Lao động dồi dào: Lợi thế hay thách thức?
Bài 1: Đâu chỉ có lợi thế
Bài 2: Phát triển kinh tế không thể dàn đều
Bài 4: Hạ tầng đi trước một bước
Bài 5: Cải thiện môi trường kinh doanh không thể chung chung
Câu hỏi đang được đặt ra là với nguồn lao động tương đối dồi dào như hiện nay có phải là lợi thế trong chặng đường phát triển của tỉnh sắp tới hay không?
1. Trên bình diện tổng thể, ai cũng biết rằng Tiền Giang có nguồn lao động dồi dào (trên 1 triệu lao động trong độ tuổi), một bộ phận lao động có kỹ năng khá (khoảng 40% lao động đã qua đào tạo), tiếp cận với sản xuất hàng hóa, sẵn sàng đáp ứng cao nhất cho nhu cầu tại chỗ và có khả năng tham gia các chương trình hợp tác quốc tế về lao động với các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thực tế cũng cho thấy, ngoài các trung tâm nghiên cứu, đào tạo của Trung ương đóng trên địa bàn Tiền Giang, tỉnh hiện có Trường Đại học Tiền Giang, Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Cao đẳng Y tế, Trường Cao đẳng Nghề... đã đào tạo hàng chục ngàn sinh viên, công nhân kỹ thuật, lực lượng cán bộ quản lý, góp phần đáng kể trong quá trình phát triển của tỉnh và cho vùng phụ cận.
Chất lượng nguồn lao động thấp đang là rào cản lớn trong chặng đường phát triển sắp tới của tỉnh. |
Thế nhưng, trước bối cảnh phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng, dù nguồn lực lao động hiện có rất dồi dào, nhưng theo đánh giá một trong những hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX là đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả đào tạo nghề trong nông nghiệp, nông thôn còn thấp.
Đánh giá này được rút ra từ nền tảng thực tiễn và có nhiều nét tương đồng với kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ gần đây. Cụ thể, kết quả khảo sát của VCCI chi nhánh Cần Thơ vào cuối năm 2015 cho thấy, 100% doanh nghiệp (DN) phải tự đứng ra tuyển dụng lao động và rất ít sử dụng dịch vụ tuyển lao động do Nhà nước cung cấp.
Đánh giá về chất lượng lao động tại địa phương, DN cho biết chỉ đạt ở mức trung bình, trên 60% DN phải tự đào tạo lại cho phù hợp với yêu cầu của công việc. Điều này cũng phù hợp với báo cáo mới đây về chỉ số lao động của tỉnh, chỉ có 57% DN đồng ý với nhận định chất lượng giáo dục phổ thông tốt và rất tốt, 39% đánh giá chất lượng đào tạo nghề đạt yêu cầu.
Chất lượng nguồn lao động cũng được chính các DN đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh đánh giá. Chẳng hạn, với Công ty TNHH Eco Way Knitwear (ấp Phú Hòa, xã Phú Nhuận, TX. Cai Lậy) vừa được xây dựng trên diện tích hơn 12.000 m2, với tổng vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD, với công suất khoảng 2 triệu sản phẩm mỗi năm, nhu cầu sử dụng lao động rất lớn nhưng quá trình tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn, dù là lao động mang tính phổ thông là chính.
Trao đổi gần đây, ông Pactrick Ling, Giám đốc sản xuất cho biết, công ty đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5-2015, ngành nghề chính là dệt len, với nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.000 lao động. “Do 100% lao động khi tuyển dụng phải đào tạo lại nên việc tuyển dụng lao động theo nhu cầu của công ty thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn, hiện mới chỉ tuyển dụng được khoảng 1/3 số lượng lao động theo nhu cầu cần tuyển dụng”- ông Pactrick Ling cho biết.
Cầm tay chỉ việc là cách thức mà không ít DN thực hiện để có nguồn lao động kịp thời phục vụ nhu cầu sản xuất. Bà Võ Thị Mai Khanh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Royal Foods (Khu công nghiệp Mỹ Tho) cho rằng, dù các khâu sản xuất của công ty không đòi hỏi người lao động phải có tay nghề, kỹ thuật cao nhưng tất cả số lao động được công ty tuyển dụng đều phải qua đào tạo từ 1 tuần đến 1 tháng theo phương thức “cầm tay chỉ việc” mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.
“Hiện công ty có trên 600 lao động, trong đó lao động phổ thông chiếm khoảng 80%. Đối với lao động lành nghề, sau khi tuyển dụng, được công ty đào tạo lại kiến thức chuyên môn và tác phong làm việc trong một khoảng thời gian nhất định để phù hợp với môi trường làm việc mới. Phần lớn số lao động mới được tuyển dụng không có tay nghề”- bà Võ Thị Mai Khanh cho biết.
