Thứ Bảy, 24/08/2013, 16:57 (GMT+7)
.

CPI tháng 8 tăng 0,83%

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 8 năm 2013 đã tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng tháng năm trước. Tính từ đầu năm, CPI đã tăng 3,53%.

Xét theo diễn biến giá cả từ đầu năm, con số 0,83% là khá cao, rất khác biệt so với sự dùng dằng của các tháng trước, đúng như nhận định của lãnh đạo Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) đưa ra trước đó.

Mức tăng 0,83% của CPI tháng 8 cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức tín dụng qua báo cáo của Vụ Dự báo và Thống kê tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (0,54%).

Ảnh: Vân Anh
Mức tăng 0,83% của CPI tháng 8 cao hơn nhiều so với dự báo. Ảnh: Vân Anh

Trong các tháng tới, một số nhân tố tăng giá đã được nhìn thấy trước như tăng học phí ở các tỉnh và thành phố, trong đó TP. Hồ Chí Minh dự kiến tăng 6 lần; ảnh hưởng của tăng giá điện ngày 1-8-2013 vừa qua (tác động trực tiếp của nó chưa được thể hiện trong CPI tháng 8)… nên những lo lắng trên không phải không có cơ sở.

Tuy nhiên, theo tham vấn từ một chuyên gia kinh tế từ Tổng cục Thống kê, do diễn biến giá 7 tháng đầu năm thấp nên mục tiêu lạm phát cả năm của Chính phủ vẫn đạt được. Vị chuyên gia này cũng lưu ý quán tính lạm phát của Việt Nam rất lớn nên cần điều tiết hợp lý việc tăng giá của các mặt hàng Nhà nước quản lý tránh gây ảnh hưởng đến lạm phát năm sau.

Trở lại với diễn biến giá cả trong tháng 8, mức tăng 0,83% của CPI cả nước phần nào đã được định hình khi CPI của TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được công bố trước đây vài ngày.

Là một trong hai thành phố có ảnh hưởng lớn đến CPI cả nước, mức tăng dịch vụ y tế 63,94% so với tháng trước của Hà Nội đã đẩy chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế cả nước tăng 4,11% và đóng góp 0,23% vào mức tăng chỉ số chung của cả nước.

Cũng giống như quý III-2012, trong cả nước, các quyết định tăng giá dịch vụ y tế và tăng học phí thường song hành. Tháng 8 bắt đầu vào năm học mới nên nhiều loại học phí ở một số tỉnh/ thành phố tăng theo quy luật hàng năm đã đẩy chỉ số giá nhóm giáo dục cả nước tăng 0,9% so với tháng trước.

Một tác động lớn đến CPI tháng này là giá xăng dầu. Tháng này, CPI lĩnh trọn các tác động trực tiếp của đợt tăng giá 17-7-2013 cùng một phần từ các đợt ngày 14-6-2013 và ngày 28-6-2013. Riêng đợt giảm giá xăng tối ngày 22-8-2013 chưa tác động đến CPI tháng này.  

Theo tính toán, các tác động của xăng dầu đã làm chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,11% đóng góp 0,1 điểm phần trăm trong mức tăng CPI chung cả nước.

Với các nhóm hàng còn lại, diễn biến giá cả nhẹ nhàng như tháng trước, ngoại trừ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có dấu hiệu tăng mạnh trở lại ở mức 0,54% so với tháng trước, trong đó lương thực tăng 0,7%, thực phẩm tăng 0,62% do ảnh hưởng từ các đợt mưa bão kéo dài vào chi phí vận chuyển tăng.

Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá là vàng và đô la Mỹ cùng tăng giá ở mức tăng 0,32% và 0,06% so với tháng trước.

(Theo vneconomy.vn)

.
.
.