Tiền Giang đang chuyển mình vì môi trường đầu tư năng động
Các đại biểu, nhà đầu tư, doanh nghiệp, cũng như các tổ chức quốc tế đều ghi nhận sự chuyển mình của Tiền Giang trong thời gian qua và nhận định còn nhiều dư địa để phát triển cho chặng đường tiếp theo.
Lãnh đạo tỉnh trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp. |
CẦN ĐI ĐẦU TRONG ĐỔI MỚI
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh kết quả của Hội nghị Xúc tiến đầu tư (XTĐT) tỉnh Tiền Giang năm 2018. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tỉnh Tiền Giang đã chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm, kỹ càng danh mục các dự án đầu tư và các dự án sẽ được triển khai trong nay mai. Bên cạnh đó, cũng có hàng ngàn tỷ đồng của các dự án tỉnh chuẩn bị mời gọi đầu tư trong thời gian tới và khoảng 50 tỷ đồng đầu tư cho công tác an sinh xã hội.
Theo Thủ tướng Chính phủ, chúng ta cần xác định sự phát triển của Tiền Giang sẽ là xung lực quan trọng của “đoàn tàu” kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, bài toán đặt ra là Tiền Giang phải đi đầu trong đổi mới thì khu vực ĐBSCL mới có thêm những động năng cho sự phát triển, để vượt lên những thách thức của biến đổi khí hậu, hạn, mặn… Bởi thực tế, Tiền Giang có nhiều thuận lợi về yếu tố đầu vào, đặc biệt là nguyên liệu trong chế biến và việc tiếp cận nguồn lao động; đối với doanh nghiệp thì chi phí tuyển dụng lao động thấp, người lao động siêng năng.
Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa, Tiền Giang hội đủ các yếu tố để trở thành “siêu vệ tinh” của TP. Hồ Chí Minh nếu chúng ta có tầm nhìn, hiện thực hóa tầm nhìn và phát triển một cách hiệu quả.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thời gian qua Tiền Giang có nhiều cố gắng thúc đẩy phát triển như: Cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), có chủ trương phát triển liên kết sản xuất - tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực của tỉnh…
Song, Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh cần tích cực hơn nữa trong giải quyết các “điểm nghẽn” trong phát triển, những “nút thắt” cho các nhà đầu tư. Tiền Giang cũng cần tăng cường giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sẵn có cho nhà đầu tư, giải quyết tốt công tác quy hoạch, tổ chức thực hiện linh hoạt và hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục đối thoại với người dân nhiều hơn để giải quyết những vướng mắc, tồn tại, khiếu nại trong giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Tiền Giang cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi, nhất là trong điều kiện Chính phủ ban hành Nghị quyết 57 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh Tiền Giang cũng cần tiếp tục giải quyết các thủ tục hành chính rườm rà làm tăng chí phí, mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; cần tiếp tục đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng kỹ năng yêu cầu, giảm chi phí tuyển dụng và tái đào tạo nguồn lao động.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các doanh nghiệp không nên chậm trễ thực hiện những dự án, kế hoạch đầu tư vào Tiền Giang. Bởi chúng ta đều nhìn thấy, Tiền Giang đang quyết tâm chuyển mình theo hướng năng động chung của cả nước.
Đại diện các ngân hàng cam kết các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. |
VÌ MỘT MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ NĂNG ĐỘNG
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, Tiền Giang nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước, với điều kiện tự nhiên thích hợp cho các vùng sinh thái khác nhau, trải dài từ Tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến vùng phía Đông của tỉnh, rất thuận tiện cho phát triển nông nghiệp toàn diện, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng như: Lúa, sầu riêng, thanh long, bưởi, thủy sản các loại…
Trên thực tế, quỹ đất phát triển phi nông nghiệp của Tiền Giang cũng còn khá lớn. Đến thời điểm hiện nay, ngoài Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Tho, KCN Tân Hương có tỷ lệ lấp đầy 100%, các KCN hiện hữu còn quỹ đất cho phát triển công nghiệp như: KCN Long Giang, KCN Soài Rạp và các cụm công nghiệp.
Theo quy hoạch, thời gian tới Tiền Giang tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát triển các KCN: Tân Phước 1, Tân Phước 2, Bình Đông và các cụm công nghiệp: Hậu Thành, Mỹ Phước Tây, Thạnh Tân, Tân Lý Đông, Long Bình, Vĩnh Hựu, Phú Đông, Mỹ Lợi, Bình Ninh.
Chưa kể, hệ thống hạ tầng như kết nối giao thông, cấp điện, cấp nước của Tiền Giang được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, tăng khả năng liên kết trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện hình thành các cụm liên kết ngành, chuỗi liên kết sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang đang cùng với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chuẩn bị Dự án Khu công viên phần mềm MêKông; đồng thời, cũng liên kết với VNPT để định hướng xây dựng thành phố thông minh (smartcity) nhằm tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư năng động, thông minh cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chia sẻ với các nhà đầu tư cũng như cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cho biết, rút kinh nghiệm ở những lần XTĐT trước, danh mục các dự án đầu tư tại Hội nghị XTĐT tỉnh Tiền Giang lần này được lựa chọn, xem xét kỹ nhằm đảm bảo tính hiệu quả, khả thi, nhất là mặt bằng đất đai, hạ tầng kết nối. Điểm khác biệt là trong từng dự án đều được cung cấp thông tin ưu đãi đầu tư cụ thể, giá đất tạm tính để cho nhà đầu tư tìm hiểu, tính toán để khi quyết định đầu tư có thể triển khai thực hiện dự án với tính khả thi cao nhất.
“Hội nghị lần này cũng được lãnh đạo cao nhất của ngành Ngân hàng trao tượng trưng cam kết tín dụng cho một số dự án đầu tư nhằm thể hiện sự gắn kết chặt chẽ và tạo sự tin tưởng cao hơn về mặt tài chính khi nhà đầu tư lựa chọn và quyết định đầu tư”- Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh, Tiền Giang cam kết luôn đồng hành, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư phát triển ổn định, hài hòa vì lợi ích của doanh nghiệp và vì lợi ích của nhân dân Tiền Giang, với quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển bền vững trong vùng ĐBSCL.
“Qua hội nghị này khẳng định quyết tâm, cam kết của lãnh đạo tỉnh đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tiền Giang luôn chào đón các nhà đầu tư đến đầu tư, nhất là đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, thương mại, dịch vụ và du lịch".
"Tỉnh Tiền Giang đã và đang nỗ lực hết mình vì một môi trường đầu tư năng động và hiệu quả, xem công cuộc phát triển doanh nghiệp, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển là sự nghiệp quan trọng để thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh".
"Ngay sau hội nghị này, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, hạ tầng và cung cấp dịch vụ thiết yếu; tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp cho các doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án đảm bảo hiệu quả…”- Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
DUY SƠN - PHƯƠNG ANH - MINH THÀNH