Gò Công Tây: Phát triển mô hình chăn nuôi bò
Ngành Chăn nuôi của huyện Gò Công Tây thời gian qua đã có bước phát triển khá mạnh, nếu năm 2010 chiếm 23,3% giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp thì năm 2014 con số này đã tăng lên 26,77%. Ngành Chăn nuôi đã giải quyết cơ bản nguồn thực phẩm (thịt, trứng, sữa) cho nhu cầu đời sống của nhân dân, góp phần chuyển đổi các phụ, phế phẩm của ngành trồng trọt thành thực phẩm có giá trị cao phục vụ đời sống con người; đồng thời góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Trong đó, mô hình chăn nuôi bò phát triển khá nhanh, nhất là bò sữa tăng trong năm 2014 và được xem là một trong những mô hình được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện chọn nuôi hiện nay.
Theo UBND huyện, giai đoạn 2010 - 2013 các loại vật nuôi chủ yếu đều có mức tăng, trong đó đàn bò tăng cao nhất, đạt 2,75%/năm (đàn heo tăng 2,58%/năm, đàn gia cầm tăng 2,44%/năm). 2 năm gần đây nghề nuôi bò sữa phát triển khá nhanh trên địa bàn huyện, do chất lượng giống được cải thiện và áp dụng kỹ thuật mới (chủ yếu là bò lai HF có nguồn gốc từ Mỹ, Israel) cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ đầu tư nuôi thêm và có chiều hướng tăng đàn trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, người nuôi đã tích cực sử dụng vắc xin để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, ý thức về việc bảo vệ môi trường, vệ sinh thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm nên việc chọn giống, kỹ thuật chuồng trại, nuôi dưỡng, chăm sóc và vệ sinh phòng bệnh được chú trọng.
Các giống bò năng suất thấp cũng dần được thay thế bằng các giống cao sản theo hướng chuyên thịt, sữa và tập trung nuôi ở các xã: Thạnh Nhựt, Bình Nhì, Đồng Thạnh... Vì vậy, từ năm 2009 đến nay đàn bò tăng bình quân 3%/năm.
Chăn nuôi nhỏ, lẻ tại các nông hộ đang có xu hướng giảm; chăn nuôi tập trung, quy mô nhỏ và vừa, sản xuất hàng hóa có xu hướng phát triển và đang có vai trò hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển chăn nuôi của huyện trong giai đoạn 2015 - 2020.
Theo điều tra thực tế của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, tính đến tháng 11-2014, tổng đàn bò trên địa bàn huyện khoảng 11.797 con; bò cái hướng sữa 520 con đang được khai thác sữa ở 70 hộ. Hiện nay trên toàn huyện có 2 điểm cung cấp nitơ, tinh bò và 15 dẫn tinh viên có chuyên môn về thú y, khuyến nông bảo đảm tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân.
Tìm hiểu về mô hình nuôi bò sữa của bà con nơi đây, chúng tôi đến nhà anh Đồng Thanh Trị (tên thường gọi Mười Trị), chủ cơ sở chăn nuôi bò khá lớn ở xã Thạnh Nhựt. Anh cho biết:
“Lúc đầu tôi chỉ nuôi 3 - 4 con bò. Sau đó, thấy nuôi bò sữa cho lợi nhuận cao và tạo được việc làm ổn định cho nông dân nên tôi vận động bà con nuôi bò và hỗ trợ mỗi hộ dân 1 con bò sữa tơ trị giá 25 triệu đồng không tính lãi; đồng thời hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, thức ăn và theo dõi quá trình sinh trưởng của bò. Tôi hỗ trợ trên 30 hộ dân, sau đó bà con thấy nuôi bò sữa cho hiệu quả kinh tế cao nên mỗi hộ vay tiền mua thêm 1 con. Đến nay, số bò đã tăng lên 90 con, mỗi ngày cung cấp cho thị trường gần 2 tấn sữa”.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều bà con vui mừng vì nghề nuôi bò sữa đã cải thiện thu nhập gia đình đáng kể, cuộc sống cũng sung túc hơn.
Hiện có khoảng 70 hộ dân trên địa bàn huyện nuôi bò khai thác sữa. Theo tính toán của nhiều bà con ở xã Thạnh Nhựt, nếu nuôi 1 con bò lấy sữa sau khi trừ chi phí, mỗi con bò cho lãi khoảng 4 triệu đồng/tháng, đa phần mỗi hộ nuôi 2 con trở lên, thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng, cuộc sống bà con rất thoải mái.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn những khó khăn nhất định. Theo chia sẻ của bà con chăn nuôi bò, hiện người nuôi bò, nhất là bò sữa còn lo lắng bởi đầu ra chưa ổn định do chưa có doanh nghiệp về huyện đầu tư trạm thu mua sữa.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT cho biết: Nhiều người dân trên địa bàn huyện đã cải thiện cuộc sống nhờ chăn nuôi bò nói chung và bò sữa nói riêng. Huyện cũng đã lập đề án quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi, trong đó rất chú trọng đến chăn nuôi bò sữa vì mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhiều người dân lựa chọn làm nghề thu nhập chính của gia đình.
Được biết, lãnh đạo huyện Gò Công Tây đang tập trung thực hiện Đề án quy hoạch phát triển chăn nuôi của huyện. Tin rằng, không bao lâu nữa những khó khăn sẽ được khắc phục, tạo đỉều kiện thuận lợi cho hộ nông dân chăn nuôi thành công, cũng là thúc đẩy phong trào chăn nuôi của huyện phát triển
bền vững.
HOÀI THU