ChatGPT trong hoạt động báo chí: Cơ hội và thách thức
ChatGPT đang là cụm từ "hot", đây được coi là một bước đột phá về trí tuệ nhân tạo, đã và đang tạo nên làn sóng cực mạnh trên internet. Mô hình này đang được dự đoán sẽ tác động nhiều mặt đến báo chí truyền thông và toàn xã hội.
Tương lai báo chí nằm ở khả năng của các nhà báo
Nếu dành thời gian lướt mạng xã hội những tuần qua, nhiều người chắc chắn đã nghe nói về ChatGPT. Chatbot thông minh và gây chú ý này được phát triển bởi OpenAI, ra mắt vào tháng 11/2022.
GPT (Generative Pre-training Transformer) là một mạng lưới thần kinh AI (ANNs) được đào tạo trên khối lượng lớn văn bản trực tuyến, để tạo ra các phản hồi tự nhiên, giống con người. Nó có thể trả lời các câu hỏi phức tạp, viết truyện cười, viết mã máy tính, viết bài luận cấp đại học, giải thích các khái niệm khoa học ở nhiều cấp độ và thậm chí đưa ra lời khuyên y tế, tất nhiên luôn đi kèm với tuyên bố từ chối trách nhiệm rằng người dùng phải tự xác minh mọi thứ trong thế giới thực.
Màn trình diễn của siêu AI khiến mọi người kinh ngạc, đến mức một số thậm chí còn tuyên bố: "Google đã chết". Số khác nghĩ rằng sức ảnh hưởng của ChatGPT còn vượt xa sự sụp đổ của Google: Công việc của con người cũng đang bị đe dọa.
Ở dạng ChatGPT tồn tại ngày nay, các nhà báo nên sử dụng nó như một công cụ. |
Tuy nhiên, trên Information Age đã nêu ra nhược điểm của siêu AI khi ấn phẩm đã sử dụng ChatGPT để viết toàn bộ câu chuyện về chatbot này và đăng thành phẩm kèm theo một đoạn giới thiệu ngắn. Tác phẩm đạt yêu cầu khi cung cấp khá đầy đủ các thông tin và sắp xếp một cách mạch lạc. Nhưng khi "viết" tác phẩm, ChatGPT cũng tạo ra các trích dẫn giả và gán chúng cho một nhà nghiên cứu của OpenAI là John Smith.
Điều này nhấn mạnh sự thất bại của một mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT: Không biết cách tách biệt thực tế và hư cấu. Chatbot không thể được đào tạo để làm như vậy. Đó chỉ là một công cụ tổ chức từ một AI được lập trình để có thể viết các câu mạch lạc.
Đây là sự khác biệt quan trọng giữa chatbot và con người. Vì vậy, về cơ bản, điều này không cho phép ChatGPT (hoặc mô hình ngôn ngữ lớn cơ bản được xây dựng trên GPT 3.5 của OpenAI) viết tin tức hoặc phát biểu về các vấn đề hiện tại.
Biên tập viên khoa học của CNET Jackson Ryan nhận định: "ChatGPT chắc chắn không thể làm công việc của một nhà báo. Nói nó có thể thay thế là hạ thấp hoạt động báo chí.
ChatGPT không ra ngoài thế giới để nói chuyện, phỏng vấn nhân vật, không thể đọc được cảm xúc trên gương mặt Kylian Mbappe khi anh vô địch World Cup 2018, cũng chắc chắn không nhảy lên một con tàu đến Nam Cực để viết về những trải nghiệm của mình".
Bàn về tác động của ChatGPT trong hoạt động báo chí, ông Bùi Công Duyến, Giám đốc Sản phẩm Tòa soạn hội tụ ONECMS, Công ty Cổ phần Công nghệ NEKO cho biết, việc ra mắt ChatGPT hay gần đây nhất là Google Bard là một hồi chuông cảnh báo cho việc xào bài hay nhiều cơ quan dùng cái tên “tổng hợp thông tin”. Việc xào bài hay tổng hợp thông tin dựa trên các nội dung đã có ChatGPT làm tốt hơn, nhanh hơn con người rất nhiều.
