Tiền Giang: Hiệu quả từ trồng thử nghiệm một số giống cỏ mới làm thức ăn gia súc
Để giúp nông dân nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi gia súc, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiệm vụ KH&CN: “Tuyển chọn và trồng thử nghiệm một số giống cỏ sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng tốt làm thức ăn chăn nuôi gia súc ăn cỏ phù hợp điều kiện tự nhiên tại địa phương”.
Qua triển khai, bước đầu, các giống cỏ được trồng thử nghiệm sinh trưởng và phát triển tốt, có nhiều ưu điểm vượt trội, giúp nông dân nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.
NHIỀU ƯU ĐIỂM
Chăn nuôi gia súc ăn cỏ là thế mạnh tại huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn hiện nay là giải quyết nguồn thức ăn một cách ổn định và có chất lượng cao. Việc cung cấp thức ăn cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh chủ yếu là cỏ tự nhiên và một số phụ phẩm nông nghiệp.
Anh Đoàn Văn Hồng trồng thử nghiệm giống cỏ Hamil với diện tích 1,5 ha, cho hiệu quả cao. |
Việc đánh giá khả năng sinh trưởng, sức chống chịu, đặc biệt là khả năng chịu hạn của các giống cỏ còn hạn chế. Mặt khác, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để chế biến dự trữ và gia tăng giá trị dinh dưỡng của thức ăn thô xanh cũng chưa được chú trọng.
Do đó, để khắc phục những hạn chế trên, nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh: “Tuyển chọn và trồng thử nghiệm một số giống cỏ sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng tốt làm thức ăn chăn nuôi gia súc ăn cỏ phù hợp điều kiện tự nhiên tại địa phương” đã được triển khai thực hiện nhằm có các biện pháp đồng bộ từ việc quy hoạch phát triển trồng cỏ thâm canh năng suất, chất lượng cao đến phương pháp bảo quản, chế biến theo hướng khoa học đảm bảo cung ứng đủ nguồn thức ăn cả năm cho gia súc trong tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp hiện nay.
Nhiệm vụ KH&CN được triển khai trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung tại các huyện Chợ Gạo (hộ ông Phạm Văn Ựng), Gò Công Tây (hộ anh Phạm Khắc Khiêm) và Gò Công Đông (Trang trại dê của anh Đoàn Văn Hồng). 2 giống cỏ được lựa chọn trồng thử nghiệm là Hamil và Mommasa.
Trang trại dê của anh Đoàn Văn Hồng (ấp Giồng Lãnh 2, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông) hiện có khoảng 1.500 con. Đến nay, anh đã có hơn 20 năm thâm niên trong nghề nuôi dê. Trước đây, anh sử dụng những giống cỏ như: Cỏ voi, cỏ tây lông (lông tây)… để làm thức ăn cho dê.
Cách nay 3 năm, Sở KH&CN hỗ trợ anh Hồng trồng thử nghiệm giống cỏ Hamil với diện tích 1,5 ha. Theo anh Hồng, qua thời gian trồng thử nghiệm, giống cỏ này rất thích hợp với chăn nuôi dê.
Anh Hồng cho biết: “Dê rất thích ăn giống cỏ Hamil. Loại cỏ này thân mềm, phát triển tốt, độ đạm ổn định và năng suất cao. Khi trồng giống cỏ này, dưới mặt đất không có loại cỏ tạp nào mọc lên. Nuôi dê muốn hiệu quả thì đầu tiên phải có con giống tốt. Sau đó, người nuôi phải có kinh nghiệm kết hợp áp dụng khoa học - kỹ thuật.
Giống cỏ cho dê ăn cũng phải thích hợp để dê hấp thu tốt dinh dưỡng mới phát triển nhanh. Giống cỏ này từ lúc gieo hạt cho đến thu hoạch lứa đầu tiên khoảng 55 - 60 ngày.
Đồng thời, cỏ Hamil thích nghi với mọi thời tiết, vòng đời khoảng 10 năm. Sắp tới đây, trang trại sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi và cũng sẽ tăng diện tích trồng cỏ Hamil”.
Gia đình anh Phạm Khắc Khiêm (ấp Bình Trinh, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây) hiện nuôi hơn 25 con bò. Trước đây, anh trồng giống cỏ tây lông, cỏ voi để làm thức ăn cho bò. 3 năm trước, được sự hỗ trợ của Sở KH&CN, anh đã trồng thử nghiệm thêm 2 giống cỏ là Hamil và Mombasa với diện tích 0,3 ha.
Đến nay, qua 3 năm trồng thử nghiệm, 2 giống cỏ này đã phát huy hiệu quả với nhiều ưu điểm vượt trội. “Tôi đang tính phá bỏ những giống cỏ cũ để mở rộng diện tích trồng cỏ Hamil và Mombasa. 2 giống cỏ này chống chịu được bệnh, hạn hán, mưa ngập, năng suất cũng cao hơn những giống cỏ khác. Bò cũng thích ăn, bởi lá và thân cỏ mềm” - anh Khiêm cho biết thêm.
