Thành phố Mỹ Tho: Sôi nổi phong trào khởi nghiệp
Hiện nay, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn TP. Mỹ Tho diễn ra sôi nổi. Nhiều đoàn viên, thanh niên
(ĐV-TN) đã mạnh dạn khởi nghiệp với nhiều dự án đã được hình thành.
Nguyễn Hoàng Du khởi nghiệp từ mô hình kinh doanh lan và đang cho hiệu quả tốt. |
ĐA DẠNG Ý TƯỞNG
Nhiều ĐV-TN đã nhận thức được khởi nghiệp không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn để đóng góp cho xã hội, để tự khẳng định bản thân qua giá trị mang lại cho tổ chức Đoàn, cho cộng đồng.
Nhằm tạo thêm nguồn thu cho các hoạt động của Đoàn, anh Nguyễn Nguyên Đăng (công tác tại Phòng Đào tạo, Trường Trung cấp Nghề giao thông vận tải Tiền Giang; Phó Bí thư Chi đoàn khu phố 6, phường 9) cùng với nhóm bạn thành lập Tổ hợp tác Cà Phê Xanh (gọi tắt là Tổ hợp tác). Anh Đăng chia sẻ: “Ý tưởng thành lập Tổ hợp tác sản xuất cà phê đến từ việc tôi thích việc tự rang xay cà phê tại nhà để uống và tặng bạn bè. Đầu năm 2018, nhận được lời khen và động viên của mọi người, tôi cùng với nhóm bạn quyết định thành lập Tổ hợp tác với mục đích ban đầu là rang xay cà phê để bán, tạo thêm nguồn kinh phí cho các hoạt động của Chi đoàn vốn rất hạn hẹp”.
Từ đó, anh Đăng đã mạnh dạn vay vốn hơn 200 triệu đồng để thực hiện ý tưởng của mình. Anh đã cùng với các thành viên trong Tổ hợp tác nghiên cứu tự lắp ráp hệ thống rang xay cà phê từ mẫu có sẵn để phù hợp với nhu cầu sản xuất. Sau khi cho ra cà phê thành phẩm, các thành viên trong Tổ hợp tác đã chủ động chào hàng đến các đầu mối phân phối. Thương hiệu Cà Phê Xanh với chất lượng sản phẩm tốt đã nhận được sự ưa chuộng của người tiêu dùng ở nhiều tỉnh như: Hà Giang, Yên Bái, Bình Dương, Bến Tre…, với trung bình hơn 300 kg cà phê được xuất bán mỗi tháng. Sau khi trừ chi phí, Tổ hợp tác thu lãi từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng, tạo được nguồn thu đáng kể cho hoạt động của Chi đoàn.
Bên cạnh đó, nhiều ĐV-TN cũng đã khởi nghiệp xuất phát từ sở thích của mình như mô hình trồng lan bán chậu của anh Nguyễn Hoàng Duy (ấp 1, xã Trung An). Anh Duy cho biết: “Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ, tôi đã quyết định lập giàn trồng lan bán chậu với kiến thức nền về trồng trọt đã được học ở trường. Tuy nhiên, thời gian đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc cây lan. Tôi đã tự tìm tòi trên mạng Internet để cập nhật kiến thức chăm sóc tốt loại cây cảnh “khó tính” này”.
Sau hơn 1 năm hoạt động, Tổ hợp tác của anh Nguyễn Nguyên Đăng đã bắt đầu cho thấy hiệu quả với lợi nhuận từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. |
Thực hiện ý tưởng của mình, anh Duy đã sử dụng nguồn vốn tích lũy từ tiền lương đi làm ở công ty hằng tháng để dần mở rộng mô hình. Các giống lan nhập về được anh Duy tự nhân giống để trồng. Sau 5 năm thực hiện, vườn lan của anh Duy từ 15 chậu loại denro màu ban đầu đến nay đã phát triển lên trên 1.000 chậu gồm nhiều loại lan khác nhau.
