Lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng nông dân
Diễn đàn Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 1 trong 2 điểm nhấn của MDEC - Tiền Giang 2012. Qua đó, nông dân nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình và các ngành chức năng sẽ lắng nghe để có các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho nông dân.
Diễn đàn cũng là hoạt động mới lần đầu tổ chức nên đã thu hút 145 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các tỉnh, thành trong vùng và nhiều vị lãnh đạo Trung ương, địa phương tham dự.
Ảnh: Nhựt Thưởng |
Bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, Diễn đàn nông dân ĐBSCL nhằm tăng cường mối quan hệ giữa nông dân với chính quyền và doanh nghiệp dựa trên nhu cầu, điều kiện, lợi ích của nhau để cùng sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả tốt nhất, trên cơ sở không ngừng phát triển về chất lượng sản phẩm của mình, để hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Muốn làm được điều đó, nông dân cần liên kết lại để hình thành những vùng nguyên liệu quy mô lớn, cần có sự liên kết vùng để góp phần bảo đảm, duy trì sự cân bằng cung cầu trên thị trường; việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học, công nghệ sinh thái trong sản xuất là điều kiện tiên quyết đối với nhà sản xuất hàng hóa nông sản nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tính cạnh tranh trên các thương trường; vấn đề liên kết trong bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa là khâu không thể thiếu trong chuỗi sản xuất nông sản hàng hóa.
Bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trong năm 2011 nông dân trồng lúa “được mùa, trúng giá”, đạt lãi khá. Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, toàn vùng còn 11% hộ nghèo và 7% hộ cận nghèo; nhiều hộ nông dân có thu nhập không ổn định và thấp so với mức thu nhập chung; thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, không còn khả năng tái đầu tư sản xuất.
“Để giúp cho nông dân ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách của vùng so với vùng thì nông dân ĐBSCL phải xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, phát triển công nghiệp chế biến với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững…
Đó là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hết sức nặng nề mà nông dân là lực lượng then chốt, quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Đảng và Nhà nước đề ra đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn vùng ĐBSCL”- bà Nguyễn Hồng Lý nói.
Ông Đỗ Thành Thưởng, ấp Hưng Phú, xã Hưng Phong (Giồng Trôm, Bến Tre) mở đầu phần tham luận của nông dân: “Trồng dừa nhiều lúc vinh quang nhưng cũng không ít khi gặp nhiều khó khăn”. Năm 2011, dừa bỗng nhiên tăng giá rất cao rồi sau đó không lâu lại rớt giá thê thảm đến bây giờ. “Khác với lần trước, lần này không có thương lái đến mua kéo dài 3-4 tháng, làm cho người trồng khốn đốn, gây thiệt hại rất lớn.
Đề nghị, cơ quan chức năng cần quy hoạch diện tích trồng bao nhiêu để cho sản lượng bao nhiêu là hợp lý. Về phía nông dân cũng cần xóa bỏ tư tưởng hẹp hòi bảo thủ để phải liên kết lại với nhau thành những vườn dừa mẫu lớn; liên kết “4 nhà” cho chặt chẽ hơn, bao tiêu sản phẩm, xóa bỏ trung gian, có như thế nông dân mới đỡ khổ” - ông Thưởng đề xuất.
Nông dân Võ Hồng Ngoãn (tỉnh Bạc Liêu) mang đến diễn đàn với nhiều bức xúc trong lĩnh vực nuôi thủy sản. Ông Ngoãn bày tỏ: “Nông dân vừa lo đầu vào giá cao, giá bán sản phẩm thấp, dịch bệnh hoành hành. Bên cạnh đó, nông dân nơm nớp lo thuốc, vật tư đầu vào kém chất lượng, hàng giả tràn lan có thể dẫn đến thiệt hại rất lớn.
Đã vậy, khi gặp rủi ro, thất bại, nguồn vốn cạn kiệt, nông dân rất khó tiếp cận vốn vay, nếu vay được cũng nhỏ giọt làm sao tái sản xuất. Làm sao siết đầu vào như vật tư, thuốc, thức ăn, con giống; tìm giải pháp ổn định đầu ra, có cơ chế cho nông dân vay vốn tái sản xuất thì nông dân mới có thể an tâm sản xuất”- ông Ngoãn gửi gắm qua diễn đàn.
Nông dân còn gặp nhiều khó khăn do giá cả đầu ra không ổn định. |
Còn ông Lê Văn Đông, nông dân trồng vú sữa ở ấp Long Trị, xã Bàn Long, huyện Châu Thành (Tiền Giang) thì tâm tư: “Nông dân làm quá cơ cực nhưng thị trường không ổn định, phải bán qua nhiều thương lái, không hưởng được giá đích thực do chính sản phẩm mình làm ra, thường bị thương lái ép giá. Ngoài ra, do đê bao làm theo kiểu chắp vá, vườn dễ bị lũ tràn gây thiệt hại; giao thông nông thôn chưa thuận lợi cho việc vận chuyển trái cây ngày càng tăng, phí vận chuyển cao”.
Ông đề xuất, cần quy hoạch vùng chuyên canh phù hợp đặc thù địa phương, có cơ chế tập hợp nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi làm đầu đàn để nông dân học hỏi lẫn nhau; quan tâm đến hệ thống đê bao cây ăn trái bền vững để nông dân an tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang cho rằng: Điệp khúc “được mùa rớt giá, được giá thất mùa” là quy luật cung cầu. Để giải quyết, hạn chế vấn đề này, từng tỉnh, thành phải có quy hoạch sản xuất một cách khoa học trên địa bàn; định hướng tốt cho nông dân sản xuất; tạo ra cơ chế hỗ trợ nông dân một cách cụ thể.
Nhà nước phải điều chỉnh, gắn kết “4 nhà” lại với nhau, hỗ trợ kỹ thuật; nhà khoa học nghiên cứu ra những giống chất lượng, năng suất tốt; doanh nghiệp bên cạnh hoạt động vì lợi nhuận nhưng phải có tinh thần hỗ trợ nông dân, có kế hoạch đầu tư, hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nông dân phải ra sức học tập nâng cao kiến thức, có tầm nhìn trong sản xuất.
Bà Nguyễn Hồng Lý cho biết thêm: “Tới đây Hội sẽ đề xuất những cơ chế hỗ trợ nông dân như vốn, đào tạo nghề cho nông dân...; đồng thời, bà khuyến cáo nông dân tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, liên kết “4 nhà” để tạo ra sản lượng lớn, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu…”
Ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng: Thu nhập nông dân hiện nay rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng 11%, nhiều hộ nghèo trong số đó là nông dân; đa số người dân làm nông nghiệp chưa qua đào tạo dẫn đến chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp rất khó khăn.
Tới đây, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng với các tỉnh, thành thực hiện tốt nghị quyết về tam nông, từ đó giúp nông dân chuyển đổi sản xuất, phát triển nông thôn, nâng cao đời sống người dân; thực hiện tốt việc xây dựng nông thôn mới; đề xuất sửa đổi một số cơ chế cho phù hợp.
Đề nghị các tỉnh, thành phải quan tâm tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, tập trung ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn; xóa đói giảm nghèo, mạnh dạn đổi mới sản xuất.
N.V-S.N