.
DỰ ÁN ĐƯỜNG CAO TỐC TRUNG LƯƠNG - MỸ THUẬN:

Nguồn vốn tín dụng đã được khơi thông

Cập nhật: 16:13, 19/12/2019 (GMT+7)

Với việc các ngân hàng hợp vốn chính thức ký kết hợp đồng tín dụng 6.686 tỷ đồng cho Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (gọi tắt là Dự án), “nút thắt” cuối cùng của Dự án đã được tháo gỡ.

THÁO “NÚT THẮT” CUỐI CÙNG

Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (Doanh nghiệp dự án - DNDA), với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, Dự án đã có những thay đổi căn bản như: Chuyển cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) về UBND tỉnh Tiền Giang, loại bỏ các cổ đông yếu kém, tổng vốn đầu tư tăng lên mức 12.668 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp 2.186 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác cam kết đạt tối thiểu 3.400 tỷ đồng… Do đó, hợp đồng tín dụng đã ký giữa DNDA và 4 ngân hàng từ năm 2018 cần được thay thế để phù hợp với tình hình thực tế.

Lễ ký kết hợp đồng tín dụng Dự án.
Lễ ký kết hợp đồng tín dụng Dự án.

Từ sau khi phương án tài chính mới được ban hành theo Quyết định 2463 ngày 2-8-2019 của UBND tỉnh Tiền Giang, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) tiếp tục làm đầu mối, cùng với BIDV, Agribank và VPbank khẩn trương thẩm định lại và hoàn thành báo cáo thẩm định chung từ 18-11-2019. Trên cơ sở đó, các ngân hàng tiến tới hoàn tất các khâu còn lại trong tháng 12-2019 theo quy trình cấp tín dụng, phù hợp với năng lực, điều kiện của từng đơn vị. Tổng vốn cam kết cho vay của các ngân hàng cho Dự án là 6.686 tỷ đồng, trong đó Vietinbank 3.300 tỷ đồng, BIDV 1.500 tỷ đồng, Agribank 1.000 tỷ đồng và VPbank 886 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Nhật, Bộ GT-VT đánh giá rất cao sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Tiền Giang kể từ khi nhận nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án từ Bộ GT-VT.

Dù tiếp nhận Dự án rất lớn, trọng điểm của cả nước và chưa quen với các dự án BOT, nhưng thời gian qua, tỉnh Tiền Giang cùng DNDA đã xử lý cơ bản những vướng mắc, tồn đọng để Dự án “chạy” được. Đồng chí Nguyễn Nhật hy vọng rằng, sau khi ký kết hợp đồng tín dụng, DNDA sẽ rà soát tổng thể, chỉ đạo quyết liệt, tăng thời gian thi công trên công trường và phải đảm bảo chất lượng nhất; đảm bảo thông xe kỹ thuật vào năm 2020 và khánh thành vào năm 2021.


Ngày 3-12 vừa qua, DNDA đã nhận được 1.390 tỷ đồng trong tổng số 2.186 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ Dự án. UBND tỉnh Tiền Giang đã có sự vào cuộc quyết liệt đối với công tác giải phóng mặt bằng, bám sát tiến độ triển khai Dự án; đồng thời, đưa ra các cam kết mạnh mẽ, xóa đi những quan ngại về các rủi ro, vướng mắc tiềm ẩn.

Với việc hợp đồng tín dụng của Dự án đã được ký kết, Tổng Giám đốc Vietinbank Trần Minh Bình đề nghị DNDA chỉ đạo các nhà thầu triển khai thi công theo đúng phương án đã được duyệt; phối hợp chặt chẽ với 4 ngân hàng cho vay hợp vốn trong quá trình giải ngân theo quy định vào các hạng mục công trình; đảm bảo hoàn thành mục tiêu thông tuyến trong năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

CAM KẾT TIẾN ĐỘ

Có thể nói, với sự nỗ lực và vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh và DNDA, “nút thắt” vốn tín dụng, được cho là vướng mắc lớn nhất của Dự án, hiện đã được tháo gỡ. Vấn đề còn lại nằm ở việc triển khai thi công của DNDA và các nhà thầu. Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị DNDA, để đảm bảo tiến độ Dự án theo cam kết với Chính phủ, thời gian tới, nhà đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng cấp tín dụng, Ban điều hành chỉ đạo Ban Quản lý Dự án, các nhà thầu, tư vấn… chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ nhằm phấn đấu giải ngân vốn tín dụng trong tháng 1-2020. Bên cạnh đó, DNDA sẽ rà soát, đánh giá tiến độ chi tiết các gói thầu, các cam kết huy động nhân lực, thiết bị máy móc để thi công Dự án, đảm bảo thông tuyến cuối năm 2020 và tiến đến hoàn thành trong năm 2021. Hội đồng quản trị DNDA sẽ cùng với Ban điều hành tiếp tục quan tâm, động viên cán bộ, nhân viên trên công trường tổ chức thi công 3 ca/ngày đêm, kể cả ngày nghỉ lễ, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.

Ngày 16-12, tại tỉnh Tiền Giang, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) và các ngân hàng hợp vốn chính thức ký kết hợp đồng tín dụng và các văn kiện cho Dự án với DNDA.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng Giám đốc DNDA cho biết: “Việc ký kết hợp đồng tín dụng và các văn kiện tín dụng cho Dự án là dấu mốc quan trọng, nhằm hiện thực hóa nguồn vốn vay trong tổng vốn đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng 51 km đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đây là minh chứng sống động cho sự gắn kết, phối hợp nhịp nhàng giữa các bên, nỗ lực tối đa hướng đến thành công của Dự án, đáp ứng kỳ vọng của khoảng 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long”.

Mặt khác, DNDA sẽ luân chuyển những nhân sự có kinh nghiệm ở Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn từ cấp Hội đồng quản trị đến Ban điều hành để tăng cường công tác thi công hiện trường Dự án, kiểm soát tiến độ và chất lượng theo yêu cầu. Đồng thời, đảm bảo nghiêm túc trong việc triển khai Dự án, không để tiêu cực, thất thoát xảy ra làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình. Song song đó, các hệ thống camera giám sát, quản lý chất lượng bằng hình ảnh sẽ được lắp đặt trên toàn tuyến để các thông tin về Dự án tiếp tục công khai cho người dân cùng giám sát, các nhà đầu tư, các ngân hàng yên tâm hơn. Ban điều hành Dự án sẽ chỉ đạo tư vấn luân chuyển nhân sự tư vấn, giám sát giữa các gói thầu với nhau để hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu.

“Mặc dù thời gian hoàn thành Dự án rất gấp, nhưng chúng ta phải đảm bảo chất lượng, không vì “bệnh thành tích”, để Dự án khi đưa vào sử dụng xứng đáng với vốn của nhà đầu tư đã góp, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ và vốn tín dụng của các ngân hàng đã bỏ ra” - ông Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh.

D. SƠN - P.A - M. THÀNH

.
.
.