Tái cấu trúc ngành Nông nghiệp: Không để hạt gạo bị “cắn làm 8”
Bài 1: Đừng bỏ lỡ cơ hội của trái thanh long
Bài 2: Tận dụng lợi thế xuất khẩu thủy sản
Câu hỏi đang được đặt ra là tái cấu trúc ngành sản xuất lúa gạo nên bắt đầu từ đâu, ai làm, làm như thế nào, nguồn lực từ đâu? Bởi sau hàng chục năm, sản xuất lúa gạo vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, người làm ra hạt gạo vẫn còn nghèo, hạt gạo vẫn bị “cắn làm 8”.
1. Tiền Giang là một trong những địa phương có lợi thế rất lớn về chế biến xuất khẩu gạo nhờ hội tụ được hệ thống nhà máy xay xát và lau bóng chế biến gạo xuất khẩu. Thống kê của Sở NN&PTNT gần đây, hệ thống kho chứa của doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh có sức chứa trên 150.000 tấn và 13 kho của các doanh nghiệp khác được cấp phép đủ điều kiện xuất khẩu gạo với sức chứa 77.000 tấn, đảm bảo đạt yêu cầu kỹ thuật chứa lúa, đáp ứng từ 50 - 60%/vụ.
Tiền Giang còn có 328 nhà máy xay xát có công suất 1.000 tấn lúa/giờ, trong đó có 126 nhà máy xát trắng, lau bóng gạo với tổng công suất trên 1.100 tấn gạo/giờ, đảm bảo xay xát, lau bóng lượng lúa trong và ngoài tỉnh. Gần đây, được sự khuyến khích của Nhà nước và có thị trường tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cải tiến thiết bị xay xát, trang bị hệ thống sấy lúa và máy lau bóng gạo đều đạt chất lượng cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu.
Chưa kể, Tiền Giang còn có đầu mối mua bán gạo rất lớn (Bà Đắc, Cái Bè). Đây là một trong những nơi có thể điều tiết về giá của thị trường lúa gạo không những tiêu thụ nội địa mà còn cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu
Vận chuyển gạo về nhà máy lau bóng để xuất khẩu. |
Theo khảo sát sơ bộ của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 16 doanh nghiệp cung ứng, xuất khẩu gạo và rất nhiều doanh nghiệp chỉ tham gia lau bóng và cung ứng gạo. Thế nhưng, thực tế cần phải nhìn nhận là hiện tại nguồn lực chế biến xuất khẩu gạo lại bị phân tán. Hầu như các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều bắt đầu từ gạo chứ không đầu tư trực tiếp từ hạt lúa.
Hiện tại đa số doanh nghiệp chế biến đều mua gạo từ các hàng xáo, với chất lượng hỗn tạp, mạnh ai nấy làm, đa số các doanh nghiệp làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Chỉ riêng có Công ty Lương thực Tiền Giang bắt đầu đầu tư sản xuất lúa và tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Thực trạng này dẫn đến chất lượng hạt gạo kém do bị pha trộn hỗn tạp nên rất khó cạnh tranh các nước.
Chưa kể hầu hết các doanh nghiệp đều chỉ thực hiện ở khâu lau bóng và cung ứng xuất khẩu hoặc xuất khẩu trực tiếp chứ không tạo ra những sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao. Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đầu tư dây chuyền công nghệ một cách đúng mức hơn nhằm khai thác được lợi thế hiện có.
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp là mắc xích quan trọng trong chuỗi đầu ra của xuất khẩu gạo trên trường quốc tế, nơi mà các cường quốc xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ “tung hoành” và có những bước đi trước Việt Nam trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia xuất khẩu gạo chuyên nghiệp.
Trong khi chúng ta vẫn đang luẩn quẩn tranh cãi với vai trò, cơ chế điều hành của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, của bộ, ngành. Những “hục hặc” giữa các thành viên giữ vai trò quyết định trong chuỗi sản xuất loại hàng hóa chiến lược này đã làm cho hạt gạo vừa chịu sự cạnh tranh sân nhà vừa “gồng mình” trước sự lấn lướt của các đối thủ.
2. Ở một khía cạnh khác, bên cạnh việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nông dân còn có thói quen trồng quá nhiều giống lúa và bán lúa qua nhiều thương lái. Còn thương lái đi mua lúa khắp nơi đem về bán cho các nhà máy xay xát. Các nhà máy lại cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu này có đủ nguồn gốc, đủ thứ giống lúa từ các địa phương nên gạo thành phẩm lẫn nhiều thứ khác nhau, không thể theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, vì trực tiếp bán cho thương lái.