Theo anh Duy, khoảng 6 tháng, vườn lan của anh xuất bán 1 lần, với thị trường tiêu thụ khá rộng gồm các tỉnh, thành: Huế, Đà Nẵng, Nam Định, Bạc Liêu, Trà Vinh… Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi chậu lan anh lãi từ 400.000 - 600.000 đồng. Riêng đối với các loại lan quý hiếm, anh Duy có thể bán được giá từ 10 - 20 triệu đồng/chậu, mang lại thu nhập khá.
Theo Thành đoàn Mỹ Tho, trên địa bàn thành phố có 9 dự án khởi nghiệp với ý tưởng đa dạng như: Shop hoa Long Phụng của anh Cao Hữu Tài (phường 9); Dự án Trồng rau sạch của bạn Trần Hoàng Chúc (xã Đạo Thạnh)… Hơn 50% dự án đã đi vào hoạt động ổn định, có thu nhập tốt và đang phấn đấu mở rộng thị trường, mở rộng quy mô góp phần giải quyết việc làm cho ĐV-TN tại đơn vị.
CÒN MỘT SỐ KHÓ KHĂN
Hiện nay, các ĐV-TN khởi nghiệp trên địa bàn TP. Mỹ Tho vẫn còn vướng một số khó khăn nhất định. Theo anh Cao Hữu Tài, Tổ trưởng Tổ Hợp tác Hoa tươi trang trí Long Phụng, vấn đề khó nhất đối với ĐV-TN khởi nghiệp là nguồn vốn để mở rộng mô hình, vì hiện nay ĐV-TN chỉ mới được hỗ trợ một phần vốn khởi nghiệp.
Bên cạnh khó khăn về vốn, các dự án khởi nghiệp còn gặp khó khăn về nguồn nhân lực. Anh Nguyễn Nguyên Đăng cho biết: “Tôi dự định sẽ lắp đặt thêm máy rang xay cà phê để mở rộng sản xuất, nhưng hiện tại rất khó để tìm được nguồn nhân lực do đa phần các bạn trẻ đều chọn làm ở các công ty, xí nghiệp với mức lương cao. Tổ hợp tác chỉ mới đi vào hoạt động hơn 1 năm nên không thể cạnh tranh mức lương với các công ty để thu hút nguồn nhân lực”.
Bí thư Thành đoàn Mỹ Tho Dương Thị Hương cho biết, hiện tại, Quỹ Nghề nghiệp việc làm của Thành đoàn chỉ hỗ trợ được một phần cho các dự án khởi nghiệp với số tiền từ 5 - 10 triệu đồng/dự án. Việc tiếp cận vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh của các dự án vẫn còn ít, do một số đơn vị, cơ sở trên địa bàn thành phố chưa có tổ vay vốn. Bên cạnh đó, các dự án chưa nhận được sự hỗ trợ, “đỡ đầu” của các doanh nghiệp. Các ĐV-TN chưa tạo được môi trường khởi nghiệp để phối hợp hỗ trợ nhau về ý tưởng, kỹ thuật, thị trường và vốn.
Để hỗ trợ các ĐV-TN khởi nghiệp, Thành đoàn đã thực hiện nhiều hoạt động như: Tổ chức Diễn đàn thanh niên Mỹ Tho khởi nghiệp; tổ chức học tập, tham quan các mô hình khởi nghiệp trong và ngoài thành phố; bảo lãnh vay vốn từ Ngân hàng CSXH tỉnh và Quỹ Nghề nghiệp việc làm của Tỉnh đoàn… Đặc biệt, Chi hội Thanh niên khởi nghiệp cấp thành phố đã được thành lập tạo cầu nối giữa các thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn thành phố lại với nhau và tạo mối liên kết với các ngành, hội của thành phố có liên quan trong khởi nghiệp như Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Kinh tế, Hội Doanh nhân...”
CAO THẮNG