Bài cuối: Kịch bản để vượt khó?
Bài 1: Kích cầu du lịch nội địa
Mỗi doanh nghiệp không ngừng cố gắng tự xoay xở tìm lời giải cho giai đoạn khó khăn, trong khi trên bình diện tổng thể một kịch bản cho hậu Covid-19 cũng đã và đang được tính đến.
Các gói tài khóa, tín dụng như gia hạn nộp thuế, khoanh nợ, giảm lãi vay… đã được triển khai và đang dần phát huy hiệu quả rõ rệt.
Doanh nghiệp không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn. |
XOAY XỞ
Tác động của dịch bệnh Covid-19 trên nhiều lĩnh vực nên mỗi loại hình kinh doanh đều tìm cách xoay xở riêng. Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ du lịch Sông Tiền, là doanh nghiệp lữ hành, công ty đã có kế hoạch để kích cầu du lịch sau đại dịch Covid-19. Hiện công ty đã giảm giá các tour du lịch 20% nhưng lượng khách vẫn rất ít. Dù hoạt động du lịch nội địa đã mở cửa trở lại nhưng người dân vẫn còn ngại đi du lịch.
Chính vì vậy, công ty mong muốn được tỉnh hỗ trợ về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Còn theo đại diện Công ty TNHH Làng Việt Traver, Nhà hàng Làng Việt chuyên phục vụ tiệc cưới, hội nghị, sinh nhật, hầu như bị ảnh hưởng khá nhiều bởi dịch bệnh Covid-19. Hầu như các hội nghị và tiệc cưới không tổ chức nhiều. Đến đầu tháng 5, nhà hàng được hoạt động trở lại, song đa phần chỉ tổ chức những tiệc quy mô nhỏ, một số tiệc đã đặt trước cũng bị khách hàng dời thời gian hoặc hủy.
Một số doanh nghiệp chịu tác động lớn do dịch bệnh Covid-19 cũng đã kiến nghị liên quan đến vốn vay, gia hạn nộp thuế đất… Chẳng hạn, Công ty TNHH Royal Foods Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Tho), chuyên chế biến thực phẩm và thực hiện quyền xuất nhập khẩu một số sản phẩm, trước tình hình thiếu nguyên liệu sản xuất, đã kiến nghị tạm thời cho phép được nhập khẩu các loại cá (cá nục, các bạc má, cá trích) từ các doanh nghiệp chưa có tên trong “Danh sách doanh nghiệp nước ngoài được phép xuất khẩu thực phẩm thủy sản vào Việt Nam” đến hết năm 2020 để làm nguyên liệu sản xuất. Công ty cam kết tuân thủ các quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản theo quy định tại Thông tư 26/2016 ngày 30-6-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Riêng Công ty cổ phần Gò Đàng kiến nghị không thay đổi giá đóng tiền thuê đất và giãn thời gian đóng tiền thuê đất đối với Khu công nghiệp Mỹ Tho, giãn thời gian đóng tiền điện cho các doanh nghiệp. Còn Công ty cổ phần Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal (Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh), kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp khi cần vay vốn để phục hồi sản xuất… |
Đại diện Công ty Du lịch Non Sông Việt cho biết, công ty chuyên tổ chức đưa khách ở Tiền Giang đi du lịch trong và ngoài nước. Dù đã kích cầu nhiều chương trình hấp dẫn nhưng vẫn không khả quan. Về thực trạng du lịch ở tỉnh, du khách đến rất đông nhưng do các doanh nghiệp cạnh tranh dẫn đến hạ giá, vấn đề này cần được tính toán lại.
