Điểm nhấn thu hút FDI của Tiền Giang
(ABO) - Cùng với cả nước, chặng đường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn Tiền Giang cũng gặt hái được nhiều thành quả quan trọng.
Thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, từ năm 1990 tỉnh Tiền Giang bắt đầu tiếp nhận dự án có FDI đầu tiên. Điểm nhấn cho bước chuyển mình của ngành Công nghiệp Tiền Giang là sự ra đời của Công ty Liên doanh Rượu bia BGI vào năm 1992, tiếp theo đó là hàng loạt công ty liên doanh ra đời.
Nhà đầu tư nước ngoài tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty Pongkook - Chi nhánh Mỹ Tho. |
Nhìn từ thực tiễn, từ năm 1996 đến năm 2000 là giai đoạn các thành phần kinh tế quốc doanh, ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có FDI từng bước được hình thành, phát triển nhanh, mạnh, tạo sự đổi mới đáng kể của lực lượng sản xuất. Kinh tế của tỉnh có bước phát triển rất quan trọng, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ này đạt 8,1%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 14,2%/năm.
Các định hướng lớn và các chính sách về thu hút FDI, vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) nhằm tăng nguồn lực cho nền kinh tế cũng được quan tâm. Theo đó, giai đoạn 1995-2000, Tiền Giang đã thu hút 10,9 triệu USD từ nguồn vốn ODA và thu hút được 6 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 42 triệu USD.
Chặng đường tiếp theo, thu hút FDI vào Tiền Giang bắt đầu tăng tốc. Tính đến cuối năm 2007, Tiền Giang đã thu hút 31 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 342 triệu USD. Theo đó, vốn của bên đối tác là nhà đầu tư nước ngoài là 304 triệu USD, chiếm đến 89%, vốn góp của bên Việt Nam chỉ chiếm 11%. Trong số 31 dự án, có 13 dự án được thành lập theo hình thức liên doanh, 18 dự án được thành lập theo hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Theo số liệu thống kê cả nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2007, Tiền Giang còn 15 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 215 triệu USD, trong đó vốn điều lệ (vốn pháp định) hơn 118 triệu USD, vốn thực hiện gần 144 triệu USD, đứng hạng thứ 33 so với cả nước.
Với mục tiêu đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, những năm gần đây, Tiền Giang phát huy mạnh mẽ vai trò là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc hình thành và hoàn chỉnh các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: 4 Cụm công nghiệp (Trung An, Tân Mỹ Chánh, Song Thuận và An Thạnh) và 4 khu công nghiệp KCN (Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang và Dịch vụ dầu khí Soài Rạp) đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng ngành Công nghiệp Tiền Giang đạt cao nhất so với những năm trước, trong đó có việc thu hút đầu tư các dự có vốn FDI.
Đến năm 2017, giá trị sản xuất ngành Công nghiệp toàn tỉnh đạt 81.570 tỷ đồng, tăng gấp 24 lần so với năm 1997 (thời điểm vừa hình thành KCN Mỹ Tho, là KCN đầu tiên của tỉnh). Điều đáng ghi nhận là năm 2013 lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD.
Sản phẩm của Công ty TNHH Gia công Đồng Hải Lượng (KCN Long Giang). |
Những năm gần đây, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc. Nếu nhìn nhận về khía cạnh vốn FDI, giai đoạn 2016-2017, tỉnh đã thu hút mới được 20 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 407 triệu USD, đạt hơn 27% so với mục tiêu của nhiệm kỳ 2016-2020.
Đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 109 dự án FDI còn hiệu lực hoạt động, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,99 tỷ USD. Theo đánh giá chung, thu hút FDI của tỉnh đứng thứ 4 so với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau các tỉnh: Long An, Kiên Giang và Trà Vinh. Nếu chỉ tính trong năm 2017, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đóng góp cho ngân sách gần 96 triệu USD, với giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 60.000 tỷ đồng…
Đề án Định hướng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2008-2020 của tỉnh cũng nhận định thực tiễn thu hút trên phạm vi cả nước cho thấy, vốn FDI là một nguồn lực quan trọng phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có Tiền Giang.
Theo tính toán nhu cầu vốn đầu tư trong Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang trong giai đọan 2006-2020, để đạt các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, tỉnh phải huy động lượng vốn đầu tư nước ngoài ít nhất trên 46.000 tỷ đồng, tương đương với 2,4 tỷ USD…
A. P