.

Tận dụng lợi thế từ kinh tế biển

Cập nhật: 20:40, 05/09/2018 (GMT+7)

Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, Tiền Giang đã tận dụng, khai thác tốt nhiều lợi thế từ biển, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhìn từ thực tiễn cho thấy, một trong những kết quả rõ nét trong việc tận dụng, khai thác lợi thế về kinh tế biển là việc thu hút các dự án đầu tư khu vực ven biển phía Đông của tỉnh. Cụ thể, trong thời gian qua, với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Tiền Giang, trong đó có khu vực ven biển. Chẳng hạn, ngày 17-4-2014, UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Công trình kho cảng Tiền Giang của Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Sài Gòn Petro) tại xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông). Mục tiêu của dự án là đầu tư kho xăng dầu, kho LPG và bến cảng chuyên dụng, diện tích đất dự kiến sử dụng 65 ha, với tổng mức đầu tư khoảng 1.487 tỷ đồng.

Hạ tầng giao thông ở khu vực ven biển Gò Công đã được kết nối thông suốt.
Hạ tầng giao thông ở khu vực ven biển Gò Công đã được kết nối thông suốt.

Trước đó là Dự án đầu tư xây dựng Cảng quốc tế Nam Sài Gòn tại xã Tân Phước (huyện Gò Công Đông) được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Cảng quốc tế Nam Sài Gòn nghiên cứu (tại Văn bản 5722 ngày 29-11-2011), với quy mô 299 ha, vốn đầu tư 14.000 tỷ đồng. Hay Dự án đầu tư Cảng biển tổng hợp và Khu dịch vụ hậu cần cảng, với quy mô khoảng 325 ha, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng vùng công nghiệp khu vực Gò Công đã được phê duyệt theo Quyết định 2190 ngày 24-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, quy hoạch xây dựng cảng trên sông Soài Rạp có công suất từ 5 - 6 triệu tấn/năm, phục vụ cho tàu từ 20.000 - 50.000 DWT... Tất nhiên, đến thời điểm hiện nay, cũng có dự án chưa đi vào hiện thực do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng cũng phần nào cho thấy khu vực ven biển Gò Công của tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp và được sự quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư.

Chú trọng công nghiệp

Vùng ven biển Gò Công hiện đang có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được phê duyệt đầu tư, phát triển gồm: Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp, với diện tích hơn 285 ha và hiện có 1 doanh nghiệp đang hoạt động là Công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam, với công suất 100.000 tấn/năm, diện tích sử dụng 22,9 ha.

Khu công nghiệp Bình Đông (TX. Gò Công), với diện tích 212 ha và hiện đang mời gọi nhà đầu tư mới có năng lực. Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 (huyện Gò Công Đông), diện tích 50 ha. Ngoài ra, tỉnh định hướng thành lập và thu hút đầu tư phát triển Cụm công nghiệp Long Bình (huyện Gò Công Tây), với diện tích 20 ha và Cụm công nghiệp Mỹ Lợi (TX. Gò Công), với diện tích 50 ha...

Một trong những yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm đến khu vực ven biển của tỉnh, ngoài vị trí địa lý, còn có yếu tố về kết cấu hạ tầng đã và đang được tỉnh tập trung xây dựng. Theo đó, thời gian qua, tỉnh và địa phương đã xây dựng đồng bộ hệ thống cung cấp điện, hạ tầng giao thông và thủy lợi, cung cấp nước ngọt đảm bảo quá trình phát triển kinh tế biển và phục vụ sinh hoạt của dân cư ven biển. Cụ thể như: Xây dựng tuyến đường tỉnh 871B kết nối Quốc lộ 50 với Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí; đầu tư nâng cấp đê biển Gò Công, thi công công trình kè đê biển chống sạt lở, bê tông hóa mặt đê; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá khu vực Đèn Đỏ, xã Tân Thành; thi công Dự án “Chống xói lở, gây bồi và trồng cây chắn sóng bảo vệ đê biển Gò Công” huyện Gò Công Đông; xây dựng hạ tầng kỹ thuật về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo thông tin liên lạc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai và công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Ngoài ra, các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng nuôi thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá đã được triển khai thực hiện như: Khu neo đậu trú bão cho tàu cá cửa sông Soài Rạp, với tổng mức đầu tư gần 124 tỷ đồng; nâng cấp Trại sản xuất nghêu giống Tân Thành, với tổng mức đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng; phát triển tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần, tàu thu mua chế biến thủy sản trên biển, với số lượng hơn 300 tàu; phát triển hệ thống cảng cá (cảng Mỹ Tho diện tích 20.000 m2, hàng hóa qua cảng hằng năm 65.000 tấn và Cảng Vàm Láng diện tích 7.500 m2, hàng hóa qua cảng hằng năm 55.000 tấn) và Khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Soài Rạp, với sức chứa 350 tàu.

Nhìn chung, theo định hướng chiến lược phát triển các vùng biển, trong thời gian qua, tỉnh tập trung mời gọi đầu tư và triển khai 8 dự án trọng điểm (đã đầu tư bằng nguồn vốn của nhà đầu tư) của các huyện ven biển, với tổng mức đầu tư 5.237 tỷ đồng gồm: Dự án hệ thống tuyến ống cấp nước phục vụ cho TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông, với vốn đầu tư khoảng 163 tỷ đồng; Dự án Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí, với vốn đầu tư 1.480 tỷ đồng; Dự án đầu tư công trình kho cảng Tiền Giang 1.487 tỷ đồng; Tổng kho dầu khí Soài Rạp - Nam Việt 449 tỷ đồng; 2 cụm công nghiệp tại huyện Gò Công Đông, với vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng; Dự án Sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản, với vốn đầu tư khoảng 490 tỷ đồng; hệ thống tuyến ống cấp nước phục vụ cho huyện Tân Phú Đông, với vốn đầu tư 69 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái Cồn Ngang, với vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Dự kiến, sau năm 2020, sẽ hình thành khu kinh tế biển...                     

       P. A

.
.
.