Vị thế Tiền Giang: Đâu chỉ có lợi thế
Bài 2: Phát triển kinh tế không thể dàn đều
Bài 3: Lao động dồi dào: Lợi thế hay thách thức?
Bài 4: Hạ tầng đi trước một bước
Bài 5: Cải thiện môi trường kinh doanh không thể chung chung
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) xác định mục tiêu trọng tâm trong lĩnh vực kinh tế trong những năm tới là huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường thu hút đầu tư...
Một trong những khâu đột phá trong những năm tới được tỉnh xác định là hình thành các cực tăng trưởng, vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh gắn kết với vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Song, câu hỏi đang được đặt ra: Đâu là lợi thế so sánh cũng như khó khăn, thách thức của Tiền Giang trong bức tranh kinh tế chung của toàn vùng?
TP. Mỹ Tho được chọn là đô thị hạt nhân của tỉnh. |
Phân tích về lợi thế so sánh, các chuyên gia đều có chung nhận định, Tiền Giang có vị thế là tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, lại nằm trong vùng KTTĐ phía Nam, đặc biệt chỉ cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 70 km.
Mặt khác, Tiền Giang ở gần đường hàng hải quốc tế - cách Vũng Tàu 40 km - có lợi thế để trở thành đầu mối khu vực Bắc ĐBSCL về giao lưu vận tải biển với cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Với lợi thế đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Tiền Giang có điều kiện hình thành các khu công nghiệp nhằm phát triển các loại hình công nghiệp phụ trợ cho vùng, nhất là khi các hành lang kinh tế phát triển mạnh. Tất nhiên, Tiền Giang còn có một số lợi thế so sánh khác như:
Nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất nước; có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng của các vùng sinh thái khác nhau và với ưu thế về hệ thống sông rạch, cù lao, bờ biển; có nguồn lao động dồi dào...
Song, trong bức tranh chung của toàn vùng, trong chặng đường sắp tới, nhất là khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Tiền Giang không chỉ có lợi thế so sánh mà còn có không ít khó khăn, hạn chế và cả thách thức.
Phân tích của các chuyên gia cho thấy, một trong những điểm đáng phải lưu tâm của tỉnh là tình trạng đất hẹp người đông, mật độ dân số cao (đứng ở nhóm đầu so với các tỉnh ĐBSCL), mức gia tăng dân số hàng năm còn khá lớn, trong khi xu thế giảm chậm là sức ép không nhỏ đối với nền kinh tế của tỉnh về khả năng tạo việc làm cho người lao động và khả năng tích lũy tái đầu tư cũng bị hạn chế.
Bởi thực tế cho thấy, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo của tỉnh còn ở mức tương đối cao (khoảng 60%), là một thách thức lớn trong việc thực hiện chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp và đô thị hóa nông thôn, cũng như chuyển dịch cơ cấu lao động.
Nằm giữa 2 trung tâm kinh tế lớn, phát triển năng động và mạnh mẽ là TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và trong vùng KTTĐ phía Nam là một cơ hội, lợi thế, song cũng là một thách thức lớn đối với Tiền Giang về cạnh tranh thu hút vốn đầu tư, chất xám và mở rộng thị trường nội địa cũng như quốc tế.
Điều này dẫn đến thực tế là thị trường tiêu thụ hàng hóa của tỉnh hiện cũng còn khó khăn, chưa được mở rộng. Thực tế cho thấy, nguồn vốn đầu tư của tỉnh còn mất cân đối lớn giữa nhu cầu và khả năng đầu tư từ tích lũy nội bộ nền kinh tế; môi trường đầu tư còn khó khăn, các dịch vụ hỗ trợ đầu tư và các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư có liên quan còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa tạo được quỹ đất nên chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Hiện tỉnh cũng còn thiếu các doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư đủ mạnh về tiềm lực tài chính, thị phần, uy tín, thương hiệu nhằm góp phần mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, làm đầu mối thu hút nguồn vốn đầu tư mới, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ.
Song song đó, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng mang tính quốc gia, vùng vừa là cơ hội cũng là thách thức đối với tỉnh. Nếu tỉnh không nắm bắt kịp thời, chậm khai thác các lợi thế sẽ tạo thách thức mới của tỉnh.
