Tiền Giang chuẩn bị "khung" đón "sóng" đầu tư
Bài 1: Thu hút đầu tư bật sang trang mới!
Bài 2: Giải pháp đã thật sự quyết liệt!
Bài cuối: Chuẩn bị "khung" đón "sóng" đầu tư
Những kết quả thu hút đầu tư, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ từ đầu năm - cũng là đầu nhiệm kỳ đến nay đã khá rõ. Mọi công việc cần làm cũng đã được làm và làm rất tốt. Công việc sắp tới thiết nghĩ chỉ cần ở mức nâng tầm, nhuần nhuyễn hơn những việc đã và đang làm...
Trước hết về chỉ đạo hành chính
Như đã trình bày ở các nội dung trên, tinh thần khởi nghiệp doanh nghiệp (DN), môi trường đầu tư, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) trong một số cơ quan hành chính của tỉnh liên quan hoạt động DN đã có chuyển biến khá rõ.
Vấn đề là cần “nâng” hơn nữa ở một tầm bao quát, tạo sự đồng bộ, nhất quán xuyên suốt trong cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ nên chăng cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất ban hành văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy (có thể là nghị quyết hoặc chỉ thị...) về phát triển DN nhằm khẳng định quan điểm, chủ trương toàn diện, nhất quán, lâu dài của tỉnh trong thực hiện mục tiêu hỗ trợ phát triển DN, là “kim chỉ nam” cho hoạt động thực thi công vụ của CB-CC-VC từ cấp lãnh đạo đến cấp thừa hành từ tỉnh đến cơ sở.
Từ văn bản lãnh đạo toàn diện này gắn với xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án Phát triển DN, chúng ta không lạc quan tếu khi tin rằng, năng lực cạnh tranh của tỉnh sẽ sớm trở lại tốp cao trong vùng và tốp khá trong cả nước!
Nếu hoàn thành nhanh việc chuyển giao nguyên trạng KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp về tỉnh quản lý, sử dụng thì tỉnh sẽ có hàng trăm ha đất sạch đón đầu luồng đầu tư mới. Ảnh: Nguyễn Sự |
Bên cạnh phần việc chủ động về phía tỉnh, thiết nghĩ cũng cần tiếp tục rà soát những nội dung, vấn đề liên quan đến các quy định Trung ương mà trong thực tế hiện nay, việc vận hành cũng có điểm vẫn còn bất cập, ví dụ như Luật Đầu tư năm 2014 và Luật DN năm 2014 được ban hành đã tạo nhiều thuận lợi cho DN, tuy nhiên, trong đó cũng còn có điểm DN còn băn khoăn như đối với doanh nghiệp FDI quy định phải thực hiện 2 thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký DN tại 2 cơ quan đăng ký đầu tư và đăng ký DN nên phần nào cũng hơi phiền cho nhà đầu tư; hay việc cấp phép hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, nếu theo Luật Đầu tư thì không phải xin ý kiến thẩm tra của các bộ, ngành đối với DN FDI thực hiện các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, theo Nghị định 23/2007/NĐ-CP ngày 12-2-2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại thì đối với hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của DN FDI phải được sự chấp thuận của Bộ Công thương trước khi cơ quan đăng ký đầu tư cấp phép, chưa kể trong trường hợp hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán hàng hóa có một số mã HS thuộc quản lý của bộ, ngành liên quan thì lẽ ra Bộ Công thương lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, tổng hợp và có văn bản phúc đáp cho cơ quan đăng ký đầu tư nhưng trong thực tế thì việc này lại “khoán” cho cơ quan đăng ký đầu tư phải lấy ý kiến bộ, ngành liên quan, khiến vận hành văn bản hành chính có khi cũng còn lòng vòng... Đây là những vấn đề thiết nghĩ cũng cần nghiên cứu tháo gỡ.
Vấn đề “đất sạch” cho nhà đầu tư
Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh thì hiện tại KCN Long Giang chỉ còn khoảng 50 ha đất để cho thuê và dự kiến đến cuối năm 2016 là... hết đất cho thuê; còn tỷ lệ lấp đầy 4 cụm công nghiệp (CCN) trong tỉnh cũng đã đạt 95,4% diện tích đất công nghiệp, xem như cũng chuẩn bị... hết đất cho thuê.