NHÂN RỘNG MÔ HÌNH KẾT HỢP BẢO QUẢN, CHẾ BIẾN
Ngoài việc hỗ trợ các hộ dân trồng thử nghiệm 2 giống cỏ mới, Sở KH&CN còn phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, chuyển giao quy trình chế biến, bảo quản cỏ xanh làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Cụ thể là quy trình ủ chua cỏ xanh với 0,5% muối ăn và 3% rỉ mật có độ cảm quan và chất lượng tốt nhất; bổ sung cỏ ủ chua với mức 25% - 50% trong khẩu phần cho bò và dê thịt. Trong đó, việc bổ sung 25% cỏ ủ chua vào trong khẩu phần cho kết quả tốt nhất về khả năng tăng trọng của bò và dê thịt.
Theo ông Nguyễn Văn Chiểu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây, những năm gần đây, trên địa bàn huyện, người dân bắt đầu chuyển đổi từ chăn nuôi heo sang chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Vừa qua, Sở KH&CN phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển chăn nuôi gia súc lớn thí điểm mô hình trồng giống cỏ mới. Qua trồng thử nghiệm, cỏ sinh trưởng và phát triển tốt.
Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết, theo Trung tâm Nghiên cứu phát triển chăn nuôi gia súc lớn, sau khi kết thúc đề tài, tỉnh Tiền Giang đã mua trên 30 kg hạt giống cỏ, chủ yếu là giống Hamil và Mombasa. Các giống cỏ này khi mua về đã được giao cho trên 15 hộ chăn nuôi để trồng thử nghiệm. Việc trồng thử nghiệm mang lại hiệu quả tốt nên người dân rất phấn khởi. Bởi 2 giống cỏ này cho chất lượng và năng suất tốt, đặc biệt là phù hợp với điều kiện khô hạn. Năng suất cỏ đạt trên 25 tấn/ha/lứa cắt. Đặc biệt, năng suất đạm đạt 0,5 tấn/ha/lứa cắt. Lợi nhuận mang lại từ 30 - 50 triệu đồng/năm. 2 giống cỏ này có khả năng thích nghi rất cao. Chỉ số chịu hạn tương đối là 8.800, tỷ lệ lưu gốc trên 62%. Đây là những ưu điểm của 2 giống cỏ này. “Gia súc ăn cỏ đang phát triển rất mạnh ở các huyện phía Đông, đặc biệt là bò và dê. Nếu cỏ này được phát triển rộng thì ngoài việc sử dụng tươi, người chăn nuôi có thể bảo quản, chế biến, thậm chí là ủ chua để cho vật nuôi sử dụng quanh năm. Người chăn nuôi thường bổ sung cỏ ủ chua trong khẩu phần của bò và dê khoảng 25% thì có thể tăng trọng đối với bò là 726 gram/ngày/con và dê khoảng 128 gram/ngày/con” - Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu thông tin thêm. |
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn người chăn nuôi trồng những giống cỏ thích hợp nhất. Đồng thời, tập huấn cho người dân cách chế biến, bảo quản thức ăn từ cỏ, có thể ủ chua cỏ… để tăng giá trị dinh dưỡng.
Theo lãnh đạo Sở KH&CN, sau khi nghiệm thu kết thúc, nhiệm vụ KH&CN đã đáp ứng mục tiêu, nội dung và sản phẩm theo đặt hàng. Hiện tại các mô hình, nông hộ vẫn tiếp tục duy trì và khai thác cỏ phục vụ trồng mở rộng sản xuất và phục vụ chăn nuôi.
Các sản phẩm còn lại gồm: Quy trình sản xuất thức ăn thô xanh từ cỏ chăn nuôi gia súc ăn cỏ phù hợp điều kiện khô hạn tại địa phương; Quy trình bảo quản, chế biến từ cỏ xanh làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ đã được UBND tỉnh giao cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông ứng dụng phổ biến tuyên truyền, tập huấn chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng mô hình.
Trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ KH&CN nghiên cứu về khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh được lên men trong chăn nuôi bò thịt và dê thịt. Đồng thời, hỗ trợ nhân rộng điểm trình diễn kỹ thuật trồng cỏ thâm canh năng suất, chất lượng cao trên cơ sở đề xuất của ngành Nông nghiệp và địa phương.
Điều này nhằm phát triển đồng bộ từ việc quy hoạch phát triển trồng cỏ thâm canh năng suất, chất lượng cao; phương pháp bảo quản, chế biến theo hướng khoa học nhằm đảm bảo cung ứng đủ nguồn thức ăn cả năm cho gia súc trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp hiện nay.
Bên cạnh đó, Sở KH&CN tiếp tục tham mưu UBND tỉnh định hướng nghiên cứu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh…
ANH THƯ