Một trong những khó khăn, thách thức không kém phần quan trọng trong chặng đường phát triển tiếp theo là tình trạng biến đổi khí hậu - nước biển dâng sẽ tác động mạnh đến vùng ĐBSCL nói chung, trong đó có Tiền Giang.
Đây được xem là một thách thức lớn cần được quan tâm trong định hướng phát triển, nhất là ảnh hưởng đến khả năng cấp thoát nước của hệ thống thủy lợi, gia tăng mức độ ngập lụt nội đồng, uy hiếp sự an toàn của hệ thống đê bao, mặn xâm nhập sâu, suy giảm khả năng cấp nước ngọt.
Cơn hạn, mặn mang tính lịch sử năm 2016 đã và đang diễn ra ảnh hưởng đến hàng ngàn ha diện tích sản xuất nông nghiệp, tác động trực tiếp đến nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh đã phản ánh đúng phần nào về kịch bản của biến đổi khí hậu - nước biển dâng.
Trước những cơ hội và hạn chế, thách thức đan xen, trong chặng đường phát triển tiếp theo, một trong những giải pháp quan trọng được UBND tỉnh đưa ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành.
Song song đó, tỉnh sẽ triển khai thực hiện 5 điểm đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội là: Hình thành các cực tăng trưởng, vùng trọng điểm; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và từng bước hiện đại ở cả đô thị và nông thôn; tập trung đầu tư để hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực trong những ngành và lĩnh vực có lợi thế so sánh;
Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị trung tâm, đô thị ngoại vi cũng như các điểm dân cư nông thôn nhằm tạo ra một bức tranh phân bố dân cư mới và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với 3 điểm đột phá chiến lược của cả nước...
MINH THANH (Còn tiếp)
Kinh tế phát triển nhưng chưa ổn định
Một trong những hạn chế, khuyết điểm đã được tỉnh chỉ ra khi đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX là kinh tế phát triển nhưng chưa ổn định, còn nhiều yếu tố thiếu bền vững.
Chưa tận dụng và phát huy lợi thế của tỉnh để phát triển, nhất là tạo mối liên kết giữa Tiền Giang với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và vùng KTTĐ phía Nam cũng như TP. Hồ Chí Minh. Việc triển khai chủ trương về 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, chưa tạo chuyển biến rõ nét.
Quy mô kinh tế còn nhỏ, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Lĩnh vực nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, còn lúng túng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, việc áp dụng công nghệ sinh học và công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế...
Đóng góp vào tăng trưởng vùng KTTĐ phía Nam còn khiêm tốn
Theo báo cáo do Sở KH-ĐT thực hiện, quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng qua các năm, tuy nhiên đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của vùng KTTĐ phía Nam lại có xu hướng giảm và không ổn định. Nếu như năm 2000 Tiền Giang chiếm 4,4%, giảm xuống còn 3,2% năm 2005 và đến năm 2010 tăng lên 3,5%.
Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Tiền Giang là tỉnh thu hút các dự án FDI và nguồn vốn này thấp nhất trong vùng KTTĐ phía Nam. Tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 80 dự án, với vốn đăng ký 1.500 triệu USD, chiếm tỷ trọng khoảng 1% số dự án và vốn.
Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, so với bình quân chung của vùng KTTĐ phía Nam, Tiền Giang có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Bình Phước. Nếu như năm 2001, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh chỉ bằng 0,39 lần của vùng KTTĐ phía Nam, đến năm 2010 đã tăng lên 0,44 lần.
Hình thành 3 vùng kinh tế
Theo chủ trương chung, tới đây trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành 3 vùng kinh tế. Vùng kinh tế - đô thị trung tâm (TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành) sẽ tiếp tục đầu tư phát triển toàn diện, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng để TP. Mỹ Tho xứng tầm với đô thị trung tâm; đặc biệt tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông - thủy sản, thương mại - dịch vụ, du lịch sinh thái, phát triển nông nghiệp đô thị.
Vùng kinh tế - đô thị phía Đông (TX. Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Tân Phú Đông và huyện Gò Công Tây) sẽ chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí, dịch vụ cảng, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái biển, bảo tồn rừng ngập mặn.
Vùng kinh tế - đô thị phía Tây (TX. Cai Lậy, huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè và huyện Tân Phước) sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại - dịch vụ chợ đầu mối nông sản, khai thác du lịch sinh thái miệt vườn...