Xuất khẩu gạo sẽ thoáng hơn
Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo (NĐ 107) tạo một bước tiến mới về thể chế, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh và công tác điều hành xuất khẩu gạo theo hướng mở và minh bạch.
Nghị định 107 sẽ tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ phát triển xuất khẩu gạo |
Tạo động lực xuất khẩu
Theo Bộ Công thương, 8 năm qua, Nghị định 109/2010 (NĐ 109) đã đạt nhiều hiệu quả trong việc nâng cao vị thế cho gạo Việt Nam, đóng góp quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn thị trường nội địa, thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì vẫn có bất cập trong NĐ 109 cần phải thay thế.
NĐ 107 thay thế cho NĐ 109 có nhiều điểm mới trong quản lý của Bộ Công thương về kinh doanh xuất khẩu gạo, giúp giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường cho DN; tạo động lực giải phóng năng lực kinh doanh thương mại; thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa; góp phần tích cực thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành gạo; xây dựng, củng cố thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.
NĐ 107 không bắt buộc DN phải có kho chứa, cơ sở xay xát, dây chuyền chế biến lúa, gạo mà có thể thuê; không hạn chế địa bàn đầu tư; tự kê khai kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến; tự chịu trách nhiệm về đáp ứng điều kiện kinh doanh, thực hiện cơ chế hậu kiểm; bãi bỏ quy định thủ tục bắt buộc phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA); bỏ quy định DN phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký; bãi bỏ quy định giá sàn gạo xuất khẩu…
Tuy NĐ 107 tạo điều kiện thuận lợi hơn và tháo gỡ nhiều khó khăn cho DN, nhưng theo quan điểm của ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, quy định chỉ là một phần, chủ yếu là DN phải thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng xuất khẩu.
Còn ông Nguyễn Anh Tùng, Giám đốc Chi nhánh Kinh doanh nông sản - Công ty Giống cây trồng Trung ương, đánh giá: “Dù NĐ 107 có thoáng hơn nhưng nếu chất lượng sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì cũng không xuất khẩu được. DN phải liên kết với nông dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tránh tình trạng phun thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ. Song khó khăn nhất là diện tích canh tác của từng hộ nông dân rất nhỏ, chỉ từ 3 - 10ha/nông hộ. Nếu với diện tích 100ha, DN chỉ xét nghiệm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm 1 lần, còn diện tích nhỏ thì DN phải tốn thêm chi phí xét nghiệm cho từng ruộng”.
Quan trọng là chất lượng gạo
Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, NĐ 107 chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm giúp cho cơ quan quản lý thuận tiện hơn. Sở này đề xuất Bộ Công thương phải chia sẻ kịp thời thông tin liên quan tới tình hình xuất khẩu gạo cho địa phương để cung cấp cho DN, nhằm định hướng hoạt động sản xuất, giảm thiểu được rủi ro. Bộ NN-PTNT sớm phối hợp các bộ ngành ban hành chính sách hỗ trợ DN tham gia xây dựng vùng nguyên liệu.
Song song đó, giảm bớt các hàng rào thuế quan nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển hơn.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA, thực hiện NĐ 107, DN không còn đăng ký hợp đồng xuất khẩu, hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo với VFA sẽ gây trở ngại, không có cơ sở báo cáo định kỳ cho Bộ Công thương theo quy định. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu sẽ bị động, không thể định hướng sản xuất, cân đối tiến độ giao hàng, tư vấn giá bán hàng từng thời điểm cho DN và đặc biệt khi thị trường có biến động cần theo dõi kịp thời.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhận định, việc cạnh tranh nếu đi đúng hướng là tốt, mới thực sự là kinh tế thị trường; những DN tham gia đấu giá có hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị thị trường đào thải. Đối với ý kiến quy định của NĐ 107 không có sự công bằng, ông Khánh cho rằng một khi DN quyết định gắn bó với việc kinh doanh xuất khẩu gạo thì đầu tư kho chứa, phát triển vùng nguyên liệu là việc sớm muộn cũng làm. Hơn nữa, nhiều nước nhập khẩu hiện chỉ quan tâm chất lượng, độ an toàn của hạt gạo. Do vậy, những DN đã đầu tư máy móc, nhà kho… sẽ có thêm nhiều cơ hội, uy tín hơn so với các DN mới phát triển.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công thương sẽ hỗ trợ cơ chế tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng (để DN xuất khẩu gạo phát triển) và cơ cấu xuất khẩu để cảnh báo cho nông dân. Bên cạnh đó, bộ cung cấp thông tin giá gạo, kiểm tra hạt gạo không nhiễm hóa chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Các vùng sản xuất cần lựa chọn một địa phương phát triển trở thành trung tâm giao thương, cụm kho chứa, xay xát, sàn giao dịch… cho toàn vùng.
Các DN đã đầu tư kho bãi, nhà máy thì lại có ý kiến rằng NĐ 107 không công bằng khi cho phép những DN không cần phải đầu tư nhà máy, kho bãi vẫn được tham gia thị trường xuất khẩu gạo. NĐ 107 quá thoáng, tạo điều kiện cho nhiều DN tham gia sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh; chỉ cần vài DN khi đấu giá thì bỏ giá thấp để trúng thầu nhưng sau đó không thực hiện hợp đồng, sẽ làm ảnh hưởng uy tín thương hiệu gạo Việt Nam.
(Theo sggp.org.vn)