.

Nông dân tất bật chuẩn bị vú sữa xuất khẩu

Cập nhật: 12:11, 14/11/2018 (GMT+7)

Tiếp nối thành công trong xuất khẩu vú sữa năm 2017, nông dân trồng vú sữa huyện Cái Bè đang tất bật chuẩn bị cho đợt “xuất ngoại” tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Cần, nông dân trồng vú sữa ở xã Mỹ Lương cho biết: Năm 2017, 5 công vú sữa của gia đình ông thu hoạch được 5 tấn trái, Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường đến thu mua với mức giá cao hơn 5.000 đồng/kg so với giá thị trường. Ở vụ vú sữa 2017, bình quân ông bán vú sữa được trên 20.000 đồng/kg nên thu được lãi khá cáo.

Ông Cần cho biết thêm, vụ năm nay ông chăm sóc vú sữa rất kỹ để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trái sang Hoa Kỳ của Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường.

Nông dân trồng vú sữa ở huyện Cái Bè bao trái để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nông dân trồng vú sữa ở huyện Cái Bè bao trái để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Xã Mỹ Lương có diện tích vú sữa lớn nhất ở huyện Cái Bè với khoảng 30 ha. Hiện nay, xã đã thành lập Tổ hợp tác Vú sữa VietGAP (THT) để xuất khẩu trái sang Hoa Kỳ. THT có 69 hộ tham gia với diện tích 21,3 ha và đã được cấp mã Code.

THT đang hỗ trợ các tổ viên về cách chăm sóc vú sữa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lương Mai Thành Đoàn cho biết, trước thông tin trái vú sữa được xuất khẩu, nông dân trồng cây ăn trái này ở xã Mỹ Lương rất phấn khởi.

Nông dân đã bắt đầu nâng cao kỹ thuật chăm sóc vú sữa nhằm đáp ứng yêu cầu cao từ đơn vị thu mua. Xã cũng phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân, chú trọng đầu tư cải tạo và hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất; tập huấn, chuyển giao quy trình canh tác tiên tiến cho nông dân trồng vú sữa.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm 2017 tỉnh đã xuất khẩu 176 tấn trái vú sữa sang Hoa Kỳ. Năm nay, toàn tỉnh có khoảng 128 ha (270 hộ) trồng vú sữa đạt yêu cầu xuất khẩu và đã được cấp mã Code.

Vụ này, tỉnh đã có 2 công ty xuất khẩu trái vú sữa sang Hoa Kỳ với tổng sản lượng 3,2 tấn. Các công ty xuất khẩu vú sữa đang khảo sát các vùng trồng để chuẩn bị cho những chuyến xuất khẩu tiếp theo.

Cùng với xã Mỹ Lương, nông dân xã Mỹ Lợi A cũng đã có bước tiến đáng kể về kỹ thuật chăm sóc để cây vú sữa cho trái đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Nông dân Lê Hồng Hải cho biết, gia đình ông trồng 15 công vú sữa, ước sản lượng thu hoạch vụ mùa năm nay khoảng 15 tấn.

Rút kinh nghiệm năm vừa qua nhiều trái vú sữa không đạt chất lượng, năm nay ông áp dụng chặt chẽ các quy trình phòng, chống bệnh nên chất lượng trái nâng lên đáng kể.

Nhằm giúp nông dân thuận lợi trong sản xuất vú sữa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, xã Mỹ Lợi A đã thành lập tổ hợp tác sản xuất vú sữa xuất khẩu.

Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Mai Hoàng Em cho biết, xã vừa thành lập Tổ hợp tác Trồng vú sữa VietGAP với diện tích 15,8 ha và đã được cấp mã Code, gồm các hộ trồng vú sữa ở xã Mỹ Lợi A và các xã lân cận như An Thái Trung, Mỹ Đức Tây, Mỹ Lợi B.

Trong thời gian tới, xã sẽ phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ người trồng vú sữa về kỹ thuật cũng như bao trái, sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh… Bên cạnh đó, năm nay ngành Nông nghiệp hỗ trợ nông dân trồng vú sữa bao vải để bao trái; đồng thời, cung cấp các loại thuốc phòng trị sâu, bệnh nằm trong danh sách cho phép để người dân sử dụng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè Phạm Văn Thanh cho biết, toàn huyện Cái Bè có trên 70 ha trồng vú sữa, trong đó có khoảng 40 ha sản xuất phục vụ xuất khẩu, tập trung nhiều ở các xã Mỹ Lương, Mỹ Lợi A, Mỹ Đức Tây, An Thái Trung.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện đã hỗ trợ người dân về kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP. Trước mắt, ngành sẽ ổn định diện tích trồng, mở các lớp tập huấn, chuyển giao quy trình canh tác tiên tiến cho nông dân trồng vú sữa. Nếu tín hiệu xuất khẩu lạc quan, huyện sẽ mở rộng diện tích vú sữa, vì cây trồng này phù hợp với thổ nhưỡng của huyện Cái Bè.

QUỐC TUẤN

.
.
.