Còn theo đại diện Công ty cổ phần Du lịch MêKông Mỹ Tho, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công ty gặp nhiều khó khăn, không có khách du lịch dẫn đến nhu cầu thuê phòng nghỉ lại cũng không có. Mặt khác, lĩnh vực nhà hàng cũng bị ảnh hưởng và hầu như vẫn chưa hoạt động trở lại. Để vượt qua khó khăn trong giai đoạn vừa qua, công ty đã vận động nhân viên nghỉ giãn cách, chỉ duy trì khoảng 50% nhân viên.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tiền Giang Nguyễn Ngọc Minh cho rằng, để khôi phục hoạt động du lịch, tỉnh cần tăng cường công tác xúc tiến, đặc biệt là thị trường nội địa. Mặt khác, giá các sản phẩm du lịch ở tỉnh hiện đã thấp, nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng hạ giá để cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần cạnh tranh bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Đề cập về định hướng thu hút khách quốc tế, Giám đốc Sở Ngoại vụ Tiền Giang Lưu Văn Phi cho rằng, các doanh nghiệp cần phải xác định được nguồn khách, thị trường để có giải pháp thu hút. Thời gian tới, Sở Ngoại vụ sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thực hiện xúc tiến du lịch ở thị trường nước ngoài và mời các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia.
CÁC GÓI TÀI KHÓA
Bên cạnh việc thực hiện các gói giải pháp của tỉnh nhằm hỗ trợ hoạt động cho các doanh nghiệp, tỉnh cũng đã nỗ lực thực hiện các chính sách của Trung ương như gia hạn nộp thuế, khoanh nợ, giảm lãi vay…
Theo đó, kết quả thực hiện Nghị định 41/2020 của Chính phủ cho thấy, tính đến đầu tháng 5, có 400 doanh nghiệp đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, với tổng số tiền thuế được gia hạn là 83 tỷ đồng, bao gồm 49 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng, 30 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, 3,2 tỷ đồng tiền thuê đất; tổng số hộ kinh doanh đề nghị gia hạn nộp thuế là 7 hộ, với tổng số tiền thuế là 373 triệu đồng.
Liên quan đến các gói tín dụng thực hiện theo Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm, tính đến ngày 30-4, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 297 khách hàng với dư nợ được cơ cấu là 598 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho 28 khách hàng, với dư nợ 54 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm là 2 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23-1-2020 là 6.765 tỷ đồng cho 1.496 khách hàng.
Ngoài ra, tính đến giữa tháng 4, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận 68 văn bản của doanh nghiệp gửi đến đề nghị tạm dừng đóng, giảm mức đóng, ngưng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian người lao động nghỉ việc không hưởng lương.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp nắm tình hình thực tế tại các doanh nghiệp, hướng dẫn và xác nhận doanh nghiệp đủ điều kiện tạm dừng đóng bảo hiểm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các đối tượng vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, trong thời gian tới, tỉnh cam kết sẽ thực hiện nghiêm theo Nghị định 41, Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Chính phủ. Vừa qua, tỉnh đã thực hiện xong giai đoạn 1 về việc hỗ trợ các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và đang triển khai giai đoạn 2 cho các nhóm đối tượng.
Để thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 công khai, công bằng và đầy đủ, đồng chí Trần Văn Dũng đã yêu cầu Sở VH-TT&DL phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tuyên truyền để doanh nghiệp nắm và đăng ký thực hiện; đồng thời, rà soát, tổng hợp công khai ở cấp địa phương, khi không có phản ánh sẽ trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Về định hướng đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng chí Trần Văn Dũng cho rằng, Sở VH-TT&DL sẽ rà soát lại các cơ sở di tích văn hóa lịch sử nhằm đánh giá giá trị sử dụng còn lại và mức độ khai thác gắn với du lịch để khai thác và đầu tư định hướng cho giai đoạn 2021 - 2025. Khi đầu tư các di tích văn hóa lịch sử hoàn thiện sẽ bàn giao về cho cấp huyện (hoặc tỉnh quản lý), nhưng phải kết nối được với các doanh nghiệp du lịch để khai thác du lịch có hiệu quả. Đối với công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, Sở VH-TT&DL cần tham mưu cho UBND tỉnh về chương trình quảng bá, xúc tiến với nội dung cụ thể, tránh trùng lắp…
ANH PHƯƠNG - MINH THÀNH