Như vậy, nếu luồng đầu tư vào tỉnh mà “tăng tốc” trong thời gian tới thì... cũng khá vất vả - không chỉ đối với nhà đầu tư mà còn là đối với tỉnh với câu hỏi về mặt bằng và “đất sạch”! Để giải quyết bài toán này theo suy nghĩ ban đầu, xin đề xuất:
Một là, rà soát quỹ đất công, kể cả các khoảnh đất công - tư xen kẽ có vị trí tốt phù hợp quy hoạch phát triển đô thị, công nghiệp - dịch vụ để đưa vào danh mục mời gọi đầu tư (kèm sơ đồ vị trí, diện tích...). Tuy nhiên, giải pháp này để đủ sức hấp dẫn thì cũng còn liên quan nhiều yếu tố, như: Vấn đề đấu giá đất công (nếu hoàn toàn là đất công), ngoài ra việc tính toán giá đất tại thời điểm nhà đầu tư đến tìm hiểu nếu là đất xen kẽ công - tư (để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư tính toán hiệu quả dự án) cũng không phải là dễ dàng...
Hai là, tạo lập quỹ đất sạch thông qua việc làm sao để có thêm (hoặc mở rộng) các KCN, CCN . Tuy nhiên, việc thành lập mới KCN thì hiện thời chưa làm được, bởi theo lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh thì do vướng quy định tỷ lệ lấp đầy diện tích thuê đất trong các KCN theo quy định tại Nghị định 164/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Vấn đề này thiết nghĩ cũng nên nghiên cứu tình hình chung của các tỉnh, thành bạn trong vùng, tranh thủ ý kiến Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để cùng đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét kiến nghị với Chính phủ.
Trước mắt, để giải quyết bài toán đất sạch phục vụ mục tiêu thu hút đầu tư, trong thẩm quyền của tỉnh, được biết, tỉnh đã có chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng 2 CCN ở huyện Gò Công Đông, trong đó hiện đã tiến hành các bước thủ tục triển khai CCN Gia Thuận 1;
Đồng thời các ngành tỉnh cũng đang tập trung thực hiện các thủ tục để nhận chuyển giao nguyên trạng KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp về tỉnh quản lý, sử dụng. Nếu hoàn thành nhanh 2 công việc này thì sắp tới tỉnh sẽ có hàng trăm ha đất sạch đón đầu luồng đầu tư mới.
Ngoài ra, việc tạo quỹ đất (theo suy nghĩ cá nhân người viết) cũng có thể tiến hành thông qua việc đầu tư phát triển các tuyến giao thông hoặc các dự án dân cư trọng điểm, ví dụ như nghiên cứu đầu tư đường giao thông có tính liên kết không gian vùng (không theo địa giới hành chính) và nên ưu tiên kết nối các vùng đô thị, tuyến cao tốc, hướng tới nối tuyến qua tỉnh bạn lân cận..., từ đó chính vị trí đất liên quan dự án (2 bên đường) sẽ là một “nguồn lực mới” nếu chúng ta chủ động được trong tính toán ngay từ đầu...
... và tiếp tục làm tốt các công việc đã làm
Các giải pháp trong thực tế đã chứng minh hiệu quả trong cải thiện môi trường đầu tư như lãnh đạo tỉnh thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với DN, phát huy vai trò Hiệp hội DN tỉnh, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong quan tâm hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất... cần được tiếp tục phát huy, tổ chức ngày càng đi vào nền nếp, tạo thành nếp nghĩ, cách làm hàng ngày của CB-CC-VC, phải thật tâm xác định lấy phục vụ là chính, xóa hẳn suy nghĩ “xin - cho”, lãnh đạo cơ quan, đơn vị lấy sự hài lòng của nhà đầu tư, DN làm một trong những thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của CB-CC-VC. Có như vậy thì sự chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở mới thật sự trở nên nhất quán, không để xảy ra tình trạng như một số địa phương tỉnh bạn đã từng nói vui “trên trải thảm, dưới... rải chông”!
Đồng thời, một số công việc thiết nghĩ cũng cần được tiếp tục quan tâm như việc nghiên cứu thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp tỉnh và thành lập Quỹ Khởi nghiệp tỉnh; vấn đề đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào các KCN, CCN; việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các KCN, CCN, chú ý cả địa bàn ở “tầm” CCN có nước thải phát sinh lớn (như CCN Tân Mỹ Chánh...); giải quyết vấn đề an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các KCN, CCN và đặc biệt là xây dựng dữ liệu thông tin “thật sự bổ ích và hấp dẫn” với DN: Danh mục dự án mời gọi đầu tư phải rõ ràng về địa điểm, sẵn sàng về đất đai (kể cả giá đất...), đầy đủ thông tin về quy hoạch, chính xác về diện tích, có họa đồ khu đất, quy định về các ưu đãi đầu tư liên quan; thành lập Trung tâm Tư vấn phát triển và Hỗ trợ DN; nghiên cứu thiết lập các “đường dây nóng” đến cơ quan, đơn vị và thậm chí đến tận người có trách nhiệm, đủ thẩm quyền...
PHÙNG QUỐC ANH