"Tương lai của báo chí nằm ở khả năng của các nhà báo trong việc cung cấp các thông tin chính xác, có cảm xúc, đa chiều và có trách nhiệm. Vai trò của các mô hình ngôn ngữ AI như ChatGPT là hỗ trợ các hoạt động báo chí chứ không phải thay thế báo chí", ông Bùi Công Duyến nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo về khả năng ChatGPT sẽ trở thành một công cụ siêu lan truyền thông tin sai lệch, khi nó có khả năng tạo ra các bài báo, blog và bài phát biểu chính trị chỉ trong tích tắc. Theo ông Bùi Công Duyến, những cảnh báo này rất chính xác. Bản thân ChatGPT chỉ là mô hình ngôn ngữ được huấn luyện trên lượng dữ liệu lớn, nó không phân biệt được đâu là “đúng”, đâu là “sai”. Do đó, nếu chúng ta tận dụng các thế mạnh của ChatGPT để tổng hợp, trích xuất thông tin thì cần phải kiểm tra kỹ càng tính đúng đắn thông tin do ChatGPT cung cấp.
Đừng chống lại nó - Hãy tận dụng nó
Đánh giá về tương lai của báo chí truyền thông trong bối cảnh ChatGPT xuất hiện, ông Bùi Công Duyến cho rằng, không chỉ riêng với ChatGPT mà với sự phát triển nhanh chóng của AI đem đến cho ngành báo chí truyền thông nhiều thách thức cũng như cơ hội.
Nếu làm nội dung dạng tổng hợp, xào bài thì chắc chắn khả năng của con người sẽ không thể giỏi được bằng khả năng đó của AI. Những nội dung đó dần dần sẽ được AI sản xuất tự động thay cho con người. Nếu chúng ta cứ tập trung vào các bài dạng công thức, khuôn mẫu để tối ưu hóa cho bộ máy tìm kiếm như rất nhiều báo đang làm hiện nay, chúng ta sẽ khó tiếp tục thu hút được người dùng do kết quả đã được trả lời sẵn bởi AI trực tiếp trên các công cụ tìm kiếm.
Không có gì có thể thay thế được quan điểm cá nhân, ý thức chính trị và tính chuyên nghiệp của các nhà báo. |
Để tối ưu được công việc các nhà báo nên sử dụng tính ưu việt của ChatGPT để phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ như tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu lớn, tạo câu hỏi với một chủ đề mà bạn không quen thuộc hoặc đang tìm kiếm những góc nhìn mới, nhờ ChatGPT cung cấp câu trích dẫn từ một nhân vật nào đó, nhờ ChatGPT đặt tít bài giúp với các thử nghiệm khác nhau hay dịch thuật nội dung bài từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác… Nhưng chú ý kiểm tra kỹ tính xác thực trong các câu trả lời của ChatGPT bởi rất có thể các câu trả lời do nó tự “bịa” ra.
"Chúng ta không nên quá lo lắng rằng AI sẽ thay thế hoàn toàn công việc của một nhà báo bởi ChatGPT sẽ chỉ là một cái máy tổng hợp thông tin từ các dữ liệu có sẵn. Trong khi đó, báo chí thì luôn cần những câu chuyện mới xác thực, những đề tài mới, góc nhìn mới. Những điều này chỉ có người phóng viên mới làm được", Giám đốc Sản phẩm Tòa soạn hội tụ ONECMS cho hay.
Có thể thấy, mặc dù chatbot ngày càng thông minh, vẫn thật khó để biết AI này sẽ khiến các nhà báo mất việc như thế nào. Thay vào đó, trong ngắn hạn, ChatGPT chỉ mới dừng lại ở việc hỗ trợ, chứ không phải thay thế con người trong tác nghiệp báo chí. Song, về bài học trong tương lai cho các hãng tin, các toà soạn, ông Bùi Công Duyến khẳng định. "Đừng dè bỉu, chê cười hay chống lại nó mà hãy tận dụng nó để nâng cao hiệu quả hoạt động của tòa soạn".
Mới đây, tại buổi họp mặt lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên tiêu biểu các cơ quan báo chí, xuất bản mừng Đảng - mừng xuân Quý Mão 2023, chia sẻ về ứng dụng ChatGPT, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận về mặt tích cực, ChatGPT buộc báo chí phải suy nghĩ, thúc giục báo chí phải cải tiến và phát triển kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng. Mô hình này cũng đặt ra yêu cầu cho báo chí cần giữ gìn độ tin cậy bằng chất lượng, tính minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều sản phẩm mới phù hợp với thị trường.
Tuy ChatGPT chỉ có thể trả lời theo khuôn mẫu mà không có cảm xúc giống như con người nhưng trong thế giới ngày nay, ai cũng cần có khả năng đáp ứng sự sáng tạo trước thử thách mới, nếu không sẽ bị tụt lùi.
"Điều quan trọng là không có gì có thể thay thế được quan điểm cá nhân, ý thức chính trị và tính chuyên nghiệp của các nhà báo", Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên nhận định.
Theo Báo điện tử Công Luận