"Bộ GTVT chưa nhận được văn bản BOT cầu Mỹ Lợi xin tăng phí"
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật, sau khi báo DĐDN đăng bài viết: “Nhà đầu tư BOT đòi tăng phí, địa phương không hay”.
Dự án cầu Mỹ Lợi, do liên danh Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 thực hiện theo hình thức Hợp đồng xây dựng – kinh doanh - chuyển giao (BOT) với Tổng mức đầu tư là 1.438 tỷ 952 triệu đồng, trong đó tổng vốn đầu tư BOT là 1.312 tỷ 971 triệu đồng, còn lại là vốn ngân sách Nhà nước.
Trạm thu phí BOT cầu Mỹ Lợi |
Nhà đầu tư xin tăng phí
Dự án BOT cầu Mỹ Lợi trên tuyến QL50 nối huyện Cần Đước thuộc tỉnh Long An với thị xã Gò Công thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang. Cầu được khởi công vào ngày 25/1/2014, hoàn thành ngày 2/9/2015 và chính thức thu phí hoàn vốn từ ngày 1/11/2015.
Tuy nhiên, theo nhà đầu tư, hiện nay doanh thu của dự án chỉ đạt 60% so với phương án tài chính ban đầu, dẫn đến thua lỗ.
Theo ông Vũ Ngọc Tài, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bê Tông 620 Long An (nhà đầu tư dự án) lý giải về nguyên nhân thua lỗ trên bởi, lưu lượng xe lưu thông thực tế thấp hơn nhiều so với dự báo do các khu công nghiệp trên địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Long An chưa hoàn thành, dự án mở rộng QL 50 chậm tiến độ.
Ngoài ra, Công ty TNHH Đầu tư cầu Mỹ Lợi đang phải bù lỗ cho phần lãi vay ngân hàng kể từ thời điểm nghiệm thu hoàn thành công trình đến ngày 30/6/2018 với số tiền lũy kế sau gần 4 năm là 186 tỷ đồng. Điều này khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn về tài chính trong quá trình vận hành thu phí, hoàn vốn.
Nhà đầu tư xin tăng phí có phù hợp
Trước thông tin Công ty TNHH Đầu tư cầu Mỹ Lợi gửi văn bản tới Bộ GT-VT xin điều chỉnh tăng phí dự án BOT cầu Mỹ Lợi, Chủ tịch hội đồng thành viên, Công ty luật Basico, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc xin điều chỉnh tăng phí là không hợp lý, bởi khi tham gia đầu tư dự án BOT nhà đầu tư đã tính toán kỹ. Đồng thời phần vốn góp tham gia chỉ 10 – 15%. “Đã đầu tư cần xác định và chấp nhận một là lỗ hai lãi, chứ cứ lỗ là xin điều chỉnh tăng phí để lãi thì nhà đầu tư nào cũng muốn đầu tư vào BOT. Còn nếu đầu tư BOT chỉ có lãi không chịu lỗ thì Nhà nước vay vốn ngân hàng đầu tư rồi người dân đóng phí trả chứ cần gì đến BOT làm gì nữa” - Luật sư Đức khẳng định.
Cũng theo Luật sư Đức, việc tăng phí dự án BOT chỉ được xem xét chấp nhận khi dự án rơi vào trường hợp bất khả kháng do thiên tai, động đất làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án cũng như quá trình thu phí hoàn vốn.
Ở khía cạnh khác, nếu căn cứ khoản 5, Điều 50, Hợp đồng BOT Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Mỹ Lợi thì doanh nghiệp Dự án được phép đề nghị điều chỉnh tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ 3 năm 1 lần (từ ngày 13/11/2015 đến ngày 13/11/2018), mỗi lần tăng 18% tại trạm thu phí cầu Mỹ Lợi.
Tuy nhiên, theo Vụ Đối tác công tư (PPP– Bộ GTVT), giữa năm 2017, thời gian thu phí của dự án BOT Mỹ Lợi phải điều chỉnh kéo dài lên 44 năm 6 tháng, tăng thêm 16 năm 2 tháng do lưu lượng xe thực tế và doanh thu thu phí thấp hơn nhiều so với phương án tài chính. Như vậy, việc nhà đầu tư dự án BOT Mỹ Lợi đã được kéo dài thời gian thu phí, giờ lại xin Bộ GT-VT tăng phí có hợp lý?
(Theo enternews.vn)