Phát triển công nghiệp theo hướng đa ngành
Một trong những định hướng quan trọng của tỉnh trong chặng đường phát triển công nghiệp sắp tới là đi vào chiều sâu, theo hướng đa ngành, đa sản phẩm dựa vào lợi thế, tiềm năng của tỉnh.
Đa dạng hóa ngành nghề sẽ là hướng đi của ngành Công nghiệp trong thời gian tới. |
Chủ trương này cũng được lãnh đạo tỉnh cụ thể hóa thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 vừa qua. Cụ thể, thông qua các dự án đầu tư và kêu gọi đầu tư, lãnh đạo tỉnh cũng đã tính toán, cân nhắc trên nhiều phương diện khác nhau để lựa chọn, với mục tiêu căn bản là thu hút hài hòa trên các ngành nghề và phù hợp với chiến lược phát triển chung của tỉnh.
Bởi thực tế cho thấy, công nghiệp trở thành một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh, đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cùng với xu thế chung của cả nước, ngành Công nghiệp Tiền Giang cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định.
Trước thực tiễn đang được đặt ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh xác định trong thời gian tới là triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tái cấu trúc ngành Công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; đồng thời, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp gắn với các sản phẩm có lợi thế so sánh của tỉnh và không phát triển mới các ngành công nghiệp gây ô nhiễm ở các khu, cụm công nghiệp (CCN).
Đi kèm với việc tính toán lại lĩnh vực, ngành nghề thu hút đầu tư là sự chuyển hướng phát triển công nghiệp theo hướng đa ngành, đa sản phẩm dựa vào lợi thế và tiềm năng, nguồn lực, đảm bảo chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng hành với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Cụ thể hóa mục tiêu này, một số dự án đầu tư, thu hút đầu tư được tỉnh công bố vừa qua như: Dự án đầu tư điện gió ở huyện Tân Phú Đông, các dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, du lịch sinh thái hay dự án kêu gọi đầu tư khu vực nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn ở huyện Tân Phú Đông… đã cho thấy quyết tâm của lãnh đạo tỉnh.
Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư, thu hút đầu tư phát triển các công trình, dự án trọng điểm của từng vùng và kết nối, liên kết vùng; tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng nhanh ngành Công nghiệp và nâng cao chất lượng tăng trưởng phù hợp với lộ trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Trên cơ sở lợi thế và tiềm năng hiện hữu, việc phát triển công nghiệp ở từng vùng kinh tế trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng được xác định một cách cụ thể, gắn chặt với nội vùng và liên kết vùng. Chẳng hạn, đối với Vùng kinh tế - đô thị Trung tâm sẽ thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo chiều sâu, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông - thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hàng tiêu dùng; ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, ít ô nhiễm môi trường.
Song song đó là tiếp tục đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng của vùng, nâng chất các Khu công nghiệp (KCN): Mỹ Tho, Tân Hương; thực hiện quy hoạch kết nối hạ tầng CCN Trung An vào KCN Mỹ Tho; giai đoạn 2020 - 2030, phấn đấu thu hút đầu tư và thành lập mới các CCN như: Tân Lý Đông, Long Hưng, Chợ Gạo.
Đối với Vùng kinh tế - đô thị phía Tây, kế hoạch phấn đấu đến năm 2020 lấp đầy 100% diện tích KCN Long Giang, đồng thời mời gọi đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Tân Phước 1, KCN Tân Phước 2, tiếp tục triển khai thực hiện các CCN đã được phê duyệt, phát triển hoàn thiện CCN An Thạnh 1; phấn đấu đến năm 2020 thu hút đầu tư và thành lập mới các CCN như: An Thạnh 2, Mỹ Thuận, Mỹ Phước Tây, Thạnh Tân…
Ngoài đầu tư và thu hút đầu tư các ngành công nghiệp có lợi thế ở từng vùng kinh tế, tỉnh còn chú trọng vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Chẳng hạn, đối với ngành dệt may, trên cơ sở phát triển ngành công nghiệp như: Ngành cơ khí sản xuất linh kiện phụ tùng; ngành sản xuất hóa chất cho ngành dệt may, giày dép, nguyên phụ kiện cho ngành may mặc; kêu gọi đầu tư một số cơ sở sản xuất phụ liệu ngành may như chỉ may, khóa kéo, cúc nhựa, thu các loại; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các sản phẩm vải kỹ thuật, vải không dệt, đồng thời đầu tư các sản phẩm thêu, in trên các loại vải, giấy, bao bì…
Song song đó, tỉnh còn quan tâm phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa phương tiện giao thông vận tải trên cơ sở nâng cấp công suất các cơ sở sản xuất, gia công sửa chữa cơ khí, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, sà lan hiện có trên địa bàn tỉnh; đồng thời, xây dựng mới một số cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền tại huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo với các sông, kinh, rạch chính như: Sông Tiền, sông Vàm Cỏ, rạch Kỳ Hôn, rạch Lá kinh 28 và một số sông nhánh như: Ba Rài, Trà Lọt, Cái Cối, Cái Thia…
A.P