Dự án nước "sạch" - cơ hội phát triển Tân Phú Đông
Sau hơn 78 ngày thi công Dự án Cấp nước cho huyện Tân Phú Đông, dòng nước BOO Đồng Tâm đã về đến huyện cù lao. Dự án đưa vào vận hành khai thác không chỉ giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt cho người dân mà còn góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
“Hôm nay, chúng tôi phấn khởi lắm. Từ bây giờ, người dân huyện cù lao đã có nước ngọt chất lượng. Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ một ngày nào đó ở cù lao này cũng có thể sử dụng nước chất lượng như ở thành phố, thị xã, thị trấn. Điều không bao giờ dám nghĩ đó bây giờ đã trở thành hiện thực” - chú Hồ Văn Hoàng, ấp Tân Xuân, xã Tân Phú bày tỏ như vậy trong ngày đầu huyện Tân Phú Đông tiếp nhận dòng nước từ Nhà máy nước BOO Đồng Tâm.
Chú Hoàng cho biết thêm, ở huyện cù lao ven biển, hàng năm đều bị mặn xâm nhập dẫn đến thiếu nước ngọt rất gay gắt trong nhiều tháng liền do các ao trữ nước mặt không đủ cung cấp cho ngươi dân đến hết mùa khô. Đó là chưa nói đến nước máy nơi đây cũng rất dễ bị nhiễm mặn. Từ giờ, tình trạng thiếu nước ngọt sẽ không còn xảy ra nữa nên bà con ai nấy cũng vui mừng.
Người dân Tân Phú Đông vui mừng đón nhận nguồn nước BOO Đồng Tâm. |
Còn ông Hồ Việt Thế, nhà gần bên thì chia sẻ: “Cách nay 3 tháng, tôi có nghe nói tỉnh cho thực hiện dự án kéo ống nước từ Quốc lộ 50 về huyện Tân Phú Đông nhưng nghĩ chắc lâu lắm mới xong. Tôi không nghĩ dự án làm nhanh đến như vậy”.
Rồi ông bộc bạch, đã 60 năm sống ở cù lao này, hôm nay tôi mới thực sự an tâm về nguồn nước sinh hoạt. Cách nay 10 năm, cù lao được đầu tư các trạm và mạng lưới cấp nước nông thôn. Dù các trạm chỉ có ao trữ nước mặt nên chất lượng nước không tốt lắm (dễ nhiễm mặn), nguồn nước không đảm bảo vào mùa khô nhưng người dân ở đây ai cũng nghĩ, cù lao có nguồn nước như thế là quý lắm rồi, không mong gì hơn.
“Ấy vậy mà giờ đây, nơi đây có được nguồn nước “sạch” từ BOO Đồng Tâm (nguồn nước lấy từ xã Bình Đức, huyện Châu Thành). Có mơ người dân cù lao cũng không nghĩ đến” - ông Thế tâm sự.
Hàng năm, Tân Phú Đông luôn là tâm điểm thiếu nước sinh hoạt vào các tháng mùa khô do các ao trữ bị cạn. Nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vào mùa khô, tỉnh đã cho chở nước bằng sà lan về bổ cấp cho các ao trữ để cấp cho dân. Thế nhưng, đó chỉ là giải pháp tình thế.
Trước tình hình mùa khô và xâm nhập mặn ngày càng phức tạp theo hướng kéo dài do biến đổi khí hậu, để giải quyết căn cơ tình hình thiếu nước sinh hoạt ở huyện Tân Phú Đông, vừa qua tỉnh đã cho tiến hành Dự án Cấp nước cho huyện Tân Phú Đông với nguồn vốn đầu tư khoảng 68 tỷ đồng.
Theo đó, dự án tiến hành xây dựng, lắp đặt tuyến ống HDPE chuyển tải nước “sạch” từ Nhà máy nước BOO Đồng Tâm cung cấp cho người dân huyện Tân Phú Đông với chiều dài trên 10,6 km đi qua 3 xã thuộc huyện Gò Công Tây, qua sông Cửa Tiểu và đấu nối với mạng lưới cấp nước hiện hữu ở huyện. Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác.
Ông Huỳnh Công Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, cho biết công trình có quy mô lớn, tính chất phức tạp, lại thi công trong thời gian ngắn nhằm giải quyết sớm nhu cầu nước “sạch” cho người dân cù lao là áp lực rất lớn đối với công ty.
Tuy nhiên, để đáp lại sự mong mỏi của người dân huyện cù lao, công ty đã rất nỗ lực thực hiện, đến nay dự án đã hoàn thành đảm bảo tiến độ và đi vào vận hành, khai thác với công suất chuyển tải nước 11.000 m3/ngày đêm, phục vụ cho khoảng 110.000 dân.
Hiện tại, huyện Tân Phú Đông có khoảng 45.000 dân nên công suất còn lại phục vụ cho sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện. Có thể khẳng định, dự án giải quyết căn cơ những khó khăn về nguồn nước ngọt mùa khô hàng năm của huyện.
Trong niềm vui đón nhận những dòng nước “sạch” BOO Đồng Tâm đầu tiên về huyện, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông bộc bạch: “Có nước BOO Đồng Tâm, người dân trong huyện không còn phải lo thiếu nước sinh hoạt nữa.
Nguồn nước này không chỉ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân mà còn phục vụ cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội cho huyện cù lao. Trong đó, trước mắt là nguồn nước này kéo về Cồn Ngang để phát triển du lịch sinh thái.
Để sử dụng hiệu quả nguồn nước BOO Đồng Tâm, ông Khánh cho biết, huyện đang cùng với công ty cấp nước rà soát lại toàn bộ mạng lưới cấp nước, các hộ sử dụng nước, các tuyến ống nước cần cải tạo, thay thế hay đầu tư mới. Trên cơ sở nhu cầu về nước của người dân ở những khu vực tập trung, huyện đang đề xuất các cấp, ngành, đơn vị liên quan kéo 50 tuyến ống nước phục vụ cho người dân những khu vực này.
Nói về Dự án Cấp nước cho huyện Tân Phú Đông sau khi hoàn thành, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, công trình không chỉ giải quyết vấn đề thiếu nước “sạch”, không chỉ có ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tân Phú Đông mà còn có ý nghĩa chính trị rất lớn.
Để phát huy hiệu quả công trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu 2 công ty cấp nước phối hợp cùng với huyện tiến hành đầu tư đồng bộ hệ thống tiếp nhận; nối dài mạng lưới cấp nước đến tận thôn, xóm. “Người dân Tân Phú Đông giờ đây không còn lo thiếu nước ngọt.
Từ đó, người dân có điều kiện phát triển kinh tế, huyện có điều kiện phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng của mình để sớm đưa huyện thoát nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nói.
NGÔ PHÚ ĐÔNG