Thứ Sáu, 26/02/2016, 14:04 (GMT+7)
.

Ông Lữ Bá Truyền: Chăm chút 7.000 giò lan trên sân nhà

Giữa nhịp sống đô thị Mỹ Tho rộn ràng, tấp nập, mỗi người tìm cho mình một nghề, một công việc phù hợp với khả năng và điều kiện, hoặc nối nghiệp gia đình để sinh sống; ông Lữ Bá Truyền (thường gọi là Tư Lý, khu phố 4, phường 9, TP. Mỹ Tho) đã đến với nghề trồng và mua bán lan qua việc thích chơi lan.

Ông Tư Lý cho biết: “Trước kia tôi chăn nuôi và làm ruộng. Sau khi đô thị hóa, ruộng lên vườn, chưa biết phải làm gì để có thu nhập, lần đó tình cờ  thấy lan đẹp, tôi mua về làm kiểng. Lan trổ bông lâu tàn nên tôi mua thêm 200 cây về treo trước sân chăm sóc cho tới lúc ra hoa, khách đến chơi nhà hỏi mua, tôi chia lại. Thấy có thể bán lan được nên tôi mua thêm 500 cây…”.

Ông Lữ Bá Truyền (tức Tư Lý, bên trái) và Nghệ nhân sinh vật cảnh Hoàng Minh Long bên cụm lan có giá trị 10 triệu đồng.
Ông Lữ Bá Truyền (tức Tư Lý, bên trái) và Nghệ nhân sinh vật cảnh Hoàng Minh Long bên cụm lan có giá trị 10 triệu đồng.

Ông Tư Lý mê vẻ đẹp của hoa lan nên chăm chút, yêu thương từng cái rễ, cành hoa. “Dấn thân” vào nghề này ông luôn tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật trồng lan cùng với kinh nghiệm thực tế nên vườn lan của ông phát triển không ngừng và dần dần có nhiều khách hàng ngoài tỉnh đặt mua.

Nói đến lan của ông Tư Lý hầu như người chơi lan ở trong và ngoài tỉnh đều biết đến với sự ngưỡng mộ. Ông Tư Lý nhập lan từ Đài Loan, Thái Lan, vì theo ông lan trong nước chất lượng không đạt nên hiệu quả kém.

Cũng theo ông Tư Lý, hiện nay lan được lai tạo liên tục nên chúng không còn tên riêng, mà chỉ đeo mã số và nhận dạng chúng theo dòng họ, ai thích hình dáng và màu sắc hoa gì thì chọn mua theo ý thích. Vốn đầu tư cho lan rất lớn nên ông không thuê người làm vì sợ họ lơ là trong chăm sóc làm giảm năng suất, mà cùng vợ tự chăm sóc, chiết con, tỉa cành…, khi tưới nước quan sát từng giò lan, theo dõi tình hình sức khỏe của lan.

Hiện nay ông đã có khoảng 7 ngàn giò lan các loại trên diện tích sân nhà 700 m2. Ông Tư Lý nhớ lại: “Cách nay khoảng 5 năm, anh Sang và anh Long tìm đến nhà tham quan sân lan của tôi và rủ tôi vào Câu lạc bộ (CLB) hoa lan.

Vào CLB tôi được sinh hoạt với anh em cùng sở thích, cùng nghề nên được chia sẻ nhiều về kinh nghiệm chăm sóc lan. Từ người trồng và mua bán lan, tôi đến với lan nghệ thuật và đã có một số giải thưởng trong và ngoài tỉnh như các cuộc thi mở rộng ở TP. Rạch Giá, TP. Phan Thiết, TP. Hồ Chí Minh…

Ngoài lan giò, ông Lý còn có những chậu lan ghép vào gốc cây cao khoảng 2 m, bán kính trên 1 m, những cụm lan này có giá từ 5 - 10 triệu đồng, nhiều người hỏi mua nhưng ông không bán mà để chưng cho khách xem và làm cảnh trong vườn lan của mình.

Ông Tư Lý phấn khởi cho hay: “Vợ chồng tôi đang bắt đầu phát triển thêm lan rừng, loài lan này thích ở trên cao nên làm dàn khung sắt ở tầng cao, trên lan đang trồng, vì vậy không tốn thêm mặt bằng, đã lên giàn trên 300 giò lan rừng…”.

Nghệ nhân hoa kiểng Hoàng Minh Long tiết lộ: “Tư Lý là một trong những người trồng lan có tiếng và uy tín của TP. Mỹ Tho, được nhiều người chơi lan trên toàn quốc biết đến và thị trường mua bán, trao đổi lan của ông Lý khá rộng…”.

Với mô hình phát triển nông nghiệp đô thị qua cách trồng lan ngay trên diện tích sân nhà và phát triển tốt kinh tế gia đình, nhiều năm nay ông Lữ Bá Truyền được bình chọn là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của TP. Mỹ Tho.

NGỌC LỆ

.
.
.