.

Tìm ra một phương pháp mới dễ áp dụng hơn so với nhịn ăn gián đoạn

Cập nhật: 22:53, 03/02/2024 (GMT+7)

Theo các nhà khoa học, việc loại bỏ một loại axit amin có tên Isoleucine một cách không liên tục, trong thời gian ngắn, sẽ làm tăng đáng kể khả năng chống lại căng thẳng và kéo dài tuổi thọ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Northernvirginiamag
Ảnh minh họa. Nguồn: Northernvirginiamag

Các nhà khoa học tại Đại học Monash (Australia) mới đây đã tìm ra một phương pháp mới “dễ áp dụng hơn” so với việc nhịn ăn gián đoạn (Intermittent Fasting - IF) truyền thống, qua đó mở ra triển vọng cách mạng hóa cách thức con người áp dụng chế độ ăn để nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Trong một nghiên cứu trên loài ruồi giấm được công bố trên Tạp chí khoa học GeroScience số ra ngày 2/2, nhóm nghiên cứu tại Trường Khoa học Sinh học thuộc Đại học Monash dẫn đầu đã phát hiện ra rằng việc loại bỏ một loại axit amin có tên Isoleucine (loại axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp được, cần phải bổ sung từ các thực phẩm bên ngoài) một cách không liên tục, trong thời gian ngắn, sẽ làm tăng đáng kể khả năng chống lại căng thẳng và kéo dài tuổi thọ.

Trưởng nhóm nghiên cứu, bà Tahila Fulton nêu rõ: “Không giống như việc nhịn ăn gián đoạn thông thường, phương pháp này không đòi hỏi giảm đáng kể tổng lượng thức ăn đưa vào cơ thể, khiến đây trở thành một chiến lược thực tế và khả thi hơn."

Một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng việc hạn chế vừa phải tất cả các axít amin trong chế độ ăn có thể giúp giảm thiểu căng thẳng, nhưng để nâng cao tuổi thọ, điều này cần phải áp dụng trong thời gian dài ở tuổi trưởng thành.

Trong nghiên cứu lần này, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tình trạng thiếu hụt một loại axit amin thiết yếu trong thời gian ngắn có thể tăng khả năng kháng độc tố của ruồi trưởng thành.

Để đánh giá thêm về mức độ hiệu quả đối với ruồi già hoặc ảnh hưởng lâu dài của chế độ ăn này đến sức khỏe như thế nào, nhóm nghiên cứu ban đầu đã đánh giá xem liệu ruồi có thể đạt được khả năng dung nạp nicotin sau những đợt thiếu hụt isoleucine trong thời gian ngắn khi chúng già đi hay không.

Nhóm đã duy trì ruồi trong 1, 2, 3 hoặc 5 tuần (trong vòng đời trung bình 9 tuần) bằng chế độ ăn tổng hợp đầy đủ dinh dưỡng, sau đó chuyển chúng sang chế độ ăn thiếu isoleucine trong 1, 3, 5 hoặc 7 ngày, và sau đó đo khả năng sống sót của chúng khi tiếp xúc với chất độc.

Bằng cách sử dụng những dữ liệu này để lựa chọn chế độ chăm sóc mang lại khả năng kháng độc tố tối ưu, các chuyên gia nhận thấy rằng việc cho ruồi “nhịn” dùng isoleucine trong một tuần vào giai đoạn giữa (tuần thứ 3) và muộn hơn (tuần thứ 5) đã làm gia tăng đáng kể về tuổi thọ, bất kể chế độ ăn uống như thế nào.

Bà Fulton nhấn mạnh nghiên cứu của nhóm không chỉ mở rộng thêm kiến thức về tác động của chế độ ăn đối với tuổi thọ, mà còn mở ra triển vọng cách mạng hóa cách thức con người áp dụng chế độ ăn kiêng và kéo dài tuổi thọ.

Theo bà, đây là cách tiếp cận ít “khắt khe” hơn nhưng mang lại lợi ích tương tự trong chế độ ăn kiêng thông thường.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/tim-ra-mot-phuong-phap-moi-de-ap-dung-hon-so-voi-nhin-an-gian-doan-post925368.vnp)

.
.
.