Còn doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mua lại gạo thành phẩm hoặc gạo nguyên liệu về để lau bóng. Chất lượng gạo đầu vào không đồng nhất, không ổn định rất khó xây dựng thương hiệu. Trong chuỗi sản xuất như vậy, hạt gạo đã bị “cắn làm 8 khúc”. Ông Lê Thanh Khiêm thừa nhận thực trạng này và cho rằng một nền sản xuất nhỏ lẻ đã được duy trì quá lâu. Đó là mấu chốt dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Do vậy, cần có những chiến lược mang tính đột phá vào khâu sản xuất mới mong cải thiện được thực tế hiện nay.
Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương mới đây, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đưa ra một thực tế là từ nhiều năm nay, sản lượng gạo xuất khẩu không ngừng tăng nhưng giá trị không tăng tương ứng, người trồng lúa không thể giàu lên được. Một con số được các chuyên gia đưa ra không thể không quan tâm, nếu tính đủ 30% lợi nhuận cho người trồng lúa, mỗi năm mỗi nhân khẩu sản xuất lúa ở ĐBSCL có thể đạt mức lãi 3,8 triệu đồng/năm (khoảng 317.000 đồng/tháng), nghĩa là dưới cả ngưỡng nghèo (400.000 đồng/tháng).
Một con số khác, mỗi năm nước ta có 4 triệu ha trồng lúa, xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD (năm 2012 đạt 3,5 tỷ USD), thặng dư chỉ khoảng 1,5 tỷ USD. Trong khi đó, mỗi năm ngành chăn nuôi phải nhập khẩu 4 tỷ USD lúa mì, đậu nành, khô dầu đậu nành, bắp… để chế biến thức ăn gia súc.
Một so sánh của các chuyên gia cũng đáng lưu ý là trồng lúa hai vụ có thể thu về 60 triệu đồng/ha/năm, trồng cà phê, cao su có thể thu 100 triệu đồng/ha, trồng hoa có thể thu 250 triệu đồng/ha. Hiệu quả về kinh tế hơn thua đã thấy rõ.
Từ thực tế hiện nay, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp là một vấn đề đã và đang được đặt ra. Vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo đến nay không còn là lợi thế của nền nông nghiệp. An ninh lương thực rất quan trọng nhưng bên cạnh lúa gạo, các chuyên gia cho rằng phải phát triển nông nghiệp bằng các loại cây trồng khác, phá thế độc canh của cây lúa. Thay vì giữ 4 triệu ha trồng 3 vụ lúa, có thể luân canh trồng các loại cây thay thế khác.
Chia sẻ về quan điểm này, Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát cho rằng, gạo thế giới đang trong tình trạng mất cân đối, cung vượt cầu, nên nguy cơ thiệt hại quay lại đối với người sản xuất. Tức là sản lượng lương thực hiện nay bắt đầu có dấu hiệu dư thừa. Do đó, vấn đề còn lại đang đặt ra là có nên tiếp tục duy trì 3 vụ sản xuất lúa hay không; trong đó, vụ 2 là vụ có chi phí rất cao mà chất lượng lại kém và nguy cơ có giá bán thấp hơn nên khó đảm bảo hiệu quả cho người nông dân.
Có ý kiến cho rằng, Nhà nước nên cân đối lại sản xuất, những vùng không có lợi thế không nhất thiết phải làm 3 vụ lúa mà có thể hướng dẫn cho bà con luân canh một vụ màu nhằm tránh đi lượng lúa gạo hàng hóa dư thừa và góp phần cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu cho đất đai.
Đề án quy hoạch phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ NN&PTNT đã được Chính phủ phê duyệt cũng nhắm đến mục tiêu tăng nhanh diện tích trồng đậu nành luân canh, nhất là ở ĐBSCL. Ngoài ra, có thể mạnh dạn quy hoạch 1 hoặc 2 triệu ha đất trồng lúa chuyển sang trồng bắp, lúa mì, đậu nành, các loại cây dược liệu hoặc cây công nghiệp khác.
Nông nghiệp hiện vẫn đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Tái cấu trúc nông nghiệp là con đường tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp mạnh, hiện đại, trở thành chỗ dựa cho nền kinh tế phát triển bền vững. Nhưng để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, cần có những chính sách vĩ mô đầu tư đúng mức cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, để người nông dân một nắng hai sương có thể làm giàu trên mảnh đất của mình.
THẾ ANH