2. Thực trạng về chất lượng nguồn lực lao động trên địa bàn tỉnh cũng được thể hiện thông qua phân tích về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tiền Giang hàng năm. Theo kết quả đánh giá, liên tục những năm qua, chỉ số Đào tạo lao động trong 10 chỉ số thành phần để cấu thành PCI của Tiền Giang luôn ở nhóm thấp nhất và dường như không có nhiều thay đổi về điểm số.
Cụ thể, nếu như năm 2007 chỉ số Đào tạo lao động chỉ có 4,97 điểm, đứng hạng 10/10 chỉ số thành phần, năm 2008 là 4,63 điểm đứng hạng 9/10, năm 2009 là 5,34 đứng hạng 8/10, năm 2010 là 5,37 điểm đứng hạng 8/10, năm 2011 là 4,73 điểm đứng hạng 8/10, năm 2012 là 4,23 điểm đứng hạng 9/10, năm 2013 là 5,13 đứng thứ 9/10, năm 2014 là 4,67 điểm đứng thứ 8/10 và năm 2015 là 5,41 điểm đứng thứ 9/10.
Thực tế này phần nào đã chứng minh rằng, chỉ số Đào tạo lao động của tỉnh không thay đổi nhiều qua các năm và luôn nằm ở vị trí rất thấp trong cơ cấu 10 chỉ số thành phần của PCI Tiền Giang. Điều này cho thấy, dù có nguồn lao động dồi dào nhưng phần lớn chưa qua đào tạo đã trở thành một áp lực rất lớn trong quá trình phát triển, chứ chưa hẳn được xem là lợi thế của tỉnh.
Trong chặng đường phát triển tiếp theo chắc chắn nhu cầu sử dụng lao động còn rất lớn, nhất là khi tỉnh thực hiện chủ trương phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Theo dự báo của Sở Kế hoạch - Đầu tư, trong thời gian tới nhu cầu sử dụng lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp có xu hướng giảm, nếu như năm 2015 có gần 503.000 người, chiếm gần 53% tổng số lao động làm việc, đến năm 2020 tỷ trọng giảm xuống còn 47,5%.
Trong khi đó, dự kiến đến năm 2020 nhu cầu lao động cho các khu, cụm công nghiệp đạt khoảng 121.000 lao động. Do đó, khu vực 2 của tỉnh sẽ tiếp tục phát triển mạnh, thu hút một lượng lớn lao động từ nông, lâm, ngư nghiệp.
dự báo, đến năm 2020, tổng nhu cầu lao động cho phát triển khu vực 2 khoảng 212.000 người. Trong khi đó, nhu cầu lao động cho khu vực dịch vụ được dự báo sẽ tăng bình quân 6,52% cho giai đoạn 2016 - 2020. Chính nhu cầu sử dụng lao động tăng cao sẽ giúp cho tỷ lệ lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 dự báo chỉ còn 3,15%.
Từ thực tế về chất lượng nguồn lao động hiện hữu và nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, một trong những giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong thời gian tới là chuyển từ mục tiêu “số lượng việc làm” sang “chất lượng việc làm”; đồng thời điều chỉnh cơ cấu kinh tế hợp lý để khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên nguồn nhân lực (kể cả thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài); nâng cao chất lượng việc làm, tăng năng suất lao động, hiệu quả nền kinh tế.
Đối với chính sách thu hút đầu tư, tỉnh cần thực hiện giải pháp từng bước điều chỉnh giảm cơ cấu các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, thay thế bởi các ngành có hàm lượng vốn, công nghệ với giá trị gia tăng cao, nhằm tạo môi trường thu hút nhân lực có chuyên môn kỹ thuật người Tiền Giang về tỉnh làm việc; việc cấp phép đầu tư đối với các ngành sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là lao động trẻ, lao động nữ cần phải được cân nhắc ở quy mô hợp lý...
MINH THANH (Còn tiếp)
Tự đào tạo lao động trình độ cao Tại buổi lễ khánh thành dự án mở rộng công suất nhà máy bia, lãnh đạo Công ty TNHH VBL Tiền Giang đã giới thiệu với lãnh đạo tỉnh về quy trình sản xuất hiện đại vừa được công ty đầu tư mới. Điều đặc biệt được lãnh đạo công ty nhấn mạnh là đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, làm chủ công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại phần lớn là do chính công ty đào tạo. Đặc biệt, Công ty luôn tạo môi trường để cán bộ kỹ thuật phát huy sáng tạo, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ trẻ. Với việc đầu tư dự án mở rộng công suất nhà máy bia, nâng công suất từ 65 triệu lít bia/năm lên 150 triệu lít bia/năm, VBL Tiền Giang đã trở thành một trong những nhà máy bia hiện đại nhất Việt Nam và tiếp tục là đơn vị đứng đầu về đóng góp ngân sách Nhà nước trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Tiền Giang, với khoản nộp ngân sách năm 2015 lên đến 1.000 tỷ đồng. |