Thạnh Mỹ hôm nay
Niềm vui khóm được giá. Ảnh: NGỌC LAN |
Đã lâu rồi không về xã Thạnh Mỹ (huyện Tân Phước), tình cờ chúng tôi được người bạn công tác ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước cho biết: “Thạnh Mỹ hiện nay có nhiều đổi mới, bên cạnh màu xanh của khóm, khoai mỡ, còn có màu xanh của cây ăn trái, tạo thêm cơ hội làm giàu cho nhiều người dân trong xã”.
Từ đó đã thôi thúc chúng tôi về đây để được tận mắt nhìn thấy những đổi thay ở nơi phèn chua, gian khổ ngày nào trên vùng đất Đồng Tháp Mười này.
KHÓM, KHOAI XANH ĐỒNG
Đi trên tỉnh lộ 867 từ trung tâm huyện vào, vừa vào địa phận của xã là chúng tôi bắt gặp hình ảnh thân quen của những thửa ruộng khóm bạt ngàn, trải dài mút tầm mắt. Đó đây trên đồng, nông dân tất bật thu hoạch và vận chuyển khóm lên bờ lộ để bán cho thương lái, ai nấy nét mặt cũng tươi vui vì khóm đang có giá cao.
Theo đó, thương lái vào tận nơi thu mua khóm loại 1 (trái từ 1,1 kg trở lên) với giá 7.000 đồng/kg, loại sô (trái trên 0,6 kg) từ 5.500 - 6.000 đồng/kg. Mức giá này được duy trì trong 4 tháng qua, nên người trồng khóm thu lãi bình quân trên 100 triệu đồng/ha.
Những năm gần đây, nhờ có các ô đê bao ngăn lũ của huyện, kết hợp với các trạm bơm điện chống úng cho cây trồng trong mùa mưa bão, cộng với ngành Điện đầu tư đường điện rộng khắp trong xã… đã tạo thuận lợi trong việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi nơi đây.
Nếu như trước và những năm đầu sau Ngày miền Nam giải phóng, nơi đây chỉ có cây tràm, bàng và bạch đàn cho thu nhập thấp, thì nay những cây trồng này không còn đáng kể (năm 2019 còn 64 ha), phần lớn diện tích đất canh tác của xã là khóm, khoai mỡ.
Những năm qua, khoai mỡ và khóm vốn được xem là “cây xóa đói giảm nghèo”. Nhờ 2 cây trồng này mà xã từ chỗ có hơn 41% hộ nghèo vào năm 2008, thì đến nay còn 5,88%.
Cũng từ đây đã xuất hiện nhiều điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi như “Vua trồng khoai mỡ” Phạm Văn Pheo (ấp Mỹ Thiện), “Vua trồng khóm” Võ Văn Hùng (ấp Mỹ Thuận)…
CÂY ĂN TRÁI XANH VƯỜN
Về Thạnh Mỹ, đi qua 4 ấp của xã, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những vườn cây ăn trái xanh tươi xen lẫn những liếp khóm, liếp khoai.
Điều khá thú vị là cây ăn trái gần như có mặt khắp 4 ấp của xã trong khoảng 5 năm trở lại đây, với diện tích đến nay trên 222,5 ha (hầu hết được chuyển đổi từ đất trồng tràm, bạch đàn hoặc khóm).
Trong số này, nhiều nhất là thanh long ruột đỏ (TLRĐ) và thanh long ruột tím hồng (TLRTH), với khoảng 101,5 ha (chiếm 1/8 diện tích thanh long của toàn huyện Tân Phước), mỗi năm cho sản lượng thu hoạch hàng ngàn tấn cung ứng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đến thăm vườn TLRTH của ông Nguyễn Hữu Soi ở ấp Mỹ Lộc, chúng tôi rất phấn khích trước màu xanh tốt tươi của vườn thanh long nơi đây không kém các vườn thanh long ở vùng chuyên canh huyện Chợ Gạo.
Ông Soi cho biết, giống TLRTH đang được thương lái ưa chuộng vì có thị trường tiêu thụ. Hiện đang là mùa thuận (kéo dài đến tháng 9 âm lịch), thanh long ra hoa tự nhiên cho trái to, năng suất cao, sản lượng lớn, nhưng người trồng bán vẫn có giá.
Ông Soi cho biết thêm, ở ấp này có nhiều hộ trồng thanh long với diện tích rất lớn, điển hình như anh Đức canh tác 12 ha, mỗi năm có thể bán thanh long thu về bạc tỷ!
Còn đến ấp Mỹ Hòa, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với vườn cam mật xanh tốt của chú Ba, một người dân tỉnh Đồng Tháp đến đây lập nghiệp.
Chú Ba cho biết, giống cam này do nhà vườn ở huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) lai ghép và đặt tên là giống cam mật đùm. Có lẽ nhờ kết hợp được các ưu điểm của 2 giống cam được dùng để ghép mà khi mang về trồng ở vùng đất Đồng Tháp Mười bén rễ tươi tốt.
Với 2,6 ha cam mật đùm trồng hơn 2 năm, năm 2018 vườn cam của chú thu hoạch đạt 100 tấn trái, bán cho thương lái với giá bình quân 10.000 đồng/kg, thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Theo chú Ba, Thạnh Mỹ hiện có hơn 25 ha trồng cam.
Ngoài ra, Thạnh Mỹ còn có sầu riêng (4,5 ha), mãng cầu (23 ha), xoài (5 ha), nhãn (1,5 ha), chôm chôm (3 ha), dừa (9 ha), chanh, bưởi. Điều này cho thấy, nhiều giống cây ăn trái đặc sản phát triển tốt ở vùng nước ngọt ven sông Tiền, giờ đây đã bén rễ tốt trên vùng đất mới Đồng Tháp Mười.
ĐỂ MÀU XANH MÃI XANH
Như vậy, cùng với 2 cây “lão làng” hiện chiếm diện tích lớn là khóm (2.026 ha) và khoai mỡ (106 ha), chỉ trong khoảng 5 - 7 năm lại đây, nông dân Thạnh Mỹ đã nhanh chóng du nhập thành công “ngoài mong đợi” 9 giống cây ăn trái; trong đó có 4 giống cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (thanh long, bơ, mít Thái, cam mật đùm…) đang có sức hấp dẫn mạnh mẽ nông dân ở đây.
Tuy nhiên, để cho các loại cây trồng này phát triển cần có sự góp sức của “4 nhà” để đưa sản xuất nông nghiệp của xã phát triển bền vững.
Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển nông nghiệp của xã trong thời gian tới, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Mỹ Nguyễn Văn Thọ cho biết, với sự nỗ lực vượt khó của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã trong thời gian qua, có thể khẳng định giờ đây Thạnh Mỹ đã khởi sắc đi lên, trở thành một trong những xã đi đầu về phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện Tân Phước, hằng năm cung ứng một sản lượng lớn khóm, khoai và trái cây.
Không dừng lại ở đây, trong thời gian tới, xã sẽ tích cực phối hợp với các ngành hữu quan của huyện tổ chức tham quan, hội thảo đánh giá để phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã; trong đó có việc khuyến khích những hộ nông dân có điều kiện mạnh dạn lập vườn trồng cây ăn trái trên đất trồng tràm, bạch đàn và đất trồng khóm lâu năm không còn cho năng suất cao.
NGỌC LAN