Tích cực tìm đầu ra cho trái thanh long
Hiện nay giá trái thanh long ruột đỏ chỉ còn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, còn thanh long ruột trắng thì hầu như không bán được, đây là đợt rớt giá kỷ lục trong vòng 5 năm qua, khiến cho bà con trồng thanh long cả nước lao đao.
Theo nhiều thương lái và người trồng thanh long Việt Nam thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thanh long rớt giá thê thảm là do thị trường Trung Quốc (chiếm hơn 70% thị trường xuất khẩu trái cây này) không “ăn hàng”, thương lái Trung Quốc lợi dụng việc này ngừng mua để ép giá.
Một nguyên nhân khác là, từ đầu năm đến tháng 9 vừa qua, giá thanh long rất ổn định, thời điểm cao nhất giá thanh long thu mua tại vườn lên tới trên 20.000 đồng/kg, tuy nhiên thời gian gần đây thời tiết thuận lợi, nông dân đồng loạt không lặt bông, thậm chí nhiều hộ dân xông đèn (bởi tháng này năm trước giá thanh long cao), dẫn đến sản lượng lớn khiến nguồn cung dư thừa, giá giảm.
Một nguyên nhân nữa ít nhiều tác động là hiện nay diện tích trồng thanh long của Trung Quốc phát triển trên 35.000 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam, trong đó tỉnh Quảng Tây có diện tích trồng lớn nhất với khoảng 10.000 ha, kế đó là các tỉnh khác như Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến...
Diện tích trồng và sản lượng thanh long của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong một vài năm tới. Trung Quốc bắt đầu thu hoạch từ tháng 5 - 11 hằng năm, không chênh lệch nhiều so với mùa vụ của Việt Nam. Nhận định giá thanh long sẽ tiếp tục giảm trong vài ngày tới. Khi nào Trung Quốc tiêu thụ hết lượng thanh long đã mua trước đó và quay lại thu mua tiếp, khi ấy giá mới ổn định trở lại
Việt Nam tự hào là nước có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất châu Á. Thanh long hiện đang được trồng ở hầu hết ở các tỉnh, thành phố, nhưng phát triển mạnh thành các vùng chuyên canh quy mô lớn tập trung ở các tỉnh như Bình Thuận (chiếm 63,2% diện tích và 68,4% sản lượng cả nước (khoảng 500.000 - 600.000 tấn/năm), Long An (17,3 diện tích và 14,2% sản lượng ( khoảng 155.000 tấn/năm) và Tiền Giang (10,9% diện tích và 13,7% sản lượng (khoảng 150 ngàn tấn/năm).
Diện tích thanh long của 3 tỉnh này chiếm 92% tổng diện tích (khoảng 37.000 ha) và 96% sản lượng của cả nước, phần diện tích thanh long còn lại phân bố ở một số tỉnh miền Nam như Vĩnh Long, Trà Vinh, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Việt Nam cũng là nước xuất khẩu thanh long hàng đầu thế giới. Thanh long tiêu thụ tại thị trường nội địa chỉ đạt khoảng 15 - 20% tổng sản lượng. Thanh long được xuất khẩu sang khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.
Ngoài các thị trường truyền thống xuất khẩu thanh long như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hà Lan và Đài Loan, thanh long còn được xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, Ý, Nhật, Singapore và đang thâm nhập một số thị trường mới như Ấn Độ, New Zealand, Úc và Chi Lê.
Từ sự việc thanh long rớt giá trên, điều thứ nhất rút ra là, sản xuất thanh long phải tuân thủ quy hoạch nghiêm ngặt; phải sản xuất thanh long sạch VietGAP; phải điều chỉnh mùa vụ thu hoạch thanh long tránh tạo ra sản lượng đột biến, né vụ chính thanh long Trung Quốc.
Điều thứ hai, cần thành lập nhiều hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long để tránh bị tư thương ép giá, sản xuất theo quy hoạch, sản xuất thanh long sạch.
Điều thứ ba, cần xúc tiến, quảng bá để mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long ra nhiều nước để khắc phục căn cơ "gót chân Asin" của xuất khẩu thanh long Việt Nam là hơn 70% đến thị trường Trung Quốc. Các cơ quan chức năng cần tích cực giúp người trồng thanh long thực hiện tốt ba điều rút ra này.
MT