghệ số vào việc truy vết, cách ly, điều trị, khám bệnh từ xa và tiêm chủng phòng Covid-19 toàn dân.
Ngành Giáo dục cũng chủ động và thích ứng nhanh với diễn biến dịch bệnh, áp dụng sinh động và hiệu quả CNTT, công nghệ số vào giảng dạy. Chưa kể, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp cũng chuyển dần mô hình và phương thức quản lý hành chính, kinh tế, xã hội truyền thống sang nền tảng chuyển đổi số. Công tác điều hành, quản lý, hội họp cũng được thực hiện trực tuyến, sử dụng các nền tảng Internet...
Để có được kết quả này, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã hết sức quan tâm. Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông được triển khai đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu; hạ tầng CNTT được đầu tư đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã; trục tích hợp nội tỉnh nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh kết nối, liên thông với hệ thống của quốc gia, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã; công tác chỉ đạo, điều hành được nâng cao, hiệu quả; quản lý, sản xuất, kinh doanh được thuận lợi, nhanh chóng, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được quan tâm.
CHUYỂN ĐỔI SỐ TOÀN DIỆN
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết 08 về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Chính quyền số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo mục tiêu đề ra, Tiền Giang phấn đấu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng Chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Tiền Giang thực hiện cao hơn mức trung bình cả nước về các chỉ tiêu chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo tiền đề đến năm 2030 Tiền Giang thuộc nhóm 20 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Cụ thể, Tiền Giang phấn đấu đến năm 2030 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Đồng thời, hoàn thành việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 (ISO điện tử) tại cơ quan hành chính theo quy định.
Để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số, tỉnh Tiền Giang sẽ huy động tối đa các nguồn lực, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển và hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số của tỉnh trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.
Theo đó, Tiền Giang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh hướng đến Chính quyền số; tích hợp, chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và với các cơ quan trung ương, tạo cơ sở phục vụ chuyển đổi số. Cùng với đó là chú trọng phát triển kỹ năng số cho người dân, nhằm từng bước hình thành “công dân điện tử”.
Đề cập về lộ trình trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Đậm cho biết, để xây dựng Chính quyền số hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch, tỉnh đang tập trung gắn với CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phòng, chống tham nhũng; đồng thời, tiến hành tập trung chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế như y tế, giáo dục, du lịch, thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng…
Bên cạnh đó, Tiền Giang chú trọng thu hút các doanh nghiệp công nghệ số quy mô lớn vào đầu tư tại tỉnh làm động lực dẫn dắt chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; có cơ chế, chính sách để hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Tiền Giang cũng sẵn sàng thu hút, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai thí điểm, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đầu tư hạ tầng số, các nền tảng số, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, số hóa dữ liệu, tích hợp, chia sẻ các cơ sở dữ liệu… để phục vụ chính quyền, doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi số. “Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai các bước theo đúng kế hoạch, lộ trình đã đề ra, quyết tâm thực hiện hiệu quả cả 3 trụ cột của chuyển đổi số đó là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số… tạo đà để đưa Tiền Giang phát triển nhanh và bền vững trong tương lai” - đồng chí Nguyễn Văn Đậm nhấn mạnh.
LÊ PHƯƠNG